Nhiều tỉnh muốn học tập cách làm OCOP độc đáo của Quảng Ninh
- Thứ bảy - 22/04/2017 06:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo thống kê từ Ban tổ chức chương trình OCOP Quảng Ninh, sau 3 năm tỉnh đã có 180 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, tổ hợp tác tham gia phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời, 52 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, tổ hợp tác sản xuất sản phẩm OCOP được thành lập mới. Doanh số bán hàng OCOP của các đơn vị đạt hơn 672 tỷ đồng (cao gấp 3,5 lần so với mục tiêu đề ra).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ NNPTNT, tỉnh Quảng Ninh thăm gian trưng bày sản phẩm đặc trưng, đặc sản của tỉnh. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Tại một hội nghị mới đây, ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết,sau hơn 3 năm triển khai chương trình OCOP, trên địa bàn đã có 210 sản phẩm, nhóm sản phẩm được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn về chất lượng và có giá trị cao. Trong đó, có 65 sản phẩm, nhóm sản phẩm có lợi thế cạnh tranh tầm khu vực, 99 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao.
Thực tế đó cho thấy, đây là chương trình không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất, mà còn có ý nghĩa trong giải quyết những vấn đề quan trọng của nông thôn như: Giảm nghèo, việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng được những tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững, tăng khả năng sản xuất và tiêu thụ, tăng thu nhập cho người dân địa phương...
Ông Tăng Minh Lộc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam, nguyên Chánh Văn phòng Điều phối NTM T.Ư cho biết, để nhân rộng chương trình OCOP của Quảng Ninh, các địa phương cần trao nguồn “vốn mồi” để các doanh nghiệp khởi nghiệp, có chính sách hỗ trợ cho các sản phẩm nằm trong quy hoạch chiến lược quốc gia để nâng tầm sản phẩm; chủ động đưa chương trình trở thành một trong những chương trình kinh tế trọng điểm. Giải pháp quan trọng nhất để phát triển chương trình là lãnh đạo các cấp, ngành và địa phương phải nhận thức rằng chương trình là giải pháp quan trọng thúc đẩy kinh tế nông thôn.
Về chương trình OCOP của Quảng Ninh, ông Nguyễn Tuấn Khanh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững tỉnh Bắc Kạn cho biết, tỉnh này đang kế thừa và phát triển kinh nghiệm của Quảng Ninh.
“Đây là bài học kinh nghiệm quý báu cho các địa phương trên cả nước trong việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về NTM gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, chương trình đã tạo môi trường tốt thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường liên kết 4 nhà, phát triển các HTX. Vừa qua, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành nghị quyết thực hiện chương trình Mỗi làng, xã một sản phẩm, đồng thời tiến hành lập đề cương, xây dựng dự toán, kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở kế thừa nhiều kinh nghiệm của Quảng Ninh” – ông Khanh cho biết.
Theo Thiên Ngân/danviet.vn