Nhiều tiến bộ kỹ thuật ra đời từ hợp tác nông nghiệp Việt - Úc
- Thứ hai - 10/02/2020 00:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cá song vua bố tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nuôi biển Nha Trang. |
Từ các dự án nghiên cứu này, hàng trăm tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được phát triển thành công, chuyển giao vào sản xuất đem lại lợi ích cho hơn 1 triệu nông dân.
Làm chủ công nghệ sản xuất giống cá song
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (RIA1) và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 (RIA3) vừa kết thúc giai đoạn 2 (2014-2019) Dự án “Phát triển công nghệ cá song vua”, với thành công mỹ mãn.
Đó là, đã nghiên cứu phát triển thành công công nghệ sinh sản cho cá song vua; nghiên cứu thành công công nghệ cấy ghép tế bào mầm nhằm xây dựng phương pháp sản xuất cá song vua giống theo hướng tiếp cận mới; phát triển công nghệ ương nuôi ấu trùng cá song vua; áp dụng phương pháp di truyền để quản lý đàn cá bố mẹ.
Đây là Dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình “Phát triển công nghệ cá song vua ở Việt Nam, Philippines và Australia”, do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) làm đầu mối triển khai, với nguồn tài chính hỗ trợ từ Australia.
Chúng tôi đến tham quan tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nuôi biển Nha Trang, tận mắt chứng kiến đàn cá song vua bố mẹ trọng lượng 50- 100kg/con. Ông Trương Quốc Thái, Giám đốc trung tâm cho biết, Dự án triển khai tại 3 nước, nhưng tại mỗi quốc gia dựa vào thế mạnh riêng mà đảm nhận những công đoạn khác nhau.
Ở Úc đảm nhận việc nghiên cứu, sản xuất hóc mon chuyển đổi giới tính cho cá. RIA1 và RIA3 tại Việt Nam đảm nhận công đoạn sinh sản nhân tạo và sản xuất cá giống. Các chuyên gia Úc đã nghiên cứu tìm ra loại hóc môn tiêm vào để kích thích lên tuyến yên của cá cái, khiến chúng chuyển thành con đực sớm hơn.
Cá song vua có tốc độ lớn nhanh, thịt thơm ngon, nhưng khả năng thích nghi với môi trường nuôi rất kém, nuôi thường bị bệnh và chết. Vì vậy, dự án đã tạo ra con giống cá song lai, bằng việc lai giữa cá song vua và cá song hổ. Cá song lai F1 ra đời có sự hội tụ những đặc tính ưu việt của cả bố và mẹ của chúng: vừa lớn nhanh, vừa có chất lượng thịt thơm ngon, tỷ lệ chết trong quá trình nuôi thấp.
Nhờ sản xuất được con giống, chỉ trong 3 năm qua, nghề nuôi cá song lai được mở rộng rất nhanh ở nhiều tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Khánh Hòa, Phú Yên. Vũng Tàu, Kiên Giang...
“Kết quả nuôi thực tế cho thấy, chi phí nuôi gồm con giống và thức ăn là cá tạp, giá thành khoảng 120.000 đồng/kg cá song lai thương phẩm. Với giá bán hiện tại, cứ mỗi kg cá song sau khi trừ chi phí, cho lợi nhuận khoảng 50%. Trung bình mỗi ha thả 10.000 con cá giống, nuôi sau 9 tháng thu hoạch xuất bán đem về cho người nuôi doanh thu 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận từ 1-1,5 tỷ đồng”, ông Thái chia sẻ.
ACIAR là cơ quan chuyên nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển của Chính phủ Australia, trong khuôn khổ chương trình viện trợ của Chính phủ Australia. Trong 27 năm qua, ACIAR đã hợp tác với Việt Nam để kết nối và tài trợ cho các đối tác nghiên cứu phù hợp, đã đầu tư 105 triệu AUD (đô la Úc) vào 175 dự án trên 6 lĩnh vực nghiên cứu chính: kinh tế nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, chăn nuôi, quản lý đất đai, và nước và biến đổi khí hậu. |
Làm chủ được công nghệ sinh sản nhân tạo cá song chỉ là một trong số hàng trăm tiến bộ khoa học đạt được nhờ hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Australia và Việt Nam về nông nghiệp.
Đang thực hiện 31 dự án
Bà Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng đại diện ACIAR tại Việt Nam nhận định: “Chương trình của ACIAR tại Việt Nam đã và đang đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đổi mới nông nghiệp; bảo vệ môi trường, trao quyền cho phụ nữ, kết nối khối tư nhân vào các chuỗi liên kết nông sản. Với 175 dự án mà ACIAR hỗ trợ trong 27 năm qua, đã mang lại lợi ích cho hơn 1 triệu người”, bà An nói.
Theo bà An, trong giai đoạn 2019 – 2020, ACIAR triển khai và hỗ trợ 31 dự án nghiên cứu để phát triển tại Việt Nam, với tổng kinh phí 5,2 triệu AUD.
Với ngành thủy sản, Chương trình nuôi trồng thủy sản của ACIAR tại Việt Nam đã được thiết kế để bổ sung cho chương trình của Chính phủ Việt Nam trong cơ sở hạ tầng nghiên cứu và phát triển nhân lực nuôi trồng thủy sản.
Chương trình tập trung vào nâng cao năng lực tại các lĩnh vực chủ chốt, cũng như chuyển giao và áp dụng kịp thời các công nghệ nuôi trồng thủy sản phù hợp.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam có khoảng hai triệu héc ta rừng trồng bạch đàn và cây keo cung cấp cho các ngành công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu, tạo thu nhập đáng kể cho các chủ hộ trồng rừng nhỏ và người dân sống dựa vào rừng. Chương trình lâm nghiệp của ACIAR tăng thêm giá trị cho các ngành này thông qua một số dự án nghiên cứu và phát triển.
Làm chủ được công nghệ sinh sản nhân tạo cá song chỉ là một trong số hàng trăm tiến bộ khoa học đạt được nhờ hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Australia và Việt Nam về nông nghiệp. |
Với chăn nuôi, các dự án hiện tại đang tập trung vào chuỗi giá trị và an toàn thực phẩm cho chăn nuôi lợn, chăn nuôi bò thịt và liên kết thị trường. Dự án Tiếp cận thị trường nhằm cải thiện mức độ an toàn thịt lợn tại Việt Nam (Dự án SafePORK) hiện đang triển khai hoạt động ở năm thứ hai và sẽ tiến hành đánh giá giữa kỳ vào tháng 3/2020.
Dự án này đã đạt được một số kết quả, như đánh giá toàn diện về an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị thịt lợn điển hình tại Hà Nội và các tỉnh lân cận; thiết kế một số can thiệp ở cấp độ bán lẻ, lò giết mổ… Một dự án khác về thịt dê sẽ phát triển các phương pháp chăn nuôi dê mới, bền vững và hiệu quả nhằm loại bỏ các mặt tiêu cực từ các phương pháp quảng canh truyền thống.
Chương trình trình nghiên cứu quản lý đất đai của ACIAR giải quyết các vấn đề khác nhau ở Việt Nam, với mục đích chung là quản lý tài nguyên bền vững để cải thiện sinh kế và năng suất. Các dự án hiện tại tập trung vào các vấn đề về đất trong nuôi trồng lúa- tôm; xoài và lạc trong điều kiện cát có độ phì thấp; và hệ thống canh tác ngô trên đất dốc.
Dự kiến, tháng 7/2020, sẽ tiến hành đánh giá giữa kỳ dự án “Cải thiện thu nhập của nông dân thông qua phát triển thị trường chiến lược trong chuỗi cung ứng xoài ở miền Nam Việt Nam”.
Ở đề tài nước và Khí hậu, một dự án mới đang đánh giá các phương pháp giảm khí thải nông nghiệp ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và phương pháp bù trừ trong phát thải nhà kính phù hợp với các nước đang phát triển (thí điểm tại Fiji và Việt Nam). Dự án kế thừa thành công của Australia trong việc tính toán lượng khí thải, canh tác bù trừ carbon và nghiên cứu giảm phát thải trong ngành nông nghiệp và đất đai.
Theo Chu Khôi/nongnghiep.vn