Nhà nông đua tài cổ vũ xây dựng nông thôn mới
- Thứ tư - 05/09/2012 20:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ở 2 phần thi chính: “Lời chào nông dân và Tài năng nông dân” và “Kiến thức nhà nông”, 15 đội thi chia làm 2 bảng A, B. Tại mỗi bảng, các đội chia làm 2 lượt tranh tài...
Đội Điện Biên thể hiện phần thi “Lời chào nông dân”. |
Vững tin vào kiến thức
Các câu hỏi của phần thi “Kiến thức nhà nông” chủ yếu là kỹ thuật chăn nuôi, thú y, nuôi trồng thuỷ sản, phòng trừ dịch hại trên cây trồng; kiến thức luật pháp về đất đai, môi trường; hiểu biết về Hội NDVN, tín dụng, Quỹ HTND... Ở phần thi này, các đội bám sát nhau từ 0,5 điểm...
Phần thi “Kiến thức nhà nông”, thí sinh Đỗ Văn Nho (đội Quảng Ninh) đã trả lời khá tốt câu hỏi nhận biết hình ảnh rầy nâu hại lúa và biện pháp phòng trừ loại dịch hại này. 4/7 giám khảo đã cho anh điểm tối đa. Còn thí sinh Ngô Thị Thu Hương (Quảng Ninh) đã làm hài lòng giám khảo khi trình bày rõ ràng, mạch lạc nhiệm vụ và quyền lợi của hội viên Hội NDVN...
Tại bảng B, đội Thái Nguyên thể hiện khá tốt phần thi “Kiến thức nhà nông” và “Lời chào nông dân”. “Bí quyết để các thí sinh trong đội tự tin trên sân khấu chính là sự vững tin vào kiến thức đã được học và luyện tập; đứng trên sân khấu lớn phải bình tĩnh, nhìn thẳng vào khán giả, coi như lúc đó mình đang diễn cho bà con thôn, xóm mình xem...” - thí sinh Nguyễn Văn Hưng của đội Thái Nguyên chia sẻ.
Tại bảng A, đội Yên Bái để lại ấn tượng tốt với Ban giám khảo và khán giả qua phần thi “Kiến thức nhà nông” và “Tài năng nông dân”. Lý giải về việc mình trình bày khá trôi chảy, mạch lạc quy trình kỹ thuật chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học, chị Nguyễn Thị Hương (Yên Bái) thổ lộ: “Tôi có kinh nghiệm chăn nuôi gà, khi đọc tài liệu chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học, tôi rất ham và muốn áp dụng...”.
TS Phạm Thị Thuỳ - chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, thành viên Ban giám khảo đánh giá: “Nhiều thí sinh có kiến thức khá tốt trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Thí sinh nào biết vận dụng kiến thức từ luyện tập với kinh nghiệm sản xuất thực tiễn thì trả lời sâu hơn, liền mạch hơn...”.
Kết nối tình đoàn kết
Phần thi “Kiến thức nhà nông” được chia làm 3 phần thi nhỏ là “Đố nhà nông”, “Ai giỏi hơn ai” và “Cùng nhau giải đáp”. Đây là các phần thi gây hồi hộp nhất, không chỉ là sự rượt đuổi về điểm số giữa các đội mà còn thể hiện sự hiểu biết và bản lĩnh của thí sinh trên sân khấu.
Với câu hỏi nhận diện hình ảnh và nêu biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen trên cây lúa, thí sinh của đội Bắc Kạn trả lời chưa rõ ràng, chính xác. Ngay lập tức, chị La Thị Nhung - một thí sinh khác của đội đã bổ sung thông tin... Nhờ sự hỗ trợ của chị Nhung, các thành viên Ban giám khảo đã cho đội Bắc Kạn số điểm khá cao.
TS Phạm Thị Thùy
Chị Nhung “bật mí”: “Bệnh lùn sọc đen xuất hiện ở nhiều địa phương tỉnh Bắc Kạn trong những năm vừa qua. Tôi nêu được biện pháp phòng trừ bệnh này là do được tập huấn kỹ thuật và cán bộ khuyến nông hướng dẫn...”.
Dù trả lời tốt hay chưa tốt câu hỏi, các thí sinh đều nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả và các đội bạn. Phần thi “Lời chào nông dân” của đội Thái Nguyên đã để lại ấn tượng với khán giả. Trong vòng 3 phút theo thể lệ của hội thi, các thí sinh không chỉ nêu được những thông tin về Hội ND tỉnh Thái Nguyên mà còn gửi lời chào đoàn kết tới nông dân các tỉnh bạn thông qua những câu thơ vần thú vị. Ban giám khảo “mạnh tay” chấm điểm cao cho phần thi này của đội Thái Nguyên.
Đậm đà sắc màu văn hóa
Không chỉ tranh tài về kiến thức sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hội thi còn là dịp để các thí sinh thể hiện tài năng.
Khán giả cuốn hút với tài đánh đàn tính của anh Nguyễn Đình Chi - đội Cao Bằng. Tại bảng B, tiểu phẩm “Phải làm ngay” của đội Tuyên Quang nhận được nhiều tràng pháo tay của khán giả và đánh giá cao của Ban giám khảo. Ở tiểu phẩm này, chàng trai 27 tuổi Ma Văn Quản (dân tộc Tày) thể hiện thành công vai ông chồng gàn dở say khướt, đã chịu nghe điều phải, quyết định bỏ rượu cùng vợ con hiến đất tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới. Thông qua hình tượng Ngọc Hoàng vi hành trong tiểu phẩm “Môi trường sạch ở đâu”, đội Yên Bái đã mang đến Hội thi thông điệp về bảo vệ nguồn nước sạch...
Hội thi còn là dịp để nông dân phô diễn những bộ trang phục đẹp nhất của các dân tộc 15 tỉnh miền núi phía Bắc. Phần thi “Lời chào nông dân”, khán giả đã được chiêm ngưỡng những bộ váy áo sặc sỡ sắc màu của các dân tộc Thái, Mông, Mường, Dao, Tày, Nùng, Khơ Mú, Pà Thẻn, Lô Lô...
“Chưa bao giờ tôi được thấy nhiều trang phục dân tộc đẹp như trong hội thi này. Trang phục phụ nữ dân tộc Lô Lô mà tôi đang mặc cũng được nhiều người chú ý”- chị Nguyễn Thị Hồng, thí sinh đến từ huyện Vị Xuyên (Hà Giang) chia sẻ.
Phương Đông
Từ chối phỏng vấn vì sợ quên đáp án
Với bộ trang phục lộng lẫy, chị Nguyễn Thị Thu Trang nổi bật nhất đội thi Tuyên Quang. Năm nay mới 30 tuổi nhưng trông Thu Trang khá già dặn, chững chạc hơn tuổi. Trong khi theo dõi các đội bạn thi, chị Trang vẫn không rời tay cuốn tài liệu để chuẩn bị cho phần thi kiến thức nhà nông. Vì sợ quên đáp án nên chị hẹn với phóng viên thi xong mới trả lời phỏng vấn.
Ra hành lang để... run
Sau phần thi “Kiến thức nhà nông” khá tốt, anh Bùi Văn Thanh (45 tuổi) của đội Phú Thọ) nhanh chóng rời sân khấu ra ngoài hành lang để... run. Phải ngồi một lúc sau anh mới bình tĩnh được. Là một cán bộ văn hóa xã năng nổ, tích cực tham gia công tác Hội Nông dân, đã tham dự nhiều Hội thi ở huyện, tỉnh nhưng đây là lần đầu tiên đứng trên sân khấu lớn của hội thi Nhà nông đua tài toàn quốc nên anh có cảm giác mất bình tĩnh. Được biết, Phú Thọ là đội có số cổ động viên hùng hậu nhất (20 người).
Mặc áo dự hội thi để chụp ảnh cưới
Chững chạc trên sân khấu với màn chào hỏi ấn tượng, nhưng khi trả lời phỏng vấn của các nhà báo, chị Nông Thị Anh Vân (28 tuổi) của đội Bắc Kạn) lại tỏ ra rụt rè. Đơn giản vì theo cách nói của Anh Vân, đây là lần đầu tiên chị lên truyền hình. Bộ trang phục dân tộc Tày của Anh Vân thu hút khá nhiều sự quan tâm của các phóng viên. Chia sẻ riêng với NTNN, Anh Vân cho hay chị chuẩn bị lên xe hoa và bộ trang phục mặc dự hội thi lần này sẽ mặc để cùng “anh xã” đi chụp ảnh cưới như một kỷ niệm đẹp.
Đội thi thích chụp ảnh nhất
Vừa kết thúc phần thi buổi sáng, đội thi Thái Nguyên đã nhanh chóng tập hợp đội hình để chụp ảnh kỷ niệm với lãnh đạo T.Ư Hội NDVN. Chưa hết, sau đó, các nữ thành viên trẻ tuổi của đội liên tiếp chụp hình cho nhau bằng máy điện thoại ở ngoài hành lang... Anh Nguyễn Văn Truyền (ảnh) - một thành viên trong đội lý giải, có lẽ nhiều thành viên lần đầu đến Bắc Giang, lại được tham dự Hội thi Nhà nông đua tài toàn quốc nên họ muốn chụp thật nhiều ảnh để kỷ niệm.
Hữu Thông
Theo danviet.vn