Xây dựng nông thôn mới Người dân là chủ thể quan trọng nhất

Xây dựng nông thôn mới Người dân là chủ thể quan trọng nhất
Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 32 của QH về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã nêu những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện. Ví dụ, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền của cả nước còn khá lớn.
 
 

                                        Ảnh: Quang Khánh

Chỉ có 2 khu vực đạt kết quả cao là đồng bằng sông Hồng đạt 57,6%, Đông Nam Bộ đạt 56,61%, còn lại đạt thấp dưới 32%. Riêng miền núi phía Bắc mới chỉ đạt 12,32%. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị sản xuất bền vững nên thu nhập của người dân còn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường; thiếu sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã nên lúng túng tìm kiếm thị trường tiêu thụ và bị tư thương ép giá. Năng lực của bộ phận cán bộ cơ sở, nhất là ở xã miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế.

Như vậy, để đạt được mục tiêu phấn đấu trong năm 2018, cả nước có ít nhất 37% số xã, vượt 5% so với năm 2017, chúng ta cần phải có một sự nỗ lực cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị. Thiết nghĩ chất lượng sống, môi trường sống của người dân nông thôn là mục tiêu cao nhất của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp đã được nêu trong Báo cáo của Chính phủ. Tôi xin thêm một vài ý kiến như sau:

Chúng ta phải luôn xác định người dân là chủ thể quan trọng nhất trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Phải được bắt đầu từ nhận thức, ý thức trách nhiệm giúp thay đổi tư duy của người dân, người dân được tham gia từ đầu và trong suốt quá trình xây dựng phát triển của địa phương mình, của làng xã, thôn, buôn mình.

Tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa hơn các tiêu chí phù hợp với từng vùng miền, khu vực, tránh rập khuôn, máy móc, cứng nhắc. Các địa phương chú trọng xây dựng đề án nông thôn mới đặc thù với nhiều cách làm mới sáng tạo, nhất là trong tìm kiếm, huy động được các nguồn lực. Ở Phú Yên cũng có nhiều cách làm hiệu quả, thiết thực, trong đó có chương trình có mô hình cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn, buôn khó khăn và cán bộ đảng viên giúp đỡ hộ nghèo. Đây là một chủ trương đúng và cách làm đúng, hợp lòng dân và được nhân dân trong tỉnh nhiệt tình ủng hộ và thu được những kết quả tốt. Phú Yên đang là một tỉnh nghèo nhưng 40% số xã đạt nông thôn mới trong năm 2017.

Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới cần có sự tham gia của doanh nghiệp, doanh nhân. Đây là một yếu tố hết sức quan trọng, gần như không thể thiếu. Muốn vậy phải có chính sách khuyến khích hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh mới, sản xuất lớn, công nghệ cao trên địa bàn nông thôn theo hướng chúng ta phải mở rộng hạn điền và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân được giao đất. Doanh nghiệp vừa tổ chức đầu tư sản xuất kinh doanh, vừa tạo ra mô hình mẫu có tính lan tỏa chuyển giao hỗ trợ công nghệ giống, kỹ thuật nuôi trồng, thức ăn chăn nuôi... Quan trọng hơn là tạo được thị trường đầu ra chế biến bao tiêu sản phẩm cho người nông dân cũng như thu hút được các doanh nghiệp vệ tinh, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp từ người dân địa phương.

Cuối cùng, phải quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, thôn, buôn. Cần phải bồi dưỡng cho họ về những kiến thức chuyên môn, về nhận thức và ý thức trách nhiệm đầy đủ, và là những người gương mẫu đi đầu đi cùng với người nông dân, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên quê hương làng xã của mình.

Theo Bình Sơn/daibieunhandan.vn