Nhiều nông, lâm trường “phát canh thu tô”

Nhiều nông, lâm trường “phát canh thu tô”
(Dân Việt) - Khoán trắng cho nông dân, rồi thu tiền theo kiểu phát canh thu tô, bán hết đất hoặc cho các doanh nghiệp thuê mượn với diện tích đất lớn không thu hồi được...

Đây là những thực trạng về quản lý, sử dụng đất nông lâm trường quốc doanh được phản ánh tại hội thảo do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 13.12

Khoán trắng cho người dân

Qua khảo sát sơ bộ tại 56 nông, lâm trường (NLT), Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, phần lớn các NLT hiện chỉ thực hiện rà soát, quản lý đất đai trên sổ sách, chứ chưa tiến hành đo đạc, cắm mốc ngoài thực địa. Đến nay, mới chỉ có 6/56 NLT thực hiện xong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn việc chuyển từ giao đất không thu tiền sang thuê đất đối với các NLT - một trong những vấn đề cơ bản nhất, thì vẫn chưa được giải quyết.

Người dân trồng ngô trên đất của một nông lâm trường ở huyện Di Linh, Lâm Đồng.

Cũng theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, đáng ra, các NLT phải đứng ra chỉ đạo sản xuất, cho các hộ vay vốn, thì hiện tượng khoán trắng cho người dân, để dân tự đầu tư sản xuất và giao nộp cho NLT khoản chi phí bắt buộc (thực chất là phát canh thu tô) vẫn xảy ra. Ông Đỗ Viết Liêm - Giám đốc Công ty Cao su Thanh Hóa, đơn vị nhận lại đất của 5 lâm trường cũng cho biết: “Các NLT hiện nay giao đất cho dân, không hỗ trợ gì mà chủ yếu là phát canh thu tô”. Thậm chí, tại Lâm trường Sóc Sơn (Hà Nội) còn diễn ra tình trạng đất bị biến thành các trang trại, khu nghỉ dưỡng...

Ngoài ra, hiện tượng nhiều NLT cho thuê, cho mượn đất, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp bằng đất với số lượng lớn vẫn chưa được xử lý. Cá biệt, có trường hợp như Công ty Cà phê Phước An (Đăk Lăk) bán vườn cây nhưng thực chất kèm theo là bán giá trị sử dụng đất; toàn bộ 994 công nhân đã bị cho nghỉ theo chế độ dôi dư; hiện công ty còn quản 987ha nhưng chỉ thực hiện hợp đồng khoán cho các hộ ngoài đơn vị, công ty chỉ có 68 lao động theo thời vụ.

Nông lâm trường vẫn muốn giữ lại đất

Cũng theo kết quả khảo sát tại 56 NLT, dự kiến tới đây, các NLT sẽ phải giao lại cho địa phương 11.573ha đất, nhưng đến nay mới bàn giao được hơn 7.508ha. Đặc biệt, diện tích đất tranh chấp, lấn chiếm tăng so với trước khi sắp xếp, từ 282ha tranh chấp trước đây nay tăng lên hơn 2.392ha.

Ông Nguyễn Đăng Khoa - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, có một Ủy viên T.Ư Đảng (không nêu tên) đã gửi bản kiến nghị lên Bộ Chính trị nêu thực trạng các hộ dân ở các NLT đang có đời sống rất khó khăn vì không có đất sản xuất. Vị này đề nghị nên xóa bỏ trên diện rộng các NLT để chia lại đất cho dân.

Tại hội thảo, nhiều chủ nông lâm trường cho biết, nhu cầu đất đai của nông dân là bức thiết. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nếu giao đất cho nông dân thì đất đai sẽ trở nên manh mún, không thể tiến hành sản xuất quy mô lớn.

“Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh quá trình tích tụ đất đai, nếu chia đất NLT cho nông dân sẽ đi ngược lại quá trình đó, sẽ không có sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Phải nhìn nhận thật kỹ hiệu quả của các NLT trước khi quyết định. Cần xem NLT là một trong những vùng đầu tư trọng điểm của chính sách tam nông để làm đòn bẩy phát triển khu vực nông thôn” - ông Đỗ Viết Liêm nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hưng - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Yên Bình (Yên Bái) cũng đồng tình với quan điểm của ông Liêm, cho rằng: “Nếu cắt hết đất giao cho nông dân, bà con sẽ trồng ngô, trồng sắn không thể phát triển được. Vì thế, cần để NLT giữ đất sau đó giao khoán lại cho nông dân sản xuất và có chỉ đạo sản xuất hỗ trợ. Có như vậy, NLT, nông dân và ngành nông nghiệp mới phát triển được”.