Nhân rộng diện tích tre măng Bát độ

Nhân rộng diện tích tre măng Bát độ
Tre măng Bát độ là cây trồng nhập nội mang lại lợi ích kép cho người nông dân vùng đất gò đồi huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

 

18-30-45_nong_dn_x_truong_thuy_dng_thu_hoch_mng_tre_bt_do
Thu hoạch măng tre Bát độ

Từ những năm 2000, làng thanh niên lập nghiệp An Mã nhập giống tre măng Bát độ về trồng thử nghiệm, sau đó nhân rộng ra các địa phương có diện tích đất đồi lớn như Trường Thủy, Văn Thủy, Kim Thủy...

Kỹ thuật trồng tre măng Bát độ không quá khó đối với nông dân, mỗi sào Trung Bộ 500m2 trồng từ 30 - 32 gốc, vốn đầu tư ban đầu không lớn, chủ yếu là công lao động. Là loại cây thuộc họ tre, nứa nên tre măng Bát độ dễ trồng không kén đất, chỉ trồng một lần được khai thác nhiều năm, năng suất trung bình đạt khoảng 1 - 1,2 tấn/sào, hộ nào chịu khó chăm sóc và bón phân thì đạt trên 2 tấn.

Anh Lê Trường Thụ - một nông dân ở xã Trường Thủy cho biết: Mùa thu hoạch măng từ tháng 5 đến tháng 10, giá măng thương phẩm được các thương lái đến tận vườn thu mua từ 3.000 – 5.000 đồng/kg, bình quân mỗi sào măng sẽ cho thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng, những hộ chịu khó thâm canh dưới các khe đồi đất ẩm ướt thu trên 7 triệu đồng/sào là điều không khó.

Như vậy, tính ra mỗi năm 1ha (20 sào) cây tre măng Bát độ mang lại cho người dân khoảng 80 - 100 triệu đồng. So với các cây trồng lâm nghiệp khác như keo, bạch đàn… chu kỳ từ 4 năm trở lên mới cho thu hoạch, thì giá trị cây tre măng Bát độ cao hơn nhiều.

Theo Nguyễn Trung Hiếu/nongnghiep.vn