Nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Ngọc Sơn

Nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Ngọc Sơn
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã Ngọc Sơn (Đô Lương - Nghệ An) gặp không ít khó khăn và thách thức. Song với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của nhân dân, bộ mặt làng quê Ngọc Sơn thay đổi từng ngày...

 

Ngọc Sơn là xã miền núi thuần nông, đời sống của hơn 3.400 nhân khẩu phụ thuộc vào trồng trọt và chăn nuôi trên diện tích tự nhiên khoảng 403ha. Tổng giá trị sản xuất năm 2014 đạt 85,11 tỷ đồng. Trong đó, nông - lâm nghiệp đạt 26,19 tỷ đồng, chiếm 30,78%; tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản 19 tỷ đồng, chiếm 22,22%; dịch vụ và các thu nhập khác đạt 40 tỷ đồng, chiếm 47%. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo ở Ngọc Sơn còn tương đối cao, khoảng 12,4%.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Điền, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn, cho biết: “Trong năm 2014, chúng tôi đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác dồn điền đổi thửa, đắp bờ bao, quy hoạch lại kênh mương nội đồng theo chủ trương chung của tỉnh, huyện. Đây là công đoạn hết sức phức tạp nhưng không kém phần quan trọng làm tiền đề đưa nền sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ kém hiệu quả lên sản xuất theo hướng hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo hướng hàng hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống cây - con có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để chúng tôi hoàn thành XDNTM”.

Ông Nguyễn Văn Trường, Bí thư Đảng ủy xã, cho hay: Khó khăn nhất của Ngọc Sơn hiện nay là vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Hệ thống giao thông liên thôn, thủy lợi kênh mương nội đồng, trụ sở làm việc của xã, trạm y tế, trường học và hệ thống điện phục vụ dân sinh… đang cần được nâng cấp. Trong đó, trụ sở làm việc của xã được xây dựng nhiều năm trước, nay đã xuống cấp trầm trọng,  khổ nhất là vào mùa mưa bão. Máy tính, hồ sơ tài liệu của xã rất khó bảo quản trong hoàn cảnh như thế này. Trạm y tế vừa chật chội, xuống cấp vừa thiếu trang thiết bị y tế nên việc đảm bảo ­chăm sóc sức khỏe cho người dân gặp vô vàn khó khăn.

Không những vậy, hệ thống điện dân sinh của các xóm 3, 4, 5 và 6 do nhân dân tự kéo để sử dụng cách đây trên 20 năm nay, sau đó có chủ trương bàn giao lại cho Chi nhánh điện Anh Sơn quản lý, hiện đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ cháy nổ, mất an toàn cao, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân bất cứ lúc nào, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần. Đứng trước thực trạng đó, xã đã nhiều lần kiến nghị Chi nhánh điện Anh Sơn có biện pháp tu sửa lưới điện kịp thời và có phương án nâng cấp hệ thống điện tại các xóm trên nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Điều này đồng nghĩa với việc từng ngày, từng giờ người dân vẫn sống trong lo âu phập phồng với điện. Người dân muốn phát triển ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp, đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp từng bước thay thế sức người nhưng với hệ thống điện lưới như thế này thì rất khó triển khai. Hàng tháng bà con phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua điện dù thi thoảng lại chập chờn, lúc sáng, lúc tối nhưng không biết kêu ai.

“Còn nhiều công trình đòi hỏi kinh phí lớn, vượt ngoài khả năng của xã miền núi như Ngọc Sơn, rất cần sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội và nhất là con em đang công tác, làm ăn trên mọi miền Tổ quốc chung tay góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhà xây dựng thành công chương trình XDNTM”, ông Trường nói. 

H.D
Theo kinhtenongthon.vn.com