Nhân rộng mô hình, sẻ chia trách nhiệm

Nhân rộng mô hình, sẻ chia trách nhiệm
Sau 3 năm triển khai thực hiện Phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, các tổ chức Đoàn thanh niên trong cả nước đã xây dựng được nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế, đời sống văn hóa ở nông thôn. Qua phong trào đã tập hợp, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia, qua đó nâng cao trách nhiệm của tuổi trẻ với cộng đồng.

Chỉ đạo trọng tâm, trọng điểm

Để cụ thể hóa Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát động Phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” và chọn 3 Đoàn xã ở 3 miền: Bắc, Trung, Nam để hỗ trợ, chỉ đạo xây dựng điểm, gồm: Đoàn xã Bản Qua (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), Đoàn xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), Đoàn xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu).

Tìm hiểu về công tác xây dựng nông thôn mới, chúng tôi được đồng chí Nguyễn Văn Chung, Bí thư Đảng ủy xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết, đến nay, Đại Trạch đã hoàn thành 18/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của tổ chức Đoàn thanh niên trong hỗ trợ, nhân rộng các mô hình kinh tế và chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Được sự quan tâm của Trung ương Đoàn, Đoàn xã Đại Trạch đã triển khai xây dựng các mô hình trang trại của thanh niên; tổ chức các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển tổ hợp tác thanh niên, hỗ trợ thanh niên tiếp cận với các nguồn vốn của ngân hàng phát triển sản xuất, tạo việc làm cho hàng trăm lao động... Điểm nổi bật trong phong trào ở xã Đại Trạch là nâng cao nhận thức, vận động nhân dân làm theo, cùng với Đảng bộ, chính quyền thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới bảo đảm đúng tiến độ và thời gian.
 
Tuổi trẻ LLVT Thủ đô tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn tại xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội).

3 năm qua, xã Bản Qua (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) được các cấp bộ Đoàn hỗ trợ xây dựng 4 mô hình phát triển kinh tế, 12 nhà văn hóa, 130 nhà tiêu hợp vệ sinh (tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng), 8 phòng học chức năng (tổng trị giá 2,4 tỷ đồng), 1 điểm truy cập internet, 18 bộ máy vi tính, 18 tủ sách..., góp phần đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ở xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu), đến nay trong lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) không còn hộ nghèo. Kết quả đó có vai trò đáng kể của tổ chức Đoàn trong việc hỗ trợ xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn, trao đổi với chúng tôi: “Đoàn thanh niên các xã được lựa chọn xây dựng điểm về nông thôn mới đã tham mưu hiệu quả với cấp ủy, chính quyền địa phương đảm nhận, thực hiện những phần việc cụ thể. Các mô hình do Trung ương Đoàn xây dựng điểm được triển khai thực hiện có hiệu quả, phát huy được vai trò nòng cốt của tổ chức Đoàn cơ sở, đồng thời góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các địa phương”.

Nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo

Từ hiệu quả đạt được trong chỉ đạo điểm về xây dựng nông thôn mới, Trung ương Đoàn đã triển khai nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo. Các tổ chức Đoàn vận dụng linh hoạt những mô hình điểm vào điều kiện thực tiễn địa phương, thúc đẩy Phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” ngày càng hiệu quả, có chiều sâu và bền vững.

   Anh Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An, chia sẻ: Một trong những việc làm thiết thực hỗ trợ ĐVTN tham gia xây dựng nông thôn mới là huy động các nguồn vốn vay ưu đãi giúp họ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.000 mô hình thanh niên làm kinh tế cho thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên, 1.200 mô hình thanh niên làm kinh tế cho thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên. Hiện nay, toàn tỉnh có 10 tổng đội thanh niên xung phong xây dựng kinh tế, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 đội viên... Từ thực tiễn phong trào Đoàn thanh niên tham gia phát triển kinh tế đã góp phần thu hút, tập hợp thanh niên vào tổ chức, xây dựng môi trường sống lành mạnh trong thanh niên nông thôn.

Theo tổng hợp của Ban Thanh niên nông thôn (Trung ương Đoàn), sau 3 năm triển khai, Phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận: Làm mới gần 11.000km đường giao thông nông thôn; xây dựng, tu bổ hơn 89.000km đường giao thông, thủy lợi nội đồng; xây mới hơn 5.250 nhà văn hóa, nhà bán trú dân nuôi; duy trì gần 14.200 câu lạc bộ, tổ, nhóm thanh niên bảo vệ môi trường; tổ chức hơn 9.700 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; giới thiệu việc làm cho hơn 2,6 triệu thanh niên; hỗ trợ gần 29.600 ĐVTN vay vốn; duy trì hoạt động của gần 20.400 câu lạc bộ, tổ HTX, HTX thanh niên; thành lập gần 14.600 tổ thanh niên tình nguyện giữ gìn an ninh trật tự; cảm hóa, hỗ trợ hơn 21.350 thanh niên chậm tiến...

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn khẳng định: Thời gian tới, Trung ương Đoàn tăng cường chỉ đạo đăng ký thực hiện các hạng mục công trình xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở ở các xã; tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển kinh tế. Bài học kinh nghiệm quan trọng là các cấp bộ Đoàn phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền để đảm nhận các nhiệm vụ thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời lựa chọn các tiêu chí tham gia phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Đoàn và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên nông thôn tại cơ sở.

Bài và ảnh: TIẾN MINH
Theo qdnd.vn