Những con đường của lòng dân

Phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT) đã thay đổi diện mạo làng quê và là nền tảng vững chắc giúp xã miền núi nghèo Ðồng Việt phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Vừa qua, Ðồng Việt là xã duy nhất của tỉnh Bắc Giang vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xây dựng đường GTNT giai đoạn 2008 - 2013.
Tuyến đường liên thôn Bắc đổ bê-tông, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.
 

Ðường "cứng", bệ đỡ phá thế "ốc đảo"

Cách trung tâm huyện Yên Dũng khoảng chục km về phía nam, Ðồng Việt là xã "cuối tỉnh, cuối huyện", ba bề bao bọc bởi con sông Thương và giáp ranh với tỉnh Hải Dương. Tuy là xã miền núi khó khăn của tỉnh Bắc Giang nhưng Ðồng Việt thường xảy ra lụt lội, "chiêm khê, mùa thối". Do địa hình phức tạp, từ bao đời nay, nơi đây vẫn được coi là xã "ốc đảo", dân cư phân bố rải rác, các thôn bám theo những quả đồi cao lập làng, đời sống và sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Có thôn (như Kim Trung) chỉ có 45 hộ, nhưng có thôn lại lên tới 500 hộ (thôn Nam), cho nên việc quản lý của chính quyền cũng như phát triển kinh tế của người dân bị hạn chế. Ðể phá thế "ốc đảo", lãnh đạo xã xác định không gì khác là phải có đường.

Ðảng ủy, UBND xã Ðồng Việt đã xây dựng nghị quyết và kế hoạch huy động toàn dân tham gia phong trào "cứng" hóa đường giao thông nông thôn, lấy từng thôn làm hạt nhân phong trào. Phó Chủ tịch UBND xã Trần Xuân Hồi cho biết: "Nếu chỉ trông chờ vào nguồn hỗ trợ 20% kinh phí của huyện thì Ðồng Việt không làm nổi đường. Sự đồng lòng, nhất trí cao trong nhân dân chính là nền tảng quan trọng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ này. Xây dựng đường GTNT, lãnh đạo xã chỉ định hướng chứ không áp đặt, để các thôn chủ động bàn bạc với nhân dân, lên phương án thực hiện và sẵn sàng cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật để bảo đảm chất lượng công trình". Bên cạnh đó, ban quản lý các thôn họp bàn với nhân dân, thống nhất lựa chọn diện tích dồn điền đổi thửa, giao thầu những chân ruộng bãi, ao đầm cấy lúa một vụ không ăn chắc để chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tạo nguồn thu phục vụ các công trình phúc lợi.  

Thực tiễn tổ chức phong trào làm đường GTNT ở Ðồng Việt đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý. Cấp ủy, chính quyền từ huyện tới xã, thôn đoàn kết, thống nhất nêu cao vai trò lãnh đạo; chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước được phổ biến đến từng hộ dân, để mỗi người nhận thức rõ việc đầu tư, xây dựng đường GTNT là cần thiết và tự nguyện đóng góp ngày công, tiền của vào việc làm đường. Người dân được phát huy quyền làm chủ của mình trong việc tham gia ý kiến vào việc lập dự án, quản lý giám sát thực hiện, cũng như thanh quyết toán công trình một cách minh bạch và nhanh gọn. Trong suốt quá trình làm đường, đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ xã đến thôn không bị "vướng" phải đơn từ khiếu nại hoặc ý kiến phản ánh nào của người dân.

Mặc dù thuộc diện xã khó khăn của huyện Yên Dũng, nhưng trong giai đoạn 2008 - 2013, Ðồng Việt đã huy động từ sức dân được gần 8,6 tỷ đồng để làm đường GTNT. Toàn xã cứng hóa được 34 km đường GTNT; trong đó gồm 27,5 km đường bê-tông, 6,5 km đường lát gạch chỉ, hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Ngoài ra, các thôn Nam, Bắc, Thượng còn cứng hóa được 7/35 km đường nội đồng, phấn đấu trong những năm tới tiếp tục "vươn" những con đường bê-tông từ xóm ra ngoài cánh đồng.

Ðường bê-tông "vươn" ra cánh đồng

Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Dương Văn Tuấn cho biết: "Hầu hết đường bê-tông nội đồng ở Ðồng Việt đều đạt độ dày 20 - 25 cm, mặt đường rộng 3 - 3,5 m, kết cấu chắc chắn, kể cả xe tải cỡ vừa có thể lưu thông tốt". Nhìn từ xa, những con đường bê-tông kẻ thành từng đường trắng thẳng tắp, nổi bật trên cánh đồng lúa chín vàng, nặng trĩu bông ở thôn Nam, thôn Bắc,... Thôn Thượng, tuy kinh tế các hộ nhìn chung còn nghèo, song đã mạnh dạn huy động người dân làm đường bê-tông nội đồng. Trưởng thôn Thượng Trịnh Quốc Thịnh hồ hởi: "Cứng hóa đường nội thôn xong, chúng tôi xin chủ trương của xã cho đường bê-tông "vươn" ra cánh đồng. Khi mới đưa vấn đề này ra, bà con trong thôn không phải ai cũng nhất trí ủng hộ. Một mặt, cán bộ thôn kiên trì thuyết phục, một mặt, tổ chức họp dân bàn bạc, thống nhất cách thực hiện. Khi chủ trương đã thông, mọi việc cứ êm ru". Anh Trần Văn An, 35 tuổi ở xóm Cũ thôn Thượng bộc bạch: "Ðúng là nhờ có đường bê-tông, người dân đã thật sự được đổi đời. Cha ông chúng tôi ngày xưa, cũng vì lụt lội mà phải ly tán đi nhiều nơi. Cách đây vài năm, cứ gặp trời mưa là bọn trẻ phải nghỉ học vì đoạn đường qua cánh đồng dài hơn một km không thể nào đi nổi, làng xóm bị chia cắt làm mấy chòm. Tôi thường xuyên phải gửi con ở nhờ nhà ông bà xóm trong để việc học hành của các cháu không bị gián đoạn. Nay cuộc sống của thôn Thượng khác hẳn, nhiều người xây được nhà, mua sắm được xe máy, máy vô tuyến,... Chủ yếu từ sức dân, thôn Thượng đã cứng hóa 1,3 km đường nội đồng, nền đường cao hơn trước đây 40 cm, như một con đê nhỏ giúp cho hơn 200 mẫu lúa khỏi úng ngập, không còn cảnh chia cắt giữa xóm này với xóm khác. Từ khi có đường mới, trời mưa vẫn có thể đi xe đạp, xe máy làm đồng; xe chở vật tư, máy tuốt lúa đến tận đầu ruộng, chỉ việc mang thóc về nhà, đường bê-tông lúc nào cũng sạch bong.

Tại thôn Nam, con đường bê-tông to, đẹp và thẳng tắp chạy từ trong làng ra đồng, hai bên là ruộng lúa và dưa hấu xanh tốt. Chị Trần Thị Lành, 43 tuổi đang chăm sóc dưa nói: "Tôi nhớ cách đây vài năm, vào vụ thu hoạch, bà con phải bì bõm lội bùn gánh dưa đến tận nhà thương lái để bán. Ðược gánh dưa, ai nấy còng cả lưng mà chẳng đáng bao tiền. Có đường bê-tông, thương lái ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh đánh ô-tô về tận đầu bờ để mua, chở dưa đi tiêu thụ". Giao thông cải thiện, sản xuất phát triển hơn, ngoài cấy lúa, mỗi năm người dân Ðồng Việt trồng thêm ba vụ dưa hấu, hai vụ củ đậu, nuôi cá nước ngọt,... thu nhập tăng lên rõ rệt.

Năm 2010, Ðồng Việt đã được Bộ Giao thông vận tải khen thưởng về thành tích xây dựng đường GTNT. Tháng 8-2013, cán bộ và nhân dân trong xã lại vinh dự là điển hình duy nhất của tỉnh Bắc Giang được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về phong trào này. Từ nay đến năm 2015, Ðồng Việt phấn đấu đạt mục tiêu cứng hóa 30% đường giao thông nội đồng. Những con đường được hình thành từ lòng dân sẽ trở thành bệ đỡ, nền tảng vững chắc giúp xã phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, cho cuộc sống người dân ngày càng ấm no.

 Bài, ảnh KIM HIẾU
Nguồn nhandan.com