Nguồn lực đầu tư cho nông thôn mới vẫn còn hạn chế
- Thứ năm - 18/12/2014 18:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đánh giá tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng, Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2014 đã có chuyển biến mạnh mẽ so với thời gian trước. Dự kiến hết năm 2014 sẽ có 785 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới, chiếm 8,8% tổng số xã trên cả nước, trong khi tới giữa năm nay mới chỉ có gần 180 xã đạt chuẩn. Hiện nay, bình quân mỗi xã đã đạt 10 tiêu chí, tăng 5,38 tiêu chí so với năm 2010.
Các tiêu chí hoàn thành cao như 97,2% số xã hoàn thành quy hoạch nông thôn mới, 75,6% đạt tiêu chí điện, 50,2% đạt tiêu chí nhà ở dân cư, 44,5% đạt chuẩn về thu nhập, 72,2% đạt tiêu chí hộ nghèo, 65% số xã đạt tiêu chí hình thức sản xuất, 54,2% đạt tiêu chí y tế, 68,2% đạt tiêu chí hệ thống tổ chức chính trị xã hội, 91% số xã đạt tiêu chí an ninh trật tự xã hội... Đặc biệt, đã có địa phương không chỉ hoàn thành ở cấp xã mà xuất hiện huyện nông thôn mới như ở Đồng Nai đang đề nghị xét huyện nông thôn mới với huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh.
Tuy nhiên, bên canh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số tiêu chí đạt thấp như: cơ sở hạ tầng văn hóa 17,9%, giao thông 23,3%, môi trường 26,8%, hộ nghèo 36,4%. Giải thích nguyên nhân tiêu chí giao thông thấp Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, kinh phí để làm được giao thông lớn trong khi nguồn lực thực hiện thì hạn chế, tiêu chuẩn thực hiện mà Bộ GTVT đưa ra là cao so với nhu cầu thực tế. Để khắc phục, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng lại tiêu chuẩn đường bê tông nông thôn, đảm bảo cho nhu cầu dân sinh của người dân. Còn Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho rằng, trong 5 năm tới mà tiêu chí xử lý rác thải đạt 70% là khó vì thiếu nguồn lực thực hiện.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến các bộ là thành viên Ban chỉ đạo cũng thảo luận cách thức sửa đổi tiêu chí nông thôn mới, đảm bảo sát thực tiễn ở cơ sở, tránh thất thoát lãng phí; khẳng định cần kịp thời tôn vinh những doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, nông nghiệp trong bối cảnh vốn đầu tư của Nhà nước không nhiều.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ghi nhận những kết quả xây dựng nông thôn mới trong năm 2014; nhấn mạnh sự chuyển biến của Chương trình diễn ra mạnh mẽ từ sau hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện vào tháng 5/2014, đặc biệt là sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng chỉ ra những hạn chế trong thực hiện Chương trình là: Nguồn lực đầu tư cho nông thôn mới vẫn còn hạn chế, các bộ, ngành hướng dẫn thực hiện các tiêu chí chưa rõ; trong chỉ đạo thực hiện thì một số địa phương tập trung chính sách và nguồn lực cho các xã điểm mà không làm đồng đều ở tất cả các xã. Môi trường vẫn là vấn đề nhiều thách thức, sản xuất chưa bền vững vì chưa có tổng kết, đánh giá tính hiệu quả, hợp lý của các mô hình kinh tế để nhân rộng.
Bước vào năm 2015, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, xử lý rác thải môi trường...Đối với kế hoạch sửa các tiêu chí nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu để điều chỉnh nhưng không có nghĩa là hạ thấp chất lượng các tiêu chí, không để nông thôn ngày càng lùi xa so với thành thị và đảm bảo giữ vững bản sắc, cảnh quan của nông thôn mỗi vùng miền. Trong kế hoạch thực hiện 5 năm tới (2016- 2020), Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương cho ý kiến để thông báo tới các địa phương đánh giá, kịp thời đưa vào Chương trình hành động phát triển kinh tế, xã hội nhiệm kỳ mới.
theo dangcongsan