Nhiều khó khăn trong phát triển thị trường khoa học công nghệ

(HQ Online)-Theo ý kiến của các chuyên gia tại hội nghị “Phát triển thị trường khoa học và công nghệ” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 14-11 tại TP.HCM, bên cạnh kết quả đạt được, thị trường khoa học công nghệ hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Cần nhiều giải pháp thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ. Ảnh: T.D

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN), Bộ KH-CN cho biết, thị trường KHCN từ 2014 đến nay nhìn chung được thúc đẩy, phát triển và bước đầu phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động KHCN với sản xất kinh doanh các chợ công nghệ và thiết bị, sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức trung gian công nghệ ở quy mô quốc gia, vùng, địa phương đã góp phần quan trọng thúc đẩy kết nối cung cầu công nghệ, gia tăng số lượng và giá trị các giao dịch công nghệ trên thị trường…

Cả nước hiện có 8 sàn giao dịch công nghệ, 63 trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ ở 63 tỉnh, thành phố, 43 vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp khoa học công nghệ. Các sự kiện chợ công nghệ, thiết bị, kết nối cung cầu công nghệ, ngày hội khởi ngiệp công nghệ cũng tạo hiệu ứng tích cực đối với thị trường KHCN trong nước. Thông qua các sàn giao dịch công nghệ, trong giai đoạn 2011- 2015, có khoảng 500 hợp đồng và biên bản ghi nhớ được ký kết và thực hiện với giá trị 600 tỷ đồng. Thông qua chợ thiết bị và công nghệ, trình diễn kết nối cung cầu công nghệ đã có hơn 2.000 hợp đồng và biên bản ghi nhớ được ký kết với tổng giá trị giao dịch hơn 3.400 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch công nghệ giai  đoạn 2011-2015 đạt hơn 13.700 tỷ đồng, tăng 3 lần so với giai đoạn 2006-2010.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển thị trường khoa học công nghệ hiện còn gặp nhiều khó khăn. Mối liên kết giữa nghiên cứu với thị trường, giữa khoa học với doanh nghiệp còn yếu. Vai trò của các tổ chức trung gian, đặc biệt là các tổ chức có chức năng xúc tiến, định giá công nghệ chưa thể hiện được chức năng kết nối cung cầu, tư vấn chuyển giao công nghệ, còn mờ nhạt. Nhu cầu về công nghệ của các doanh nghiệp chưa được thể hiện rõ nét. Hệ thống tổ chức trung gian (môi giới, tư vấn, giám định, đánh giá, kiểm tra, kiểm định…) còn yếu và chưa khẳng định được vai trò kết nối. Các sàn giao dịch công nghệ và thiết bị chưa thể hiện vai trò đầu tàu trong hệ thống các tổ chức trung gian. 

Ngoài ra, các hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp vẫn còn đang ở tình trạng tự phát, thiếu sự liên kết và chưa thật sự đủ mạnh để phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam mô phỏng theo các doanh nghiệp công nghệ trên thế giới. Văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, chương trình hỗ trợ kỹ thuật hiện nay của chúng ta chưa dáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và quyết liệt hiện nay, đáp ứng xu hướng mới của đầu tư cho khoa học và công nghệ, một trong những biện pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ một cách hiệu quả là thông qua hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là những người có ý tưởng công nghệ mới, có mô hình kinh doanh sáng tạo và chấp nhận rủi ro để đưa những sản phẩm, dịch vụ ra thị trường. 

Theo các chuyên gia cần xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư mạo hiểm, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đảm bảo cho các nhà đầu tư mạo hiểm có môi trường kinh doanh an toàn và hợp pháp, có quy định khuyến khích thành lập các công ty đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có chính sách miễn, giảm thuế đối với hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
 

Thu Dịu