Những "cánh đồng một thửa" ở Phúc Thọ

Nhiều năm trước đây, cách làm nông nghiệp của người dân huyện Phúc Thọ (Hà Nội) thuần túy là "con trâu đi trước, cái cày theo sau". Nhưng, kể từ khi huyện nỗ lực dồn điền đổi thửa (DÐÐT) và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo toàn vùng đã đổi thay. Ruộng đồng manh mún đã trở thành những cánh đồng một thửa. Máy cấy, máy gặt và khoa học kỹ thuật tiên tiến đã thay thế sức lao động của con người.


Từ thay đổi nhận thức

Cách đây gần hai năm, chúng tôi có dịp về Phúc Thọ khi huyện bắt đầu triển khai công tác vận động nhân dân DÐÐT để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Khi đó, những câu chuyện cánh đồng "một thửa" về sản xuất hàng hóa tập trung, đưa máy móc công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng các tiêu chí về NTM... còn rất mơ hồ với bà con trong vùng. Ða số bà con nông dân chưa hiểu về những khái niệm trên và vẫn đang trong quá trình nghe ngóng, có người thì lo thiệt hơn, có người lại sợ phá vỡ cách làm truyền thống từ bao đời nay... Bởi phong tục tập quán đã hằn sâu trong nếp nghĩ của bà con nông dân.

Mang theo trăn trở đó, chúng tôi trò chuyện với lãnh đạo huyện. Ðồng chí Bí thư Huyện ủy Ngọ Duy Hiểu nói: Hồi đó, khi thấy nhiều xã trên địa bàn thành phố rầm rộ triển khai phong trào này và đã có xã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM, chúng tôi thấy "ngượng" và sốt ruột lắm. Nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm của các ngành, các cấp trong huyện, chúng tôi tin Phúc Thọ sẽ tạo ra bước đột phá trong nhận thức của bà con nông dân.

Thời gian trôi qua, bẵng đi hơn một năm, nhận được tin Phúc Thọ đã DÐÐT cơ bản xong và có tới bốn xã đạt 19 tiêu chí trong xây dựng NTM quả là điều bất ngờ. Ðể có được thành quả đó, lãnh đạo huyện Phúc Thọ đã nỗ lực bằng nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là phương pháp tuyên truyền vận động nhân dân từ mơ hồ về nhận thức đến thay đổi hẳn cách nghĩ, cách làm.

Trên sân thóc của gia đình, nông dân Doãn Văn Dậu (thôn Thanh Vân, xã Thanh Ða) hồ hởi nói: "Ðúng là cả đời làm ruộng chưa bao giờ chúng tôi thấy nhàn hạ như bây giờ. Trước đây, nhà tôi có bảy thửa ruộng nằm rải rác khắp cánh đồng, nhưng nay chỉ còn hai thửa. Ra ruộng giờ sướng lắm, không tốn công sức nhiều, các công đoạn từ làm đất cho đến cấy, gặt đều bằng máy... Khi thu hoạch chỉ việc chở thóc về nhà". Những gia đình trước đây có từ sáu đến tám thửa ruộng thì nay chỉ còn một đến hai thửa sau khi DÐÐT. Ngoài ra, huyện còn đào đắp được 2,6 triệu m3 đất làm giao thông thủy lợi nội đồng. Toàn huyện đã giao ruộng cho 28.753 hộ, với tổng diện tích 3.345 ha đạt 97,6% so với kế hoạch. Bà con nhân dân rất phấn khởi và gần như không có đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Ðến những thành quả thiết thực

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM thành phố Hà Nội đánh giá: Những thành tựu mà Phúc Thọ đạt được rất đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, huyện cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng nông nghiệp chuyên canh theo hướng hàng hóa. Ðồng thời, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để nâng cao hiệu quả canh tác và thu nhập cho người dân sau DÐÐT. Trong công tác xây dựng NTM, các địa phương trong huyện cần phát huy tinh thần dân chủ của người dân. Trong bối cảnh ngân sách thành phố còn nhiều khó khăn, địa phương cần lựa chọn những tiêu chí không sử dụng nhiều về kinh phí để làm trước như: An ninh, môi trường, văn hóa... và tập trung đầu tư cho các công trình hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất".

Về Phúc Thọ hôm nay, trên những cánh đồng "phẳng" chỉ nhìn thấy một thửa ruộng. Vụ đông xuân vừa qua, năng suất lúa của huyện đạt hơn 64,5tạ/ha, có nơi đạt tới 75 tạ/ha (trước khi DÐÐT chỉ đạt 60tạ/ha). Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt hơn 10%; thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 23,2 triệu đồng/người/năm, tăng 5,7 triệu đồng so với năm 2012. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng mạnh, đạt 225 triệu đồng/ha (giá trị canh tác đạt 100 triệu đồng/ha). Có được kết quả trên, là nhờ huyện đã có bước phát triển mới về chuyển dịch cơ cấu, áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, an ninh lương thực; xây dựng nhiều vùng sản xuất chuyên canh như: rau an toàn, mô hình trồng hoa ly, sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, chăn nuôi cá thương phẩm, chăn nuôi lợn tập trung theo quy trình nuôi công nghiệp, quy trình nuôi an toàn sinh học... Các ngành nghề kinh tế nông thôn phát triển, tạo việc làm cho lao động địa phương, nâng cao đời sống nông dân. Huyện xây dựng chính sách cụ thể ưu tiên đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp như hỗ trợ mô hình mạ khay máy cấy, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp... Ðến nay, toàn huyện có bốn xã được công nhận xã chuẩn NTM là: Võng Xuyên, Phụng Thượng, Thọ Lộc và Ngọc Tảo. Bên cạnh đó, sáu xã đang phấn đấu hoàn thành trong năm 2014. 12 xã còn lại đạt từ 10 đến 14 tiêu chí.

Diện mạo nông thôn từng bước được thay đổi đáng kể, đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã được nâng lên rõ rệt cả trình độ lý luận và thực tiễn; nhận thức của người dân về DÐÐT và xây dựng NTM có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, cộng đồng dân cư đoàn kết chặt chẽ hơn, tạo sự đồng thuận cao so với khi mới triển khai chương trình. Cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực nông thôn được nâng cao và hoàn thiện, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Tỷ lệ đường trục xã, liên xã đạt chuẩn 93%, đường trục thôn, liên thôn 94%, đường ngõ xóm 90%... Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao đáng kể.

Bí thư Huyện ủy Ngọ Duy Hiểu chia sẻ: "Chương trình xây dựng NTM và công tác DÐÐT cũng là cơ hội để toàn thể cán bộ, công nhân viên trong huyện thể hiện trình độ năng lực của mình, làm bộc lộ ra những cán bộ có trình độ thật sự và những cán bộ còn yếu trong công tác quản lý. Từ đó rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để chúng tôi sát cánh cùng nhân dân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo"


Hảo Trần

Nguồn nhandan.org.vn