Nhân rộng mô hình chuỗi sản xuất nông sản thực phẩm an toàn
- Thứ ba - 10/05/2016 09:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), số liệu tổng hợp từ các địa phương cho thấy, đến nay, 35 tỉnh, thành phố trên cả nước xây dựng 280 chuỗi thực phẩm an toàn với sản phẩm: rau, chè, thịt, trứng, gạo và thủy sản. Bộ NN&PTNT cũng đã công bố 69 địa chỉ bán nông sản an toàn đã được cơ quan chức năng xác nhận sản xuất theo chuỗi. Cùng với đó còn có hàng trăm chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn theo VietGAP của các doanh nghiệp, Tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như: TH True Milk, VinGroup…
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Thế Cường - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Sơn La - chia sẻ: Tại Sơn La khi làm chuỗi rau an toàn phải có sự tham gia của hợp tác xã (HTX), đặc biệt là vai trò linh hoạt và trách nhiệm của Ban Giám đốc HTX. Chi cục đặt hàng với HTX chọn mua những giống rau chất lượng để trồng. Đồng thời phối hợp giám sát sử dụng nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi kết nối được chuỗi sản xuất theo quy trình an toàn Chi cục sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm. Sản phẩm đảm bảo an toàn sẽ được đem đi tiếp thị tại các chuỗi siêu thị lớn để tiêu thụ giúp bà con nông dân và cung ứng sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng. “Chuỗi sản phẩm cần phải được kiểm soát từ khâu cung ứng ban đầu là vật tư nông nghiệp đến quá trình sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, đóng gói, chế biến, buôn bán và đến tay người tiêu dùng”,ông Cường nói.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế cho thấy, tình hình mất an toàn thực phẩm trong nông nghiệp, đặc biệt là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong rau, quả, thủy sản đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin của người tiêu dùng… Vì vậy, việc mở rộng các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi việc phân biệt thực phẩm an toàn và không an toàn chưa rõ ràng.
Để thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, ông Nguyễn Tiến Hưng – Giám đốc Công ty thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam kiến nghị nhà nước cần tạo cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn như xe ô tô chở nông sản an toàn được lưu thông trong thành phố, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian đầu, miễn thuế VAT sản phẩm nông sản an toàn…
Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Để có nhiều mô hình chuỗi, người sản xuất, kinh doanh triển khai có hiệu quả và người tiêu dùng yên tâm lựa chọn được sản phẩm an toàn, ngành nông nghiệp xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 là năm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Triển khai Đề án về an toàn thực phẩm trong nông nghiệp giai đoạn 2013-2020. Trong giai đoạn tới, Bộ sẽ tổng kết và nhân rộng các mô hình cũng như hoàn thiện các cơ chế chính sách thúc đẩy triển khai kinh doanh sản phẩm nông sản an toàn hướng đến kết nối thực phẩm an toàn được xác nhận đến người tiêu dùng.