Nhà vệ sinh ở vùng sâu, vùng xa: Còn nhiều việc phải làm

Nhà vệ sinh ở vùng sâu, vùng xa: Còn nhiều việc phải làm
Mặc dù, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh là một trong những tiêu chí quan trọng của các địa phương. Song, qua thực tế đến các xã, bản vùng sâu vùng xa của tỉnh Lai Châu, chúng tôi thấy nhiều gia đình không làm công trình vệ sinh, hoặc nếu có thì cũng rất tạm bợ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh có nguy cơ lây lan, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân.

 

Ở những bản vùng sâu vùng xa của huyện Mường Tè, Phong Thổ, Tam Đường... chúng tôi cũng bắt gặp nhiều gia đình sống quen với nếp “không cần làm nhà vệ sinh”, hoặc có làm thì cũng rất tạm bợ, sơ sài bằng vài mảnh ván thưng, bao tải buộc qua quýt, thậm chí dựng ngay bên bờ ao...
Còn nhiều việc phải làm 1
 Rất ít người dân miền núi được sử dụng nhà vệ sinh như thế này.
Quả thực, do điều kiện kinh tế nên nhiều người dân vẫn chưa quan tâm đến việc xây dựng lại nhà tiêu hợp vệ sinh. Cũng vì điều này mà khi đến các trạm y tế xã, căn bệnh chúng tôi thấy người dân mắc phải nhiều nhất chính là bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp... Trẻ em miền núi mắc phải căn bệnh này thường bị trướng bụng, còi cọc, trường hợp nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, việc tuyên truyền về vệ sinh môi trường được các y tá đến từng nhà nhắc nhở, song đâu lại hoàn đó bởi kinh phí không có, người dân ngày ngày cặm cụi trên nương, rẫy, đâu có thì giờ chú trọng đến những điều kiện sinh hoạt tối thiểu trong nhà mình.

“Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, song song với việc phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất, một vấn đề nên làm và rất bức thiết cần được chú trọng, đó là việc quan tâm đến vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân của mỗi người dân, mỗi gia đình. Khi các gia đình đều sạch sẽ, phong quang, thì xã, bản mới đổi thay về diện mạo được” - đó là lời của anh Hoàng Chí Tình - Phó Chủ tịch xã San Thàng (thị xã Lai Châu) khi nhắc đến xây dựng nông thôn mới ở xã này.

Bản Mới (xã San Thàng) cũng là một trong số ít những bản hầu hết các gia đình đã làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Tuy chưa phải nhà nào cũng có nhà tiêu đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh sạch sẽ song chỉ riêng sự thay đổi trong nhận thức mỗi gia đình cũng đã góp phần làm môi trường xã, bản sạch, đẹp hơn nhiều.

Với một tỉnh miền núi như Lai Châu, trình độ dân trí của người dân còn thấp thì từ những việc nhỏ như: xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, xây dựng chuồng trại gia súc, gia cầm xa nguồn nước, nơi ở cũng cần phải có chiến lược lâu dài, bền vững và việc xây dựng nông thôn mới mới sớm đạt được tiến độ đề ra. Nâng đời sống của người dân lên một mức mới - đó không chỉ là sự đổi mới về kinh tế, thay đổi diện mạo của một xã, bản mà còn là thay đổi cách sống, đưa bà con tiến gần đến văn minh, giàu đẹp.

Mây Trắng

Theo suckhoedoisong.vn