Như Thanh vượt khó đi lên

Bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ năm 2013, ngoài những khó khăn chung do kinh tế suy giảm, vật giá leo thang… là một huyện miền núi, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, Như Thanh (Thanh Hóa) còn gặp phải những thách thức không nhỏ do dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, diễn biến bất thường của thời tiết. Tuy nhiên, nhờ sự năng động, sáng tạo với những giải pháp đúng hướng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Như Thanh đã hoàn thành thắng lợi hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.
Như Thanh vượt khó đi lên

Xác định đặc thù của một huyện miền núi, nguồn thu chủ yếu gắn với sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong mấy năm gần đây, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, tăng cường phát triển thương mại, dịch vụ, mở mang ngành nghề phụ… kinh tế Như Thanh đã từng bước có sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng sản xuất nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng. Nhờ đó, năm 2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện tiếp tục ở mức cao, đạt 13,1% (cao hơn bình quân chung của tỉnh 1,9%), tổng giá trị sản xuất (theo giá hiện hành) đạt 3.176 tỷ đồng. Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm 39% (giảm 1,74%), công nghiệp - xây dựng 26,98% (tăng 1,18%), dịch vụ 34,02%.

Mặc dù đang mất dần vị trí số một như những năm trước kia. Nhưng sản xuất ngành nông - lâm nghiệp, thuỷ sản vẫn tiếp tục được huyện quan tâm đầu tư thích đáng và cho kết quả khá toàn diện. Năm 2013, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt 13.331,4ha. Trong đó, diện tích cây lúa cả năm 6.402ha với 76% lúa lai, 84% diện tích được bón phân viên, năng suất bình quân đạt 52,8 tạ/ha (là năm đạt cao nhất). Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 36.792 tấn (bằng 105% kế hoạch). Cùng với lúa, sản xuất vụ đông mặc dù gặp bất lợi do thời tiết, nhưng vẫn cơ bản đạt kế hoạch với diện tích canh tác 878ha. Đáng chú ý, nhờ sự quan tâm của trạm khuyến nông, một số mô hình kinh tế cho thu nhập cao đã xuất hiện và đang lan rộng trên địa bàn huyện như mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở xã Xuân Du, mô hình trồng mía tại Xuân Khang, mô hình trồng đậu tương trên đất hai lúa tại các xã Mậu Lâm, Hải Vân, Hải Long, Cán Khê, mô hình trồng khoai tây tại Phú Nhuận… Bên cạnh đó, trong năm 2013, một trong những cây trồng chủ lực góp phần xóa đói giảm nghèo của huyện là cây mía đường vẫn giữ ổn định 3.467ha, đạt năng suất 52,8 tạ/ha, tổng sản lượng 202.070 tấn mía thành phẩm.

Cùng với nông nghiệp, năm 2013, Như Thanh tiếp tục chú trọng làm tốt công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng. Trong năm toàn huyện đã trồng được 760ha rừng tập trung, khai thác 816ha rừng trồng, sản lượng 49.000m3 gỗ, 2,9 triệu cây luồng… tổng giá trị thu từ lâm nghiệp ước đạt 195,25 tỷ đồng. Cùng thời gian, toàn huyện đã trồng mới được 7,5ha cao su, nâng tổng diện tích cao su lên 733ha, trong đó có 346ha đang khai thác với lượng mủ khô đạt 432 tấn. Đáng chú ý, các mô hình kinh tế trang trại, gia trại nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng cả về quy mô và số lượng. Đến cuối năm 2013, toàn huyện có 384 gia trại, trang trại, trong đó có nhiều trang trại thu hút hàng chục lao động, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Về sản xuất công nghiệp - xây dựng cũng có sự khởi sắc, đạt giá trị 387,95 tỷ đồng (tăng 25% cùng kỳ). Trong đó sản xuất gang thành phẩm 10.000 tấn, quặng sắt 50.000 tấn, phụ gia xi măng 220.000 tấn. Cùng với đó là các loại sản phẩm khác như đá xây dựng, cát sỏi, sản xuất gỗ dăm, mộc dân dụng… đã góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng ngày càng nở rộ, trong năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt doanh thu 328 tỷ đồng (theo giá cố định).

Bên cạnh đó, phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng có sức lan toả sâu rộng, thu hút được sự tham gia sôi nổi của mọi cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân. Trong năm 2013, nhân dân toàn huyện đã hiến 4,16ha đất, hàng nghìn ngày công lao động làm đường giao thông, đào đắp, lu lèn lòng lề đường trên 80.000m3 đất đá, bê tông hóa đường giao thông nông thôn và đường nội đồng 107,25km, GPMB mở rộng nền đường 32,2km, nâng cấp cải tạo 14 nhà văn hóa, 20 phòng học, 6 trạm y tế, nâng cấp sửa chữa 9 hồ đập, kiên cố hóa 21km kênh mương, xây mới và cải tạo 750 nhà ở, 252 công trình vệ sinh… với tổng giá trị thực hiện đạt trên 275 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp trên 187 tỷ đồng. Nhờ đó, đến cuối 2013, bình quân về tiêu chí nông thôn mới của huyện đã đạt 9 tiêu chí/xã, tăng 1,6 tiêu chí so với năm 2012.

Phát huy những thành quả đã đạt được, bước sang năm mới 2014, Như Thanh đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng kinh tế 13,2%, tổng giá trị sản xuất 1025,6 tỷ đồng, sản lượng cây có hạt trên 35.000 tấn, xuất khẩu trị giá 6 triệu USD… Đồng thời tiếp tục huy động các nguồn lực, đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới, song song với giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững.

PV
Nguồn baoxaydung.com.vn