Nhiều luật “phát sinh” trong Chương trình xây dựng pháp luật năm 2018
- Thứ bảy - 09/09/2017 23:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 8-9, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) phối hợp với Chính phủ tổ chức Hội nghị chuyên đề về xây dựng pháp luật và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Theo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 22 dự án luật và cho ý kiến về 3 dự án luật. Đến nay, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của 3/6 dự án thuộc chương trình thông qua, cho ý kiến về 6/12 dự án luật thuộc chương trình cho ý kiến.
Tuy nhiên, hiện đang phát sinh một khối lượng lớn các dự án luật được Chính phủ, các ĐBQH, các cơ quan hữu quan đề nghị bổ sung. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, nhiệm vụ xây dựng pháp luật từ nay đến hết năm 2018, đặc biệt là việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 tới đây là vô cùng lớn, trong khi đó có những hạn chế, yếu kém đã tồn tại nhiều năm nhưng chậm được khắc phục.
“Ngay trong việc lập dự kiến chương trình, nhiều bộ, ngành vẫn chưa thực sự quan tâm, đầu tư thời gian, lúng túng khi thực hiện hoặc đưa ra những kiến nghị chưa thực sự có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn. Để bảo đảm tiến độ các dự án, Ủy ban Pháp luật đã có rất nhiều văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền đôn đốc việc triển khai thực hiện chương trình năm 2017 nhưng nhiều cơ quan vẫn không thực hiện đúng yêu cầu”, ông Nguyễn Khắc Định nêu rõ.
Các đại biểu dự hội nghị cũng công nhận, về phía các cơ quan của Quốc hội, vẫn còn tình trạng thiếu kiên quyết trong việc bảo vệ quan điểm của mình, còn nể nang, ngại va chạm, tính phản biện chưa cao. Trong khi đó, việc cho ý kiến về các vấn đề lớn, phức tạp còn ý kiến khác nhau của các dự án luật tại kỳ họp của Quốc hội còn hạn chế; thời gian thảo luận tại phiên họp của UBTVQH còn ngắn, vẫn còn trường hợp đưa vào phiên họp các dự án được chuẩn bị gấp gáp, không bảo đảm tiến độ.
Cùng ngày, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã họp mở rộng, thẩm tra báo cáo của Ủy ban Dân tộc về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước (vùng dân tộc thiểu số và miền núi).
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, trong 8 tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - trật tự, an toàn xã hội địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản ổn định. Các chính sách dân tộc, an sinh xã hội tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, giúp đồng bào yên tâm sản xuất, tham gia phát triển kinh tế địa phương.
Đáng lưu ý, các hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn, thiên tai, dịch hại cuối năm 2016 đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số ở mọi vùng miền trên cả nước, nhất là cơn bão số 7, số 8 đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của cho đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc. Trong khi đó, nguồn lực ngân sách Trung ương bố trí thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hiện còn thấp so với kế hoạch và nhu cầu vốn, nên nhiều chính sách mới ban hành (trong năm 2016, 2017) chưa triển khai thực hiện.
Hiện những chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý mới bố trí được 50% tổng kinh phí kế hoạch. Ủy ban Dân tộc dự kiến nhu cầu vốn thực hiện các chính sách dân tộc trong năm 2018 là 6.945 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 4.524 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 2.103 tỷ đồng.