Người đưa tin của xã
- Thứ tư - 17/06/2015 22:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Một ngày bắt đầu mọi việc từ sáng sớm và về nhà là lúc nhọ mặt, đó là công việc suốt hơn chục năm nay của anh Triệu Văn Chuyên.
Anh là cán bộ văn hóa xã Thượng Ấm (huyện Sơn Dương,Tuyên Quang). Năm 1999, anh Chuyên bắt đầu làm cán bộ văn hóa - xã hội ở xã. Năm 2004, anh được UBND xã giao phụ trách trạm truyền thanh. Hàng ngày, anh lo tiếp sóng và thu phát các chương trình của đài Trung ương và đài tỉnh đưa thông tin đến cho bà con. Ngoài ra, anh còn đọc và phát trên loa những thông báo, nghị quyết, chỉ thị của cấp trên và tuyên truyền về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cũng nhờ anh mà bà con bỏ dần những tập quán sinh hoạt lạc hậu. Nhiều thôn ở xa trung tâm, đài truyền thanh xã không thể đưa thông tin đến với bà con. Đặc biệt, Khuân Lăn là thôn xa nhất, cách trung tâm gần 10km. Trong thôn 100% là đồng bào dân tộc Nùng. Ở xa trung tâm nên vất vả đủ thứ, đến sóng điện thoại cũng không có. Đến Khuân Lăn là ngoài vùng phủ sóng, khó ai có thể liên lạc được bằng điện thoại. "Từ những khó khăn, thiếu tốn của bà con dân tộc trong thôn mà tôi nghĩ đến việc truyền thanh lưu động", anh Chuyên chia sẻ. Sau khi trình bày với lãnh đạo xã về ý tưởng của mình và nhận được sự đồng ý, anh bắt đầu làm. Mới đầu tận dụng những thiết bị ở trạm, thiếu thì tự đầu tư. Bộ đồ nghề của anh rất đơn giản: Chỉ một chiếc loa phóng thanh, một cái đài, cục thu và một bình ắc quy. Lúc đó chưa có kinh phí để mua bình ắc quy, anh phải đấu vào xe máy nhưng rất bất tiện vì lúc nào xe cũng phải nổ máy mới phát được. Để khắc phục điều này, lãnh đạo xã vừa đầu tư cho anh một chiếc bình ắc quy trị giá 700.000 đồng. Ngày đầu, khi viết một chương trình để phát, anh gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu chuyên môn và nghiệp vụ. Anh phải nhờ mấy cán bộ làm ở đài huyện giúp. Giờ các chương trình anh viết chuyên nghiệp cũng chẳng kém ai. Trung bình mỗi năm anh làm được 8-10 chương trình, thời lượng một chương trình khoảng 20 phút. Là cán bộ làm việc giờ hành chính nhưng công việc của anh thường bắt đầu từ sáng sớm và về nhà lúc chiều muộn. Anh nói: “Đi vào thời điểm đó bà con ở nhà, công tác tuyên truyền sẽ hiệu quả hơn và không ảnh hưởng đến việc học của các em học sinh”. Chỗ nào trong thôn anh cũng tới, có lần chạy xe lên tận đỉnh đồi để tạo khí thế cho bà con trồng rừng. Dù bận nhưng anh vẫn sắp xếp công việc để tuyên truyền đến các thôn ít nhất 2 lần/tuần. Những ngày lễ lớn của đất nước, anh đi nhiều hơn để tạo không khí cho bà con. Tôi hỏi anh mỗi tháng được phụ cấp nhiều không? Anh nói: Mình nhận lương hằng tháng rồi, chỉ mong làm việc sao cho hiệu quả. Bà con nghe và làm theo là mừng rồi. Công tác tuyên truyền, vận động bà con đồng bào dân tộc gặp nhiều khó khăn lắm, không phải ngày một ngày hai mà phải kiên trì. Nói xong anh lấy trong tủ cuốn sổ ghi chép rất chi tiết về thời gian, xác nhận của trưởng thôn về những nội dung đã tuyên truyền trong từng năm. Cạnh bàn làm việc là tấm giấy khen anh được xã trao tặng năm 2014 vì hoàn thành tốt công tác “vận động bà con trồng rừng”. Anh Hoàng Văn Hòa, Bí thư Chi bộ thôn Khuân Lăn, tâm sự: Ở đây mọi người đi làm suốt ngày, thời gian xem ti vi để nắm bắt thông tin cũng không nhiều. Việc họp chi bộ cũng chỉ tranh thủ lúc buổi tối. Trước đây, muốn nghe đài của xã cũng không được vì ở quá xa. Nhờ cán bộ Chuyên mà thông tin về tới các ngõ ngách, đến tận nhà và ở trên đồi hay dưới ruộng cũng đều nghe được.
NongNghiep.vn