Nhiều sáng tạo trong xây dựng NTM ở Vinh Hưng

Nhiều sáng tạo trong xây dựng NTM ở Vinh Hưng
Là xã điểm trong xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, với xuất phát điểm thấp, nhưng nhờ biết phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân, sau 5 năm, Vinh Hưng đã về đích và trở thành xã NTM đầu tiên của vùng phá Tam Giang.
 

Cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu

Theo Bí thư Đảng ủy xã Vinh Hưng Trần Đình Quang, triển khai xây dựng NTM, Đảng ủy xã đã họp và ra nghị quyết chuyên đề, thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng NTM của xã. UBND xây dựng chương trình, kế hoạch, thành lập các Ban phát triển NTM ở các thôn. Chủ trương xây dựng NTM được Đảng ủy xã, các Chi bộ quán triệt, thảo luận kỹ đến từng đảng viên. Trong mọi việc, cán bộ, đảng viên luôn là đầu tàu đi trước, từ hiến đất làm đường giao thông, công trình phúc lợi đến nuôi trồng thủy sản, làm mô hình kinh tế mới... Đảng ủy chỉ đạo các chi bộ giao nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên để gương mẫu phát triển kinh tế, thực hiện nếp sống văn hóa khu dân cư, tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng NTM... Nhờ cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước, nên việc khó như giải phóng mặt bằng được xử lý nhanh.

Theo đó, để xây dựng, mở rộng trường học, Bí thư Đảng ủy xã đã tự nguyện hiến 10 sào đất, di dời phần mộ tổ tiên nằm trong vùng quy hoạch. Những cán bộ, đảng viên có nhà cửa, tường rào, cây cối trên khu vực này cũng tự nguyện di dời, tháo dỡ nhanh chóng. Để gắn NTM với trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi tổ chức đoàn thể được giao phụ trách một hay một vài tiêu chí liên quan. Hội Phụ nữ xã phụ trách công tác xóa đói giảm nghèo, vận động xây dựng các công trình vệ sinh gia đình, chỉnh trang tường rào, sân vườn. Hội Nông dân phụ trách công tác nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp. Đoàn Thanh niên phụ trách tiêu chí môi trường... Các tiêu chí thực hiện đan xen, trong đó ưu tiên các tiêu chí làm trước như thu nhập, thủy lợi, giao thông, làm đòn bẩy cho việc thực hiện các tiêu chí khác. 
Hơn 10 năm qua, dù Vinh Hưng có nhiều biến động trong quy hoạch đất đai, nhà cửa, diện tích nuôi trồng thủy sản... nhưng không cán bộ nào tư lợi, nhân dân không có bất cứ khiếu kiện, tố cáo nào với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong xã. 5 năm liền (2010 - 2015), Đảng bộ Vinh Hưng đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.


Cơ sở trường học ở Vinh Hưng khang trang

Nâng cao thu nhập của người dân

Để về đích NTM, Đảng ủy, chính quyền xã xác định nâng cao thu nhập cho người dân là tiêu chí khó nhưng cốt lõi. Vì vậy, bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiếu yếu, xã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Chìa khóa để giải bài toán nâng cao thu nhập là xác định mô hình kinh tế phù hợp. Nhớ lại khoảng thời gian 2012 - 2014, tôm chết hàng loạt do dịch bệnh. Nhiều gia đình nuôi tôm sú ở Vinh Hưng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, 2/3 diện tích nuôi tôm phải bỏ hoang. Trước tình hình đó, Đảng ủy vận động các hộ đầu tư nuôi theo mô hình mới, xen ghép tôm, cua, cá. Tuy lãi không nhiều so với nuôi chuyên canh tôm sú, nhưng nuôi xen ghép ít rủi ro, dễ nuôi, có thể liên tục thu hoạch, xoay vòng vốn nhanh. Tuy nhiên, việc thay đổi tập quán canh tác truyền thống của nhân dân không phải dễ, số vốn đầu tư lớn, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn khiến hầu hết hộ nuôi trồng thủy sản không dám chuyển đổi sang mô hình mới.

Trước thực tế đó, nhiều cán bộ, đảng viên đã xung phong làm trước, vay vốn, áp dụng kỹ thuật mới để nuôi xen ghép đạt hiệu quả. Thành công của những mô hình đầu tiên đã khích lệ các hộ nuôi trồng hưởng ứng, coi đây là hướng phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững. Vinh Hưng trở thành xã điển hình trong thực hiện mô hình nuôi xen ghép của huyện Phú Lộc. Cùng với mô hình nuôi xen ghép, gần đây Vinh Hưng còn nhiều mô hình phát triển kinh tế như: Nuôi cá lồng, cá nước ngọt, chăn nuôi gia cầm theo mô hình gia trại, nạc hóa đàn lợn. Nhiều hộ đã vay vốn mua xe đông lạnh để thu mua hải sản từ các xã lân cận chuyển vào Đà Nẵng tiêu thụ. Nhiều gia đình mạnh dạn mua sắm máy cày, máy gặt lúa, tăng đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, từ vùng đồng ruộng đất cát chua phèn, năng suất chỉ từ 35 - 36 tạ/ha/năm, đến nay năng suất lúa đã đạt 52,5 tạ/ha…

Vinh Hưng đã về đích NTM, không chỉ thay đổi diện mạo của những xóm làng mà còn thay đổi cuộc sống của biết bao con người nơi đây. Chia sẻ với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy Trần Đình Quang cho biết, thành quả NTM hiện nay là điều mà cách đây 10 năm nhiều người dân Vinh Hưng mơ ước. Ngoài những nếp nhà, công trình, đường sá mới... ai ai cũng thấy rõ con người nơi đây đã thật sự đổi thay từ cách nghĩ, cách làm và niềm tin yêu cuộc sống.

Vì lợi ích của nhân dân, phát huy nội lực, quy tụ nhân dân bằng sự tiên phong, gương mẫu và năng lực, trình độ của cán bộ, đảng viên... Đó là những kinh nghiệm quý đã giúp Vinh Hưng vươn lên và phát triển, nâng chất lượng các tiêu chí NTM lên tầm cao mới, bền vững. 

 Chương trình NTM không chỉ giúp cho ý Đảng, lòng dân Vinh Hưng gần nhau hơn, mà còn là cú hích đề người dân chung tay góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền xây dựng cuộc sống ấm no, đoàn kết, văn minh. Sự đồng thuận đã tạo đà để Vinh Hưng nhanh chóng bắt tay vào xây dựng NTM bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động được triển khai mạnh mẽ để chủ trương, nghị quyết về xây dựng NTM lan tỏa vào đời sống nhân dân. Bên cạnh những cách thức truyền thống như tuyên truyền trên đài truyền thanh, pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, Vinh Hưng đã sáng tạo cách làm mới, tổ chức chiếu đĩa VCD trong các buổi họp thôn, khu dân cư. Các phong trào thi đua phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, bảo vệ môi trường sinh thái, đẩy lùi các tệ nạn xã hội và tình trạng đánh bắt hủy diệt môi sinh... được nhân rộng, đã tạo không khí sôi nổi trong toàn xã.

Bí thư Đảng ủy xã Vinh Hưng Trần Đình Quang

Theo Bảo Yến/daibieunhandan.vn