Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Thành phố Hà Nội vừa hoàn tất công tác kiểm tra, đánh giá, chấm điểm các xã báo cáo đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) trước khi đề nghị UBND thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Qua kiểm tra cho thấy, sau hơn 3 năm xây dựng NTM, với nguồn lực đầu tư lớn, hạ tầng nông thôn ở các xã đều có những đổi thay. Tuy nhiên, thực tế xây dựng NTM ở Hà Nội cũng bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc cần được tháo gỡ...
 
Đường làng, ngõ xóm xã Nhị Khê (huyện Thường Tín) phong quang, sạch đẹp. Ảnh: Bá Hoạt
Đường làng, ngõ xóm xã Nhị Khê (huyện Thường Tín) phong quang, sạch đẹp. Ảnh: Bá Hoạt

Được hạ tầng

Có thể nói, dấu ấn của chương trình xây dựng NTM ở hầu hết các xã trên địa bàn thành phố hôm nay là những con đường khang trang, rộng rãi từ trung tâm xã đến từng thôn, xóm; những mô hình sản xuất kinh doanh; những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, trường học…; đời sống, thu nhập của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thị Kim Thư, bắt tay vào xây dựng NTM, với sự hỗ trợ nguồn lực của Nhà nước, Đông Mỹ đã vận động nhân dân hiến gần 1.000m2 đất thổ cư và đất nông nghiệp; dịch chuyển hàng nghìn mét vuông đất công trình để xây dựng NTM theo quy hoạch; bê tông hóa hơn 14km giao thông trục chính, đường làng, ngõ xóm; hơn 4,5km đường giao thông nội đồng… Đến nay, Đông Mỹ đã hoàn thành xây dựng NTM với điểm nhấn là cơ sở hạ tầng khang trang; thu nhập của người dân đạt 25 triệu đồng/người/năm nhờ các mô hình chuyển đổi hiệu quả từ trồng lúa sang trồng hoa cây cảnh và nuôi trồng thủy sản.

Còn tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, trước khi triển khai xây dựng NTM, địa phương chỉ có 4 tiêu chí đạt; 15 tiêu chí chưa đạt đều là các tiêu chí khó như: Thu nhập bình quân đầu người; hình thức tổ chức sản xuất; giao thông, thủy lợi, trường học… song đến nay cũng đã hoàn thành xây dựng NTM. Trong năm 2013, triển khai thực hiện Đề án số 02 của huyện về kiên cố hóa đường làng, ngõ xóm, xã đã đầu tư xây dựng 4 tuyến đường ngõ xóm, người dân góp ngày công ước đạt 500 triệu đồng. Ngoài ra, trên 100 hộ gia đình khác cũng đã tự nguyện hiến đất để mở rộng các trục đường liên thôn, đường nội đồng thúc đẩy sản xuất phát triển.

Vướng quy hoạch

Tuy vậy, quá trình thực hiện NTM ở nhiều xã vẫn còn khó khăn. Ông Nguyễn Tiến, Chủ tịch UBND xã Nhị Khê phân trần, dù xã đã hoàn thành xây dựng NTM nhưng trên thực tế, một số tiêu chí mới chỉ "cơ bản đạt", vẫn tiếp tục phải phấn đấu. Việc huy động nguồn lực theo đề án chưa đạt yêu cầu đề ra do nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp đóng góp chỉ đạt khoảng 60 tỷ đồng. Ngoài ra việc hoàn thiện các tiêu chí nước sạch, chợ, điểm công nghiệp tập trung không thực hiện được bởi các dự án này đều vướng vào quy hoạch của thành phố… Đơn cử như tiêu chí nước sạch, đề án xây dựng NTM của xã đã xác định xây dựng nhà máy nước sạch với giá trị khoảng 21 tỷ đồng để giúp người dân thay thế nguồn nước giếng khoan và nước mưa nhưng không thể triển khai.

Mặc dù cơ sở hạ tầng đã được quan tâm đầu tư, nhưng nhiều địa phương đứng trước nhiều khó khăn cần tháo gỡ để phát triển sản xuất. Hiện hầu hết các địa phương ven đô khó đầu tư vào sản xuất nông nghiệp bởi vướng các quy hoạch của thành phố. Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì Nguyễn Hữu Rừng cho rằng, do đất đai nằm trong quy hoạch nên người dân trong xã không dám đầu tư lớn. Tương tự, tại xã Tứ Hiệp, diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn 170ha nhưng đã nằm trong các quy hoạch sẽ được thu hồi trong nay mai nên không dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi được. Trong khi đó, khoảng 2.000 lao động ở độ tuổi trung niên trên địa bàn xã đang thiếu việc làm. Còn xã Đại Thắng, xã điểm NTM của huyện Phú Xuyên, lại chưa đạt NTM theo chấm điểm của thành phố do có điểm "liệt" về tiêu chí trường học, khi cả 3 cấp học ở Đại Thắng đều chưa đạt chuẩn quốc gia. Theo Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Hùng, trường trung học cơ sở và trường tiểu học hiện còn thiếu nhà đa năng, nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện là 9 tỷ đồng bằng vốn đối ứng của huyện và xã nhưng hiện nay chưa được bố trí. Ngoài ra, các dự án đang triển khai trên địa bàn xã mới đạt 80% cũng bởi còn chờ nguồn vốn đối ứng của địa phương. "Vốn đối ứng của xã trông vào tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất nhưng thị trường bất động sản lại "đóng băng", khó bán nên sau 3 năm mới đấu giá được hơn 2.000m2, thu được 2,5 tỷ đồng. Chưa kể vốn đầu tư xây dựng NTM của xã từ các chương trình lồng ghép được phê duyệt theo đề án là hơn 83 tỷ đồng nhưng vẫn chưa được bố trí, khiến cho dự án chậm triển khai" - ông Hùng cho biết.
Rõ ràng, chương trình xây dựng NTM ở thành phố dù đã thu được kết quả rất to lớn song cũng đang đối mặt với những khó khăn không nhỏ. Với các xã làm điểm NTM của thành phố và của huyện được sự chỉ đạo quyết liệt và tập trung ưu tiên nguồn lực lớn… Các xã không thuộc xã điểm hiện còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc, tháo gỡ quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở.