Nhờ thành thạo thao tác trên internet, nông dân kiếm nhiều tiền hơn
- Chủ nhật - 09/02/2020 18:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều điểm sáng
Một trong những CLB hoạt động đạt hiệu quả cao là CLB nông dân với internet của Hội ND xã Phương Định, huyện Trực Ninh, Nam Định. Từ ngày thành lập đến nay, 15 thành viên của CLB đã không ngừng học tập, nâng cao kỹ năng sử dụng internet trong tìm kiếm thông tin các loại về sản xuất, chăn nuôi cho hội viên, nông dân.
Ông Đỗ Văn Sâm (thứ 2 từ phải) thành viên CLB nông dân với internet Phương Định 1 chia sẻ kinh nghiệm trồng lan với các hội viên nông dân xã Phương Định. Ảnh: TH
Ông Đỗ Văn Sâm (ở thôn Phương Định 1) là một trong những hộ nông dân áp dụng có hiệu quả các kiến thức truy cập từ internet vào sản xuất. Ông Sâm chia sẻ: “Cách đây 3 năm, tôi – một nông dân chân lấm tay bùn, chưa biết đến máy tính là gì, internet lại càng không biết. Nhiều lúc thấy các cháu thanh niên nói với nhau về tin tức tận đâu đâu, cũng chỉ biết là họ đọc trên điện thoại. Đến năm 2017, được Hội ND tỉnh Nam Định chọn là 1 trong 15 thành viên tham gia CLB nông dân với internet Phương Định 1 tôi rất phấn khởi. Trong các buổi sinh hoạt, dưới sự hướng dẫn của giảng viên và cán bộ hội, tôi đã biết cách sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, biết cách khai thác những thông tin hữu ích từ mạng internet”.
Theo đó, với niềm đam mê trồng hoa lan từ lâu, ông Sâm đã tìm vào các trang mạng để tra cứu thông tin về kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa lan. Qua đó, ứng dụng vào thực tiễn gia đình bằng cách phát triển mô hình trồng lan trên diện tích gần 200m2; trang bị hệ thống tưới phun sương tự động.
“Từ trồng và bán hoa lan, gia đình tôi có thu nhập trên 600 triệu đồng/năm. Không chỉ bán hàng theo cách truyền thống, tôi còn đăng bán trên internet thông qua hệ thống mạng xã hội như Facebook, Zalo… Khách hàng của tôi đến từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước” – ông Sâm phấn khởi khoe.
Tương tự, CLB nông dân với internet xã Trung Thành, huyện Vụ Bản được thành lập từ tháng 1/2018 với 15 thành viên nòng cốt. Các thành viên sinh hoạt định kỳ hàng tháng tại nhà văn hóa trung tâm xã để trao đổi kinh nghiệm sử dụng mạng internet và kinh nghiệm sản xuất chăn nuôi, trồng trọt của hộ gia đình mình. Hầu hết các thành viên trong CLB đều tự trang bị cho mình máy vi tính.
Trong các buổi sinh hoạt định kỳ, Ban chủ nhiệm CLB tiếp tục sử dụng các nội dung đã được tích hợp sẵn của cán bộ Ban Tuyên huấn Hội ND tỉnh trình bày về hướng dẫn các hội viên sử dụng thành thạo bàn phím máy tính và đưa ra một số ví dụ điển hình của người nông dân khi áp dụng internet vào trồng trọt.
Từ những kinh nghiệm thực tế cùng kiến thức khoa học sản xuất, giá cả thị trường vật tư, nông sản được chia sẻ từ mạng internet, người dân xã Trung Thành đã và đang áp dụng vào sản xuất, kinh doanh thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập ổn định. Ngay cả những chính sách của Đảng, Nhà nước về sản xuất nông nghiệp cũng nhanh chóng được bà con nhân rộng.
Nhân rộng mô hình hay
"Từ trồng và bán hoa lan gia đình tôi có thu nhập trên 600 triệu đồng/năm. Không chỉ bán hàng theo cách truyền thống, tôi còn đăng bán trên internet thông qua hệ thống mạng xã hội như Facebook, Zalo…. Khách hàng của tôi đến từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước”. Ông Đỗ Văn Sâm |
Ông Nguyễn Thanh Long - Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Nam Định cho biết: “Nam Định là 1 trong 9 tỉnh trên cả nước được tham gia Dự án: “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet cho cán bộ, hội viên nông dân Hội ND Việt Nam. Trong thời gian 3 năm (từ 2017-2019), các hoạt động của dự án được tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng và mang lại hiệu quả thiết thực”.
Cụ thể: Hội ND tỉnh Nam Định đã tổ chức 21 lớp tập huấn “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet” (trong đó: có 17 lớp trong khuôn khổ dự án, 4 lớp mở rộng) cho 525 cán bộ, hội viên nông dân tại 11 xã của 2 huyện Trực Ninh và Vụ Bản; thành lập 21 CLB nông dân với internet trực tuyến với sự tham gia của 525 thành viên; 21 CLB nông dân với internet ngoại tuyến với 335 thành viên.
Kết thúc dự án, tổng số hội viên nông dân biết sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet tại các xã thực hiện dự án tăng lên 1.248 hội viên (vượt mục tiêu dự án đề ra). Nhiều hội viên biết sử dụng máy tính và truy cập internet để tìm kiếm, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nông sản phát triển.
Điển hình như hội viên Vũ Trung Trực (CLB Trung Đông 2, huyện Trực Ninh) tiêu biểu trong việc tích tụ ruộng đất trồng lúa lai cho công ty Cường Tân, thực hiện thành công mô hình máy cấy lúa theo công nghệ mới; hội viên Đỗ Văn Sâm (CLB Phương Định 1, huyện Trực Ninh) với mô hình trồng hoa lan cùng hệ thống tưới nước phun sương tự động trên điện thoại thông minh.
Trong quá trình thực hiện dự án, Ban quản lý dự án tỉnh đã chọn cử 4 thành viên CLB tiêu biểu đi học tập, nghiên cứu các mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh Lâm Đồng và Vĩnh Phúc. Hội ND tỉnh tổ chức hội thi “Nông dân với internet” năm 2019 với 17 đội đăng ký tham gia đến từ các CLB được thành lập trong khuôn khổ dự án.
Theo Thu Hà/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây