Nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp
- Thứ năm - 15/11/2018 07:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thừa Thiên-Huế: Quy hoạch mở rộng diện tích cây thanh trà lên 1.400 ha.
Ảnh : Hồ Cầu - TTXVN
Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã nhân rộng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng được 26 nhà lưới với tổng diện tích khoảng 20.000m2; các mô hình ứng dụng theo tiêu chuẩn VietGAP tiếp tục phát triển mở rộng tại các địa phương với diện tích lúa hơn 1.096 ha và 103 ha các loại rau (rau má, cải, xà lách, rau thơm,...). Nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ cho 353,3 ha giao cấy; 21,6 ha rau các lọa. Một số hộ nông dân điển hình mạnh dạn đầu tư thành lập trang trại, nhà lưới sản xuất trồng trọt theo hướng công nghệ cao như trang trại trồng dưa lưới ở phường Thủy Biều (thành phố Huế) và trồng rau thủy canh ở Phú Thượng (huyện Phú Vang),...
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính với qui mô 4.000 bầu/2.000 m2 của anh Trương Như Hải, phường Thủy Biểu, thành phố Huế đã có những kết quả khá tốt, cây dưa lưới trồng trong nhà kính sinh trưởng tốt, phát triển đồng đều, trái có mẫu mã đẹp. Sản phẩm làm ra đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, được thị trường ưa chuộng và giá bán cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Đây cũng là mô hình đầu tiên về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Thừa Thiên - Huế, góp phần cung cấp các sản phẩm rau quả sạch, an toàn cho thị trường trong tỉnh và các vùng lân cận.
Dưa lưới được trồng trên giá thể và chăm sóc theo phương pháp thủy canh. Sau khi làm luống xong anh đặt dây nhỏ giọt chạy dọc theo luống, song song và cách hàng cây khoảng 5-7cm. Khi cây phát triển tốt được treo lên dây của hệ thống cáp treo giúp tiết kiệm diện tích, cây có đủ không gian, ánh sáng để phát triển cũng như thuận lợi cho việc chăm sóc cắt tỉa cành nhánh, chọn quả, thụ phấn và phòng trừ bệnh cho cây.
Phía trên nhà kính được phủ lớp màng dày và lưới chắn bao quanh để ngăn sâu hại cây trồng, ngăn các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão, rét, nắng nóng gây hại cho cây trồng. Khu nhà kính còn được trang bị hệ thống tưới mái và quạt đối lưu không khí. Hệ thống này được lập trình sẵn, khi gặp thời tiết nắng nóng sẽ tự động vận hành để tưới làm giảm nhiệt độ và lượng ánh nắng chiếu từ mái xuống, quạt hòa trộn không khí trong nhà màng, giúp các vùng nhiệt độ trong nhà đều nhau rồi đẩy không khí nóng ra khỏi nhà qua cửa nóc nên triệt tiêu khí nóng và tránh hiện tượng sốc nhiệt cho cây vào mùa nắng.
Khi áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật như tưới tự động, treo cây, thông gió, làm mát và sưởi ấm nên cây trồng được bảo vệ và chăm sóc một cách tốt nhất, tránh được các điều kiện thời tiết cực đoan và tránh gần như 100% sâu hại cây, phòng tránh được 80% nguồn bệnh hại cây trồng. Theo anh Trương Như Hải, dưa lưới sản xuất 4 vụ/năm gồm 3 vụ dưa lưới, 1 vụ cà chua hoặc rau sạch; cho thu hoạch 13,5 tấn dưa lưới và 9,5 tấn rau sạch hoặc cà chua. Đồng thời, giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 2 - 4 lao động, việc làm thời vụ cho 5 - 7 lao động với mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Phường Hương Vân, thị xã Hương Trà ứng dụng hệ thống tưới nhỏ phun cho bưởi thanh trà. Mô hình này ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ phun cho vườn bưởi thanh trà thời kỳ sản xuất đã đem lại hiệu quả lớn cho bà con nông dân, vừa tiết kiệm tiền, chi phí nhân công, lại tăng năng suất và chất lượng cho thanh trà thương phẩm. Cách tưới này thay cho cách tưới tràn trước đây, khắc phục được các hạn chế như không tiết kiệm lượng nước, rửa trôi đất, phân bón ... và chỉ cung cấp nước cục bộ không cải thiện được tiểu vùng khí hậu. Các hộ tham gia mô hình tưới phun được hỗ trợ một phần các vật tư đường ống, máy bơm, thiết kế và thi công lắp đặt đường ống phần còn lại người dân tự bỏ kinh phí để hoàn thành hệ thống tưới cho vườn thanh trà của mình.
Thừa Thiên-Huế: Trồng dưa lưới cho thu nhập cao. Ảnh : Hồ Cầu - TTXVN |
Các nhà vườn thanh trà tại phường Hương Vân được tập huấn về hệ thống tưới, cách vận hành hệ thống, các biện pháp thâm canh cây thanh trà. Hàng tuần có cán bộ kỹ thuật thăm điểm, theo dõi, tư vấn xử lý các tình huống trong quá trình chăm sóc cây thanh trà. Hệ thống tưới được lắp đặt trong các điểm của mô hình hoạt động tốt, cung cấp đủ nước trong mùa khô đảm bảo nhu cầu sinh trưởng của cây thanh trà. Chính nhờ cách làm hệ thống tưới phun nói trên cộng với các biện pháp thâm canh như tăng cường bón phân hữu cơ nên năng suất và chất lượng thanh trà tăng lên rỏ rệt. Đến cuối năm 2018, phường Hương Vân đã nâng vùng chuyên canh thanh trà lên diện tích khoảng 120 ha.
Từ vụ Hè Thu 2018, tỉnh Thừa Thiên - Huế mở rộng vùng chuyên canh sản xuất lúa hữu cơ, thông qua việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Theo đó, nông dân sản xuất lúa không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và chỉ áp dụng kỹ thuật cao; doanh nghiệp thu mua lúa và hỗ trợ kỹ thuật, vốn, giống cho nông dân. Điển hình là mô hình liên kết giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nông sản hữu cơ Quế Lâm với Hợp tác Nông nghiệp Phú Lương, huyện Phú Vang để sản xuất giống lúa hữu cơ, chất lượng cao như BT7, DT39... Ông Nguyễn Thụ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Lương chia sẻ, đơn vị đã mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ từ 10 ha lên 130 ha như hiện nay. Việc liên kết với doanh nghiệp giúp đầu ra cho lúa hữu cơ ổn định, giá cao từ 7.000 - 7.500 đồng/kg, so với từ 5.000 - 5.500 đồng/kg các loại lúa khác.
Hiện, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã sản xuất khoảng 3.000 ha lúa hữu cơ, chất lượng cao tập trung nhiều ở huyện Phú Vang, Quảng Điền. Các vùng sản xuất loại lúa này đều có sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, nhằm tạo ra thương hiệu gạo "sạch" có giá trị cao. Tỉnh đang mở rộng vùng chuyên canh sản xuất lúa hữu cơ, thông qua việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Nhiều vùng trong tỉnh, nông dân sản xuất lúa không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và chỉ áp dụng kỹ thuật cao; doanh nghiệp thu mua lúa và hỗ trợ kỹ thuật, vốn, giống cho nông dân.
Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp, Thừa Thiên - Huế hiện đang tập trung nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông, lâm và thủy sản, tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng vật nuôi chất lượng cao. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang có chủ trương xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì xây dựng quy hoạch phát triển vùng tập trung sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Theo Quốc Việt/Báo Ảnh DT&MN.vn