‘Nhân dân sẽ không chấp nhận nếu chúng ta không tiến bước’
- Thứ bảy - 30/11/2019 08:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sau khi nghe bà Nguyễn Thị Nghĩa, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng báo cáo, các cử tri của huyện đảo có dân số 33.000 người, bày tỏ vui mừng khi năm 2019 tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước cao nhất trong 9 năm qua, cao nhất khu vực.
“Sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất sâu sát, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với những nơi khó khăn, xa xôi, hẻo lánh và những sự việc nhạy cảm, phức tạp nổi cộm”, cử tri Phạm Nghiêm nói và mong muốn Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để kinh tế - xã hội có những bước phát triển mới.
Cử tri Nguyễn Văn Chương cho rằng năm 2020 Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, đây là sự kiện chính trị quan trọng tiếp tục khẳng định uy tín của Việt Nam với thế giới.
“Để hoàn thành trọng trách to lớn này chúng ta cần phải làm gì và làm như thế nào”, cử tri đặt vấn đề. Dẫn lại phát biểu trước đây của Thủ tướng rằng chúng ta phấn đấu trở thành một cường quốc kinh tế nhưng cũng phải trở thành một cường quốc văn hóa thì mới thành công, cử tri muốn biết rõ hơn về quan điểm phát triển văn hóa hiện nay.
Chia sẻ với mong muốn của cử tri Phạm Nghiêm về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 phải cao hơn nữa, Thủ tướng nêu rõ nhân dân sẽ không chấp nhận nếu chúng ta không tiến bước, cuộc sống phải phát triển hơn, đất nước phải giàu hơn, nhất là năm 2020 là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. “Chúng tôi nhất trí với cử tri về vấn đề này”, Thủ tướng bày tỏ.
Về vấn đề cử tri Nguyễn Văn Chương nêu, Thủ tướng khẳng định chúng ta sẽ làm hết sức mình để làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 mà dự kiến sẽ tổ chức hơn 300 hội nghị, cuộc họp khác nhau. Còn ở vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, chúng ta sẽ tham gia tới 400 cuộc họp khác nhau. Như vậy, khối lượng công việc rất lớn, do đó Thủ tướng cho biết “Chính phủ đã thành lập các tiểu ban để phục vụ tốt” và "Chính phủ sẽ nỗ lực nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế một cách trách nhiệm nhất, chủ động nhất".
Cử tri Hải Phòng đề xuất nhiều kiến nghị về tình hình đất nước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Về phát triển văn hóa, Thủ tướng nêu rõ nếu chỉ phát triển kinh tế là mới đi một chân nên phải phát triển cả văn hóa thì mới bền vững. Phát triển kinh tế cũng phải lo cả văn hóa, an sinh xã hội, đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần.
Có ý kiến cử tri nêu về tình hình xuống cấp môi trường hiện nay khi công tác quản lý tài nguyên môi trường ở một số địa phương còn bất cập, đe dọa trực tiếp sự phát triển bền vững của đất nước. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và có giải pháp mạnh mẽ hơn, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương còn để xảy ra vi phạm và xử lý nghiêm, kiên quyết hơn.
Về ý kiến này Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm là “tam giác phát triển” (cả kinh tế, xã hội, môi trường) chứ không chỉ nặng về kinh tế mà coi nhẹ vấn đề môi trường. Tất cả dự án đều phải có đánh giá tác động môi trường trước khi khởi công xây dựng để bảo đảm phát triển bền vững. Các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân làm ảnh hưởng xấu đến môi trường. Thủ tướng cũng nhấn mạnh chủ trương không sử dụng túi nilon dùng một lần.
Cử tri Nguyễn Viết Lãm, thị trấn Cát Bà, bày tỏ vui mừng về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo trong năm 2019 đạt khoảng 7%, tăng trưởng kinh tế Hải Phòng cao 2,5 lần so với bình quân cả nước. Bộ mặt đô thị của Thành phố có sự đổi thay mạnh mẽ theo hướng văn minh, hiện đại. Cử tri phản ánh, hiện nay, tại cảng nước sâu Lạch Huyện đã làm xong 2 bến khởi động đưa tàu vào khai thác rất có hiệu quả; đề nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, các đơn vị liên quan tiếp tục sớm thi công các bến tàu còn lại để phát huy giá trị to lớn của cảng Lạch Huyện - cửa chính đi ra biển của các tỉnh phía bắc. Cử tri mong muốn tuyến đường sắt kết nối cảng nước sâu Lạch Huyện đến thủ đô Hà Nội sớm được đầu tư xây dựng.
Thủ tướng phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cũng đề xuất vấn đề liên quan đến TP. Hải Phòng, cử tri Đoàn Hữu Thanh cho biết Cát Hải là một đảo có dân sinh sống đã hàng ngàn năm, chuyên bằng nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản (chủ yếu là sản xuất nước mắm và sản xuất muối…) nhưng kinh tế chưa phát triển. Hiện nay, tại đảo Cát Hải có 11 ngôi đình, 12 ngôi chùa, 50 nhà thờ họ (trong đó có những ngôi đình, ngôi chùa và nhà thờ họ đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia hoặc cấp thành phố) và một trong làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống đã tồn tại trên 200 năm (hiện tại có 6 doanh nghiệp, 50 cơ sở tư nhân sử dụng hàng ngàn lao động, hàng năm sản xuất khoảng 10 triệu lít nước mắm truyền thống). Vì vậy, cử tri đề nghị Thủ tướng và TP. Hải Phòng quan tâm một số nội dung trong quá trình thực hiện quy hoạch chi tiết 1/2.000 của Cát Hải để giúp cho dân đảo Cát Hải được an cư; các di tích lịch sử - văn hóa và nơi thờ cúng cộng đồng được giữ gìn; làng nghề sản xuất nước mắm được duy trì, để con cháu mai sau vẫn nhớ được quê hương Cát Hải, đảo vẫn được mở rộng và các nhà đầu tư vẫn có điều kiện đầu tư, phát triển.
Ghi nhận ý kiến của cử tri, Thủ tướng cho biết cảng Lạch Huyện được quy hoạch thành cảng nước sâu đạt tiêu chuẩn quốc tế với 6 bến cảng container, 3 bến cảng tổng hợp và Thủ tướng nhất trí cho rằng cần tiếp tục thi công các cầu cảng tại cảng Lạch Huyện, cửa ngõ nối Việt Nam với thế giới. Chính phủ, TP. Hải Phòng tiếp tục quan tâm phát triển cảng Lạch Huyện đúng hướng với tốc độ cao hơn để hàng hóa luân chuyển qua cảng xứng tầm với khu vực phía bắc và cạnh tranh quốc tế trong thời gian tới, Thủ tướng nói. Về xây cầu Lạch Huyện 2 hay tuyến đường sắt, Thủ tướng cho biết giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng xem xét.
Về thực hiện quy hoạch Cát Hải, Thủ tướng cho biết việc quy hoạch Cát Hải trở thành khu công nghiệp cảng biển, dịch vụ logistic đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, qua đó khẳng định vai trò, vị trí của Cát Hải, phát triển cảng biển Cát Hải không chỉ cho Hải Phòng mà còn là thực hiện nhiệm vụ phát triển cho cả miền Bắc và cả nước. Thành phố đặc biệt quan tâm tới nguyện vọng của nhân dân, quan tâm tới việc giữ gìn truyền thống văn hóa, lịch sử làng nghề. Chính vì vậy mà Thành phố đã triển khai các quy hoạch xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm văn minh hiện đại.
Thủ tướng nhắc lại quan điểm cuộc sống của người dân tại nơi tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ và đề nghị TP. Hải Phòng phối hợp các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia tư vấn khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định, để vừa bảo đảm thực hiện nguyện vọng cử tri nhưng cũng phải bảo đảm cuộc sống an toàn cho người dân “chứ không phải vì phát triển mà ép người dân”.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tuy vậy vẫn còn nhiều tồn tại, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn như công khai nguồn gốc thực phẩm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đề nghị từng gia đình từng thôn, xã, khối phố giám sát việc sản xuất thực phẩm sạch ở địa phương, không để xảy ra tình trạng “lợn hai chuồng, rau hai luống”.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Thủ tướng cũng thông tin cho cử tri về tình hình phát triển kinh tế xã hội đất nước và của TP. Hải Phòng và trả lời các câu hỏi về chính sách đối với người cao tuổi, chế độ chính sách cho cán bộ cơ sở, chính sách với thanh niên khởi nghiệp.
Đức Tuân/Chinhphu.vn