Nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong xây dựng NTM, phòng chống tội phạm
- Thứ bảy - 11/01/2020 10:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết: tính đến tháng 12/2019, cả nước ước đã có 8.806 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 54%, tăng 36,8% so với cuối năm 2015 và hoàn thành vượt 4% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao. Trong số các xã được công nhận nông thôn mới, có 87 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và 42 xã vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ nét.
Nhận định về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, phòng chống tội phạm, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, thông qua cuộc vận động, phong trào MTTQ các cấp đã tích cực tổ chức tuyên truyền trong nhân dân, qua đó tiếp tục phát huy vai trò tự quản trong nhân dân. Vận động các nguồn lực trong nhân dân để xây dựng các công trình dân sinh, các địa phương đã huy động được hàng trăm tỷ đồng để làm các công trình GTNT; vận động Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ và xây dựng nhà Đại đoàn kết cho người dân.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh thêm, MTTQ các địa phương đã thực hiện tốt công tác giám sát xây dựng nông thôn mới, giám sát việc xây dựng các công trình GTNT, làm cho ý nghĩa phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng rõ nét hơn. Mặt trận cả nước đã tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân trên 756.000 người về kết quả xây dựng nông thôn ở trên 1910 xã, qua đó tạo cơ sở để công nhận nông thôn mới một cách chính xác nhất.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng thông tin thêm: Công tác phòng, chống tội phạm luôn nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp bằng những việc làm cụ thể, phong trào, mô hình thiết thực, nhất là trong công tác phòng ngừa, điều tra, xử lý các loại tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và gìn giữ trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hội nghị trao đổi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình điểm về xây dựng nông thôn mới, phòng chống tội phạm. |
Thông tin từ UBTƯ MTTQ Việt Nam hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ trong cả nước đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hiến tặng hàng triệu m2 đất để làm đường, các công trình dân sinh xây dựng nông thôn mới. Các địa phương đã huy động được hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn. Thông qua thực hiện Quỹ “Vì người nghèo” và công tác an sinh xã hội, MTTQ các cấp đã vận động nhân dân ủng hộ xây dựng, sửa chữa nhà cho hộ nghèo; hỗ trợ vốn giúp người nghèo làm ăn, góp phần giúp địa phương hoàn thành việc xóa nhà dột nát cho hộ nghèo, đảm bảo tiêu chí về nhà ở trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tham gia công tác phòng, chống tội phạm, MTTQ các cấp đã tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia, phát hiện tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư. Theo đó, giai đoạn 2016-2019, người dân đã cung cấp hơn 492.000 nguồn tin có giá trị tố giác tội phạm, cảm hóa 102.000 người lầm lỗi, trong đó có hơn 72.000 người đã tiến bộ. Cả nước có 54.852 khu dân cư không phát sinh tội phạm, 56.220 khu dân cư không phát sinh người nghiện mới… góp phần giữ gìn ổn định trật tự xã hội, giúp hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, góp phần thực hiện có hiệu quả tiêu chí về an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới.
Tại hội nghị, đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Cao Bằng, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… cũng chia sẻ kinh nghiệm huy động nguồn kinh phí, xây dựng mô hình điểm trong xây dựng nông thôn mới; vai trò của MTTQ trong vận động, giám sát xây dựng nông thôn mới; công tác phối hợp trong xây dựng mô hình chỉ đạo điểm về xây dựng nông thôn mới và phòng, chống tội phạm; kinh nghiệm xây dựng mô hình “Khu dân cư đảm bảo an toàn giao thông”; công tác phòng, chống ma túy và tội phạm ma túy tại cộng đồng dân cư…
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại diện MTTQ các tỉnh, thành phố. Thông qua các mô hình điểm về xây dựng nông thôn mới, phòng chống tội phạm, góp phần cùng địa phương cả nước thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, vai trò của MTTQ các cấp được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cấp ngày càng đánh giá cao.
Yêu cầu về thời gian tới, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị: Mặt trận các cấp trong cả nước cần tiếp tục phát huy những thành tích, nhất là trong tuyên truyền người dân phát huy vai trò chủ quản. Tích cực biểu dương các cá nhân, nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới, phòng chống tội phạm; tổ chức tốt việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới; vận động, huy động nguồn lực trong nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của chính người dân.
Đối với các kiến nghị của các tỉnh, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết sẽ ghi nhận và có sự điều chỉnh, hướng dẫn, hỗ trợ để các địa phương thực hiện ngày càng hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới, phòng chống tội phạm trong thời gian tới.