Người dân sống chung với lũ an toàn hơn

Người dân sống chung với lũ an toàn hơn
Về miền Tây trong những ngày Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL (Chương trình) giai đoạn 2 đang bước vào thời kỳ hoàn thiện, chúng tôi được chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ trong cuộc sống của đồng bào vùng lũ. Rời những ngôi nhà ven vùng sông nước xập xệ, cứ lũ về là ngập lụt, thậm chí trôi, sạt, giờ đây họ đã được định cư ở nơi ở mới với những ngôi nhà khang trang, kiên cố. Tại nơi ở mới trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ (DCVL), người dân nông thôn dần thích nghi với cuộc sống quần cư, ít nhiều mang hơi hướng của đời sống đô thị. Trong kỳ I của bài viết này, chúng tôi sẽ dành để nói về sự ủng hộ của người dân tỉnh Hậu Giang với chương trình.


Diện mạo khang trang ở tuyến DCVL Cái Côn.

Người dân hài lòng

Về định cư tại tuyến DCVL Cái Côn thuộc địa bàn ấp An Đông A, xã Đại Thại, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang gần một năm rưỡi, vợ chồng anh Trịnh Văn Thuận sớm thích nghi và tỏ ra hài lòng với cuộc sống ở nơi ở mới. Trước đó, nhà anh chị ở sát sông Cái Côn, cách nơi ở mới chưa đầy 200m, mỗi khi lũ về là nhà ngập.

Anh Thuận kể, có lần nước lũ về hồi đêm, lúc tỉnh dậy, đôi dép bị trôi mất. Tài sản quý là cái tủ lạnh ngâm nước, cũng hỏng luôn... Anh Thuận cho biết: Nhà nước cũng từng làm đê tránh lũ nhưng bề ngang chỉ có 2m. Vào mùa lũ, nước lớn, đê lở suốt. Ngập vẫn hoàn ngập. Chính cậu con trai anh hồi lên ba tuổi từng cũng bị rơi xuống nước lũ, may mà anh túm lại, vớt được con lên...

Vợ chồng anh chị từ lâu ấp ủ, mơ ước về một ngôi nhà an toàn, bền vững hơn. Ấp ủ thì vậy nhưng những năm qua anh chị cũng vẫn chưa có ý định cất nhà mới vì khu vực này không có đường giao thông nên anh cũng không thể xác định được vị trí nào an toàn trước lũ. Ngày ngày người dân vẫn đi lại, đi học, đi làm, chợ búa... hoàn toàn bằng ghe nên không thể không tiếp tục bám sông.

Khi Nhà nước có dự án đầu tư xây dựng tuyến DCVL Cái Côn, anh chị đồng ý về ở ngay vì đây là khu dân cư được đầu tư đồng bộ điện, nước, trường mẫu giáo...

Anh cho biết, với số tiền 20 triệu đồng ngân hàng cho vay với lãi suất 0,25%/tháng, trong vòng 10 năm, anh chị bỏ thêm 80 triệu đồng tích lũy được trước đó để cất ngôi nhà tường xây kiên cố trên nền đất rộng 4,5m, dài 12m (được nhà nước cho mua ưu đãi 25 triệu đồng, cho trả chậm trong vòng 12 năm, lãi suất 0%). Nhà cũ khi dỡ ra chỉ thu lại được vẻn vẹn vài thanh gỗ, đem tận dụng làm xép cho nhà mới.

Về nhà mới, anh chị nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống ở tuyến DCVL. Hơn thế, khi thấy các hộ dân ở san sát, có nhu cầu cao về các dịch vụ đô thị, vợ anh có thêm việc bán tạp hóa. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình anh dần khấm khá hơn.

Tương tự, khi đến cụm DCVL Vị Đông, thuộc huyện Vị Thủy, vào thăm gia đình ông Nguyễn Văn Thượng, chúng tôi chứng kiến điều bất ngờ nho nhỏ. Ngôi nhà mới gồm 1 phòng khách, 2 buồng ngủ, không gian bếp còn thơm mùi vôi vữa. Cũng như các hộ khác trong cụm DCVL, nhà ông Thượng trổ một cửa nhỏ phía sau để ra vườn. Qua đến là đến ruộng. Vậy là cuộc sống mới của gia đình ông Thuận vẫn gắn với đồng ruộng. Nhưng trong gian bếp của gia đình người nông dân này không thiếu những vật dụng tiện nghi, hiện đại như tủ lạnh, bếp ga. Treo trên tường là những nồi, niêu xoong chảo sáng bóng...

Thế mới biết, người dân nông thôn ở đây đang sống cuộc sống không khác mấy những cư dân đô thị. Chúng tôi hỏi ông Thuận rằng có hài lòng về nơi ở mới không? Giơ hai tay lên, chắp vào nhau trước ngực, ông Thuận nói một cách hào hứng: Chúng tôi thích ở nhà mới, không còn lo mất an toàn những ngày lũ. Chúng tôi hoan hô và ủng hộ Nhà nước hai tay...

Doanh nghiệp vào cuộc

Những người dân hồn hậu chúng tôi gặp ở các cụm, tuyến DCVL nói trên chỉ là 2 đại diện trong số hơn 3.700 hộ dân được hỗ trợ trong Chương trình giai đoạn 2 ở Hậu Giang bày tỏ sự ủng hộ đối với chương trình. Và hẳn họ không là số ít. Bởi không nói đâu xa, ngay như tuyến dân cư Cái Côn, theo như lời của Phó giám đốc Sở Xây dựng Phan Vĩnh Lộc, từ ngày giải phóng cho đến trước khi có Chương trình, trong khu vực này hoàn toàn không có đường sá, không nước sạch, không trường học. Mỗi khi đến tuổi đến trường, bọn trẻ phải đi ghe qua sông đến lớp.

Thế nên khi triển khai chương trình Giai đoạn 2, Hậu Giang xác định quy hoạch xây dựng Cái Côn là tuyến DCVL. Tuyến vừa đường giao thông phục vụ dân đi lại, vừa là đê bao bảo vệ nhà cửa ruộng vườn, đồng ruộng của bà con.

Ông Lộc cho biết: Dọc 2 bên tuyến DCVL Cái Côn, Hậu Giang bố trí 1.107 hộ dân (chiếm gần 1/3 tổng số hộ trong Chương trình giai đoạn 2 của Hậu Giang). Theo quy hoạch, trong tuyến sẽ xây dựng 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 2 trạm xá từ các nguồn vốn lồng ghép.

Khi triển khai dự án, bà con trong khu vực ủng hộ rất cao. Bằng chứng là người dân sẵn sàng hiến hoa màu, cây cối, chỉ nhận đền bù đất và công trình trên đất. Chính vì vậy, công tác GPMB của dự án rất thuận lợi, chi phí đền bù giảm.

Nếu ở Cái Côn người dân hiến hoa màu thì dự án cụm DCVL ở huyện Châu Thành A lại có sự vào cuộc của DN bằng cách xây thô công trình nhà ở trên nền đất người dân được mua ưu đãi. Chi phí xây thô nhà ở trị giá 12 triệu đồng, DN cho dân trả chậm trong các năm. Riêng 2 năm đầu, lãi suất 0%. Bù lại, chính quyền địa phương có cơ chế ưu đãi hỗ trợ DN này đầu tư chợ trên địa bàn, để phục vụ chính cụm dân cư.

Mỗi dự án ở Hậu Giang trong tổng số 10 dự án cụm, tuyến DCVL thuộc Chương trình giai đoạn 2 có những cách làm riêng nhưng tất cả đang về đích đúng hẹn. Hiện cả 10 dự án đã được đưa vào sử dụng. Hơn 2.861/3.707 căn hộ đã và đang được xây dựng, đưa dân vào ở. Lồng ghép Chương trình giai đoạn 2 với các chương trình mục tiêu khác, điện đã được đưa vào sử dụng ở 3/10 cụm tuyến. 3 cụm DCVL khác thì đang được thi công công trình điện. 4/10 cụm kéo điện tạm phục vụ cho dân. Riêng công trình cấp nước đã hoàn thành và đưa vào sử dụng ở cả 10/10 cụm, tuyến. Ngoài ra, theo quy hoạch 6/7 cụm, tuyến DCVL đã hoàn thành đầu tư điểm giữ trẻ…

Quý Anh - Manh Cường
Theo baoxaydung.com.vn