Người dân phải là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới

Người dân phải là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới
Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, phong trào bê tông hóa đường thôn, ngõ xóm diễn ra sôi nổi. Đường quang, ngõ rộng, làng quê ngày càng đổi mới. Nhưng sau bước chuyển mình đáng mừng ấy, một số thôn, xóm đang phải đối mặt với khoản nợ lớn, chưa biết đến bao giờ mới thanh toán được.
 
Xây dựng đường giao thông nội đồng tại xã Vũ Tây (Kiến Xương). Ảnh minh họa.

Câu chuyện bắt đầu từ khi tỉnh có chủ trương hỗ trợ xi măng cho các địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới. Đây là chủ trương đúng, trúng, tạo ra cơ chế kích cầu, huy động tối đa sức dân tham gia xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Nhiều gia đình, con em xa quê sẵn sàng đóng góp, ủng hộ quê hương từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, thậm chí nhiều người hỗ trợ vài trăm triệu đồng hoặc làm cả một đoạn đường cho thôn, cho xã. Chỉ trong mấy năm trở lại đây, toàn tỉnh đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây mới hàng nghìn ki-lô-mét đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được lại xuất hiện tình trạng xây dựng nông thôn mới ở một số xã, thôn nóng vội, tổ chức làm đường giao thông chạy theo phong trào, lấy thành tích. Khi nhận xi măng hỗ trợ của tỉnh, thôn chưa tổ chức họp bàn kỹ lưỡng, dân chủ trong nhân dân, lập dự toán đầu tư xây dựng công trình chưa cụ thể, không xác định rõ nguồn nhân dân đóng góp là bao nhiêu và ký cam kết từng hộ. Những người đứng đầu thôn cũng chưa tuyên truyền, giải thích rõ ràng, vận động bà con đóng góp trước mà “tính cua trong lỗ” gọi chủ thầu ứng trước cát, đá, mang máy đến xây dựng. Sau những ngày rộn ràng làm đường, quyết toán công trình lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng nguồn thu không đủ để trả. Lúc chưa làm đường, nhiều hộ hứa hẹn sẽ góp công, góp của đầy đủ nhưng khi có đường đi sạch, đẹp khang trang, một số người lấy lý do hoàn cảnh khó khăn xin thôn cho nợ, có những người trước bảo cứ làm đi rồi tài trợ nhưng sau thấy vậy cũng không tài trợ nữa. Ở một số địa phương, có những đoạn đường khánh thành cả năm rồi mà chủ thầu xây dựng vẫn chưa thu được nợ. Ngặt nỗi, nợ này là nợ của tập thể, sau đại hội nhiều trưởng thôn, bí thư chi bộ nghỉ họ không biết đòi ai. Kẻ đóng góp, người thì không, lời ra tiếng vào, trách móc nhau, làm sứt mẻ tình làng nghĩa xóm.

Chuyện nợ đọng trong xây dựng đường giao thông ở một số thôn, xóm thời gian qua do nhiều nguyên nhân nhưng mấu chốt là do số đông người dân chưa được đặt vào vị trí chủ thể, chưa được bàn bạc dân chủ, khách quan mà quyết định chỉ do một nhóm người, đó là chưa kể đến sự công khai, minh bạch trong quá trình đầu tư xây dựng các công trình. Xây dựng nông thôn mới thực chất là quan tâm và từng bước nâng cao đời sống của dân và phải dựa vào sức dân song tuyệt đối không được ép nhân dân đóng góp. Trước thực trạng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khi xây dựng nông thôn mới tuyệt đối không được nóng vội, chạy theo thành tích, làm đến đâu chắc đến đó. Như vậy, vấn đề cần khắc phục hiện nay là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến từng gia đình, từng người dân để mọi người hiểu được quyền, nghĩa vụ và lợi ích của mình trong xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy, chính quyền địa phương phải đưa người dân vào vị trí chủ thể trong việc tham gia đề án, kế hoạch và bàn các giải pháp thực hiện. Đầu tư xây dựng các công trình phải đi đôi với đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, chỉ có như vậy mới tạo được sự đồng thuận và phát huy được dân chủ, khai thác được tiềm năng sẵn có trong dân, huy động tối đa sức dân để chăm lo cho dân.

Nguyễn Hình 
Nguồn: baothaibinh.com.vn