Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi: Lời giải đã có vẫn loay hoay
- Thứ tư - 10/06/2015 04:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 2,87 triệu tấn ngô làm nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Giá trị của lượng ngô nhập khẩu này lên tới 622 triệu USD. Ngoài ngô, các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đã nhập khẩu 730 ngàn tấn đậu nành và một số nguyên liệu thức ăn gia súc khác…
Vẫn nhập sản lượng lớn Với số lượng nhập khẩu gần 3 triệu tấn ngô trị giá hơn 620 triệu USD, lượng ngô nhập khẩu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng 30% về lượng và 17% về giá trị. Không chỉ nhập khẩu ngô, VN đang phải bỏ tiền túi để nhập khẩu hàng loạt các loại nguyên liệu thức ăn gia súc khác như đậu nành, lúa mì… Việc phải nhập một lượng lớn nguồn nguyên liệu để chế biến thức ăn chăn nuôi là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá thực phẩm trong nước lên cao. Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, hiện VN tiêu thụ khoảng 12,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi mỗi năm, nhưng chúng ta phải nhập tới 9 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Bộ Công thương nhận định, so với các nước trong khu vực, giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn khoảng 15 đến 20%, thực tế này khiến cho các sản phẩm chăn nuôi của VN khó cạnh tranh, và sẽ đặc biệt khó khăn đối với ngành chăn nuôi khi VN đang mở rộng cửa để hội nhập kinh tế thế giới. Bởi khi đó, nhiều dòng thuế được đưa về 0%, sản phẩm chăn nuôi ngoại nhập chắc chắn sẽ có lợi thế áp đảo sản phẩm chăn nuôi nội địa do không bị áp lực về giá thức ăn chăn nuôi. Ông Lê Văn Ban, chủ một trang trại lợn ở Phú Xuyên, Hà Nội cho biết, chi phí thức ăn chăn nuôi luôn chiếm phần lớn trong sản xuất nên, hầu như người nông dân không có lãi. Bởi bán giá cao thì không cạnh tranh được với thịt ngoại, còn bán giá thấp thì lỗ nặng”. Theo tính toán của ông Ban, do đặc thù nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chủ yếu nhập khẩu nên các mặt hàng thức ăn chăn nuôi sẽ chịu hàng loạt những chi phí mà DN nhập khẩu phải chi ra như phí lưu kho, lưu bãi… và tất nhiên khi đến tay người nông dân, giá cả sẽ bị đẩy lên, vì chẳng có DN nào lại chịu lỗ. "Vậy là mọi thứ đều dồn lên vai người nông dân”- theo ông Ban. Chưa hết nghịch lý Nhiều chuyên gia nhận định, với một nước có tới 70% dân số làm nông nghiệp, thì việc Việt Nam phải nhập một lượng lớn nguyên liệu nông sản để chế biến thức ăn chăn nuôi thực sự là một nghịch lý. Trên thực tế, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó phải kể đến định hướng chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa sang trồng ngô mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra. Cụ thể, theo Cục Trồng trọt, trong dự thảo Chiến lược phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020, Cục Trồng trọt đã đề xuất ưu tiên tăng diện tích trồng ngô từ 1,1 triệu ha lên 1,5- 2 triệu ha, có áp dụng thâm canh, đưa tiến bộ kỹ thuật, giống mới vào sản xuất. Theo đó, sẽ chuyển một phần diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, đồng thời điều chuyển thời vụ cây trồng vụ hè thu, tăng diện tích ngô đông sớm. Tuy nhiên, kể cả việc nhà quản lý cho phép chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô song, theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, không phải vùng nào cũng có thể trồng được loại nông sản này. Bên cạnh đó, theo ý kiến của các nhà khoa học, việc mở rộng vùng trồng nguyên liệu ngô cũng rất cần thiết, song chúng ta đang gặp một số vấn đề liên quan đến việc bảo quản sau thu hoạch. TS Nguyễn Duy Thịnh- Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Bách khoa đã nêu lên một trong những bất cập hiện nay của ngành nông nghiệp VN chính là thiếu và yếu công nghệ hiện đại phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ông Thịnh cho hay, ngô thường thu hoạch vào mùa mưa nên dễ ẩm mốc, trong khi bà con nông dân thường chỉ dùng giải pháp thủ công là phơi khô, hoàn toàn không có điều kiện được sử dụng các công nghệ chế biến sau thu hoạch (cụ thể là sấy) để tránh ẩm mốc, dẫn đến chất lượng ngô không được đảm bảo… Giới chuyên gia trong ngành cho rằng, chỉ khi nào những rào cản liên quan đến vùng nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi được giải tỏa một cách triệt để, ngành chăn nuôi mới hết loay hoay với mục tiêu hạ giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Khi đó, người chăn nuôi mới mong có lợi nhuận trên những sản phẩm chăn nuôi do chính mình làm ra vì không còn lo sức ép cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại. Minh Phương theo daidoanket |