Người dân giám sát xây dựng nông thôn mới

Người dân giám sát xây dựng nông thôn mới
Sau 4 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả trên lĩnh vực tam nông cũng như rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý về xây dựng nông thôn mới ở một tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Ông Nguyễn Đức Minh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên chia sẻ với Đại Đoàn Kết về vấn đề này.

Ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Thái Nguyên.

PV: Thái Nguyên được đánh giá là một tỉnh thực hiện tốt những chính sách liên quan đến xây dựng NTM. Trong 5 năm vừa qua, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên đã đạt được kết quả cụ thể như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Minh: Thái Nguyên vừa tiến hành tổng kết 5 năm xây dựng NTM (2011 - 2015). Trong giai đoạn này, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh phấn đấu có 30 xã đạt chuẩn NTM nhưng đến cuối năm 2015, tỉnh đã công nhận thêm 11 xã đạt chuẩn. Như vậy, đến nay Thái Nguyên đã có 40 xã chuẩn, vượt hơn 7% so với kế hoạch đề ra. Hiện, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch cho nhiệm kì mới 2015 – 2020 và phấn đấu đến năm 2020 sẽ có thêm khoảng 60 xã đạt NTM. 

Chủ trương vận động xây dựng NTM với 40% nguồn lực có sự đầu tư của Nhà nước, 60% nguồn lực còn lại là do người dân tự đóng góp, việc vận động sự đóng góp của người dân tại các thành phố, thị trấn, thị tứ phải chăng dễ dàng hơn ở các vùng nông thôn, thưa ông?

- Đúng vậy, nếu ở nông thôn thì việc vận động người dân hiến đất không khó nhưng nếu vận động bà con đóng góp tiền bạc thì lại khó khăn hơn nhiều. Vì thế, đối với những vùng khó khăn, tỉnh sẽ có một số chính sách riêng hỗ trợ các thôn, xã đặc biệt khó khăn để vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng chung tay giúp sức để công cuộc xây dựng NTM của địa phương sớm hoàn thành. 

Hiện nay, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát động cuộc vận động mới “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Vậy, hệ thống Mặt trận các trong tỉnh Thái Nguyên đã triển khai chủ trương trên như thế nào?

Năm nay, hưởng ứng các chủ trương chung của Mặt trận là ghép 2 CVĐ cũ thành một CVĐ mới với tên gọi chung  “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.  Trong cả 2 nội dung về xây dựng NTM và đô thị văn minh đều bao gồm nhiều nội dung mà trước đây chúng tôi vẫn làm như xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa…

Đối với CVĐ mới này, UBMTTQ tỉnh Thái Nguyên vẫn xác định mục tiêu chính đó là tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp công sức xây dựng kinh tế, giám sát đầu tư của cộng đồng, thanh tra nhân dân…. Để giảm bớt chi phí khi tiến hành xây dựng NTM tỉnh đã xây dựng mẫu thiết kế chung để các địa phương dựa vào đó làm. Với mẫu thiết kế chung này, các địa phương không phải mất thêm chi phí để tiến hành thiết kế. 

Làm đường tại xã Tân Hương, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên.

Vậy thưa ông, trong quá trình xây dựng NTM, các Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có đóng góp như thế nào để giám sát xây dựng NTM và giao thông nông thôn tại địa phương?

- Hiện nay, nếu xây dựng NTM ở thôn nào thì thôn đó đều có đại diện của Mặt trận là thành viên của Ban TTND và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở đó để thực hiện chức năng giám sát. Họ sẽ gặp chủ đầu tư nếu là đơn vị được thi công và đưa ra các yêu cầu giám sát. Ngoài ra, để giảm bớt chi phí phần lớn người dân tự thi công bằng việc thành lập Ban Đầu tư xây dựng của thôn do Bí thư chi bộ, trưởng thôn làm trưởng ban để quản lý. Bên cạnh việc giám sát của các ban nói trên, ngay chính người dân cũng tham gia giám sát xem vật tư, vật liệu xây dựng có đúng với tiêu chuẩn, mẫu mã hay không. 

Trong cả 4 năm (2011 - 2015), chúng tôi đã phát hiện ra 2 địa phương để xảy ra sai sót, đó là huyện Phổ Yên và Đại Từ. Tuy nhiên, ngay sau khi có ý kiến phát hiện của nhân dân thì các huyện, các xã lập tức rút kinh nghiệm thay thế các thành viên ban xây dựng và thực hiện theo đúng yêu cầu của đoàn thanh tra, đoàn giám sát. 

Có một thực tế, nhiều địa phương đã đạt chuẩn NTM nhưng chất lượng các tiêu chí không bền vững, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên có cách nào để những địa phương đó giữ nguyên được những tiêu chí xây dựng NTM?

- Với những xã đã đạt rồi Ban Chỉ đạo cũng đã họp bàn để các địa phương giữ các tiêu chí và tiếp tục có đầu tư nâng chất lượng các tiêu chí đó lên. Trước đây khi làm để được công nhận tỉnh cũng chủ động rà soát một số tiêu chí phù hợp với địa phương và những tiêu chí đó có thể thấp hơn so với tiêu chí trên Trung ương. Ví dụ, những tiêu chí về môi trường, khu vui chơi văn hóa… có giảm đi một chút nhưng những năm tới đây sẽ tiếp tục có sự đầu tư để giữ và nâng tiêu chí này lên.

Trong năm 2016, tỉnh Thái Nguyên quyết định ngoài xã được công nhận NTM sẽ xây dựng 3 điểm NTM tiêu biểu để làm mô hình rồi từ đó sẽ nhân ra diện rộng. Tại 3 điểm NTM tiêu biểu, tiêu chuẩn phải cao hơn những xã đạt chuẩn NTM bằng việc xã đó phải có mô hình trồng rau sạch để cung cấp thực phẩm sạch cho nhân dân. Dự kiến, địa phương đầu tiên sẽ được thực hiện  là huyện Phú Bình.

Trân trọng cảm ơn ông!

  Nhã Phương
Theo: daidoanket.vn