Người dân - cộng đồng làm chủ xây dựng nông thôn mới
- Thứ bảy - 28/01/2017 11:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhân dịp năm mới xuân Đinh Dậu 2017, phóng viên Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Văn Thu (ảnh) – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về bí quyết, cách làm NTM hiệu quả cũng như việc tập trung đầu tư và nâng chất các tiêu chí trong thời gian tới.
Thưa ông, Quảng Nam có điểm xuất phất thấp, song qua mấy năm triển khai xây dựng NTM, tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng tự hào. Vậy, để làm được điều này, theo ông đâu là bí quyết của tỉnh?
- Khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Quảng Nam có xuất phát điểm thấp, toàn tỉnh có 204 xã thực hiện chương trình, trong đó có 98 xã thuộc 9 huyện miền núi. Năm 2010, khi phát động xây dựng NTM, bình quân chung số tiêu chí đạt chuẩn là 2,61 tiêu chí/xã, có 163 xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó 48 xã chưa đạt tiêu chí nào. Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố không thuận lợi như đất đai manh mún, địa hình phức tạp và bình quân diện tích đất nông nghiệp/hộ thấp; bão lũ, hạn hán, nhiễm mặn thường xuyên xảy ra...
Đến cuối năm 2016, Quảng Nam có 62 xã đạt chuẩn NTM; huyện Phú Ninh và thị xã Điện Bàn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn năm 2015. Đến nay, bình quân chung số tiêu chí đạt chuẩn của toàn tỉnh là 12,5 tiêu chí/xã, tăng 9,89 tiêu chí/xã so với năm 2010 và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Việc chú trọng xây dựng các cánh đồng mẫu sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao đã giúp cho nông dân Quảng Nam có thu nhập gấp 2 lần so với trước đây. ĐOÀN TRƯƠNG
Để nâng “chất” các tiêu chí NTM, nhất là các tiêu chí tác động trực tiếp đến đời sống người dân như: Thu nhập, hộ nghèo, việc làm… Quảng Nam sẽ làm gì để tiếp tục đầu tư cho các xã, huyện và thị xã đã về đích?
- UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó chú trọng các giải pháp phát triển kinh tế, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, cải tạo cảnh quan môi trường, giữ vững an ninh trật tự, nâng cao thu nhập và sự hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân.
Mục tiêu xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; tạo môi trường, cảnh quan nông thôn thật sự xanh, sạch, đẹp…, Quảng Nam đã ban hành và chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện bộ tiêu chí “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”, trong đó, tỉnh hỗ trợ đầu tư 500 triệu đồng/khu dân cư NTM kiểu mẫu và hằng năm hỗ trợ ít nhất 500 triệu đồng đối với mỗi xã đã đạt chuẩn NTM để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí; ngoài ra còn lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ các xã nâng cao mức đạt chuẩn của các tiêu chí hạ tầng, để phấn đấu sau 5 năm, các địa phương này đủ điều kiện để công nhận xã NTM kiểu mẫu.
Những năm qua, việc quan tâm đến phát triển sản xuất, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, nhờ đó đến cuối năm 2016, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 24 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,06%/năm...”. |
Trong những năm tới, tỉnh sẽ ưu tiên và dành nguồn lực đầu tư cho các địa phương chưa đạt chuẩn (các xã nghèo, xã miền núi) như thế nào? Các lĩnh vực, tiêu chí được ưu tiên đầu tư trước?
- Để thực hiện chương trình ở các xã đặc biệt khó khăn, xã miền núi, tỉnh chỉ đạo tập trung rà soát lại quy hoạch bố trí dân cư gắn với phát triển sản xuất cho phù hợp với từng thôn, bản, điểm dân cư để thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; thực hiện tốt đề án phát triển sản xuất nông, lâm sản góp phần giảm nghèo khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020.
Ngoài ra, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho miền núi như: Chương trình 30a, 30b, 135, chính sách hỗ trợ di dân cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là chỉ đạo triển khai có hiệu quả nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng, kể cả nguồn vốn vượt thu và chú trọng lồng ghép vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và vốn từ Chương trình NTM để nâng cao hiệu quả đầu tư, trong đó ưu tiên làm trước các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã, ở thôn trực tiếp gắn với phát triển sản xuất, đời sống hằng ngày của người dân như: Công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện, nước sạch, trường học, y tế, thông tin…
Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, từ nay đến năm 2020, tỉnh Quảng Nam sẽ ưu tiên tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?
- Mục tiêu đề ra đến năm 2020 là: Có trên 55% số xã đạt chuẩn NTM, có thêm 1 huyện đạt chuẩn, 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và duy trì huyện Phú Ninh và thị xã Điện Bàn đạt chuẩn NTM, bình quân chung số tiêu chí đạt 15-16,5 tiêu chí/xã.
Để thực hiện các mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung những nhiệm vụ trọng tâm đó là, quyết tâm chính trị cao nhất, đồng thời người đứng đầu cấp uỷ và chính quyền các cấp phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đạt mục tiêu đề ra.
Tiếp đến là lấy Chương trình NTM làm trục trung tâm để lồng ghép các nguồn vốn đầu tư có hiệu quả, nhưng lồng ghép phải cụ thể, rõ ràng, có xác định thứ tự ưu tiên đối với từng công trình, từng tiêu chí, trong đó ưu tiên hỗ trợ xây dựng trước các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh, phát triển sản xuất và hạ tầng sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Coi công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Ngoài ra, tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã, tạo mọi điều kiện cho người dân và cộng đồng thực sự làm chủ trong xây dựng NTM theo cơ chế đầu tư nhưng bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm… Chú trọng thực hiện tốt chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực để tiếp tục đầu tư có hiệu quả, đồng thời hạn chế việc nợ đọng trong xây dựng cơ bản... Hỗ trợ các chính sách nhằm giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận tốt nguồn vốn ưu đã để phát triển sản xuất, kinh doanh tăng hiệu quả thu nhập.
Xin cảm ơn ông!
Theo Đoàn Hồng - Trương Hồng/ Dân Việt