Nhựa thông 'chảy' ra tiền tỷ

Nhựa thông 'chảy' ra tiền tỷ
Hàng năm, công ty của anh Nghiêm xuất bán nhựa thô trong nước từ 40 - 60 tấn/năm với giá từ 20 - 23 triệu đồng/tấn; nhựa chế biến bán thị trường nội địa từ 15- 30 tấn/năm với giá từ 45 – 50 triệu/tấn; nhựa thô xuất bán sang Trung Quốc từ 60 - 100 tấn/năm. Năm 2018, công ty đạt doanh thu kỷ lục 5 tỷ đồng.

Sau khi rời quân ngũ năm 1984, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Nghiêm trở về Công ty Cầu đường lâm nghiệp Lang Chánh (Thanh Hóa), nơi anh công tác trước đây. Hiện anh đang sinh sống cùng gia đình tại thôn Tây Ninh, xã Hà Ninh, huyện Hà Trung, và mở Công ty khai thác chế biến nhựa thông.

Nhựa thông.

Được biết, tác dụng của nhựa thông thô dùng làm dầu bóng, phụ gia làm sơn; nhựa thông chế biến để làm dầu sơn các loại đồ gỗ trong nhà và ngoài trời, chế biến xà phòng, làm keo trong SX giấy và một số ứng dụng trong công nghiệp điện, làm chất đốt..., là sản phẩm rất có giá trị về kinh tế. Thế rồi “bệnh” nghề nghiệp đã giúp anh phát hiện tiềm năng từ cây thông (anh học đại học lâm nghiệp), từ đó anh nảy ra ý định, phải làm giàu từ nhựa cây thông.

Tháng 12/2009, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Nghiêm lập Công ty TNHH Đức Nghiêm. Cơ ngơi ban đầu còn khá khiêm tốn. Vốn đầu tư thuê đất đai, nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị khoảng 1 tỷ đồng; vốn pháp định gần 2 tỷ đồng; vốn vay sản xuất kinh doanh 600 triệu đồng, vốn đầu tư mở rộng phát triển sản xuất 500 triệu đồng/năm...

Sản phẩm chính của công ty anh là nhựa cây thông. Hàng năm, công ty khai thác trên 100 tấn nhựa, chế biến từ 3 – 5 tấn. Nhựa cây thông được khai thác theo kế hoạch ở một số xã trong huyện và các huyện Hoằng Hóa, xã Đông Lĩnh (TP Thanh Hóa), Quảng Nam, Kon Tum... Thời gian khai thác từ 8 – 10 tháng/năm.

Nếu khai thác vào mùa hè cứ 2 ngày/lần, mùa đông với nhiệt độ 20 độ C trở lên khai thác từ 3- 5 ngày/lần; lượng nhựa thông khai thác tùy thuộc vào số cây từ 2,5 kg – 3 kg/cây/năm.

Nhằm tăng nhanh năng suất lao động, công ty đổi mới khai thác nhựa thông từ trích nhựa bằng cuốc đẽo Hoàng Mai sang trích chữ V, địa hình đồi núi phức tạp vẫn khai thác được. Nhựa thông khai thác rồi vận chuyển bằng các loại xe chuyên dụng, xe tải của công ty và đưa vào kho bảo quản trong môi trường râm mát, nhiệt độ thấp (mát). Chế biến nhựa thông phải xây lò công nghệ cao, theo dây chuyền (từ 3 - 5 nồi) để cho ra thành phẩm là tinh dầu, cô lô phan...

Hàng năm, công ty xây dựng kế hoạch tiêu thụ sản phẩm nhựa thông tại các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An từ 100 – 300 tấn/năm, Trung Quốc 100 tấn/năm. Nhựa thô bán trong nước từ 40 - 60 tấn/năm với giá từ 20 - 23 triệu đồng/tấn; nhựa chế biến bán thị trường nội địa từ 15- 30 tấn/năm với giá từ 45 – 50 triệu/tấn; nhựa thô xuất bán sang Trung Quốc từ 60 - 100 tấn/năm.

Anh Nghiêm chia sẻ: “Doanh thu hàng năm đạt mức 4,5 tỷ đồng. Riêng năm 2018 đạt 5 tỷ đồng, cao kỷ lục trong 10 năm kể từ khi thành lập công ty. Ngoài số lao động của công ty, số lao động thuê theo thời vụ là người địa phương 20 người, lao động người ngoài tỉnh 33 người”. Anh cho biết thêm: “Ngoài nhựa thông, công ty còn tổ chức sản xuất kinh doanh và tiêu thụ các sản phẩm khác, đáp ứng nhu cầu khách hàng, như giống cây lâm nghiệp, nông nghiệp, cây làm bột giấy, cây bóng mát, cây đường phố doanh thu cũng đạt hơn 1 tỷ đồng/năm”.

THEO LÊ NHƯ CƯƠNG/NONGNGHIEP.VN