Nhân lên mô hình kinh tế của nông dân Sóc Trăng

Nhân lên mô hình kinh tế của nông dân Sóc Trăng
Với hơn 100 mô hình hợp tác xã và hơn 2.000 câu lạc bộ khuyến nông, tổ hợp tác đang được nhân rộng, những mô hình tốt ở Sóc Trăng giúp hàng nghìn hộ đồng bào Dân tộc thiểu số (DTTS) không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Ðồng bào DTTS Sóc Trăng thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn.
Ðồng bào DTTS Sóc Trăng thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn.

Trong hàng nghìn hộ DTTS thoát nghèo bền vững nơi đây, không ít hộ vươn lên làm giàu cho gia đình và nhiệt tình giúp đỡ các hộ khác phát triển sản xuất, nhiều hộ DTTS đã tăng thu nhập từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm. Ông Tăng Văn Tuối, dân tộc Hoa ở xã Hòa Ðông, thị xã Vĩnh Châu phấn khởi cho biết: "Nhờ chuyển dịch cơ cấu từ độc canh cây lúa sang nuôi trồng thủy sản, mỗi năm, gia đình tôi và nhiều hộ DTTS ở xã Hòa Ðông thu hoạch tôm đều có lãi. Với hơn 3 ha, sau khi thu hoạch xong sáu ao tôm thẻ, gia đình tôi thả cá kèo lắp vụ hai, cũng lãi 500 triệu đồng mỗi năm".

Sóc Trăng có hơn 35% dân số là đồng bào DTTS, trong đó phần lớn là đồng bào Khmer với hơn 400 nghìn người, chiếm 30,71% dân số toàn tỉnh. Ðồng bào các DTTS sống tập trung đông nhất ở thành phố Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu, các huyện: Trần Ðề, Mỹ Xuyên, Châu Thành. Những mô hình hợp tác xã và câu lạc bộ khuyến nông, tổ hợp tác đem lại thu nhập cao, ổn định cuộc sống cho bà con như: mô hình sản xuất luân canh trên đất lúa, mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi, chuyên canh trồng rau - màu.

Trong các mô hình sản xuất hiệu quả, điểm sáng nhất là mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Viên Bình, huyện Trần Ðề. Mô hình này được bà con dân tộc Khmer nhiệt tình tham gia ngay từ lúc đầu xã làm thí điểm. Hằng năm, diện tích cánh đồng mẫu ngày càng tăng, thu hút cả nghìn hộ Khmer tham gia. Chỉ tính riêng vụ đông xuân năm 2013 - 2014, diện tích cánh đồng mẫu của xã đã tăng lên 2.200 ha, trong đó có hơn 85 hộ Khmer tham gia, bà con xuống giống đồng loạt để né rầy, làm cùng một loại giống ST5, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất... Nông dân Khmer tham gia mô hình này đã liên kết chặt chẽ với nhau và hỗ trợ nhau trong suốt quá trình sản xuất. Bà con tổ chức liên kết thành hai hợp tác xã với gần 560 thành viên. Ðể hỗ trợ cách làm ăn hiệu quả, các hợp tác xã đã được Nhà nước đầu tư: máy gặt đập liên hợp, nhà kho chứa lúa, lò sấy lúa... tạo điều kiện thuận lợi trong khâu tiêu thụ, từng bước tạo liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp. Mô hình cánh đồng mẫu đã làm thay đổi lối sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của đồng bào DTTS, giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập, an tâm trong sản xuất. Từ hiệu quả mô hình nêu trên, số hộ DTTS nghèo của xã đã giảm mạnh. Vùng sản xuất lúa ST5 nức danh ở xã Viên Bình đã xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú là đồng bào DTTS.

Ngoài trồng trọt, các mô hình nuôi tôm nước lợ, tôm - lúa, cá - lúa... phát triển nhiều ở thị xã Vĩnh Châu, Ngã Năm, các huyện: Trần Ðề, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú... Nhiều nơi, bà con đã xây dựng được mô hình chăn nuôi theo hình thức công nghiệp đạt hiệu quả cao, đang được nhân rộng như: trang trại gà, heo ở huyện Châu Thành và thành phố Sóc Trăng; hợp tác xã bò sữa ở huyện Trần Ðề, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú.

Ông Liêu Anh Tuấn, dân tộc Khmer ở xã Tham Ðôn, huyện Mỹ Xuyên chia sẻ: "Con đông, được cha mẹ chia cho ba công đất trồng lúa, năng suất hằng năm rất thấp, kinh tế gia đình không ổn định. Năm 2004, tôi vào tổ hợp tác nuôi bò sữa, được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ một con bò sữa. Ðể có thêm kinh nghiệm chăm sóc bò và bán được sữa tôi đã tham gia Hợp tác xã Evergowth". Từ đó, gia đình ông Tuấn được hợp tác xã cung cấp các dịch vụ thức ăn tinh, thuốc thú y; Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y huyện và kỹ thuật viên hợp tác xã tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và cho đi tham quan các mô hình chăn nuôi bò sữa ở Bình Dương. Từ một con bò sữa, đến nay tổng đàn bò sữa gia đình ông tăng lên 16 con, trong đó bảy con đang cho sữa, sản lượng sữa mỗi ngày khoảng 90 kg, bán giá hơn 12 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày, gia đình ông lãi khoảng 700 nghìn đồng. Nhờ vào nuôi bò sữa, kinh tế gia đình ổn định hơn trước nhiều.

Từ mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả nhiều năm liền, đến nay, đời sống vật chất tinh thần của gia đình ông Tuấn nói riêng, đồng bào các DTTS nơi đây được nâng lên rõ rệt. Còn rất nhiều hộ DTTS khác ở Sóc Trăng đã giàu lên từ các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao như: hộ ông Trần Nhênh, Thạch Nươl ở huyện Trần Ðề với mô hình cánh đồng mẫu lớn; hộ bà Trần Thị Thu Hằng ở huyện Mỹ Xuyên; hộ ông Tăng Hương ở huyện Trần Ðề làm giàu với mô hình nuôi bò sữa; hộ ông Liêu Mô Rương ở thành phố Sóc Trăng với mô hình áp dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất lúa chất lượng cao..., góp phần tạo việc làm cho đồng bào DTTS vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Minh Trường
Nguồn: nhandan.com.vn