Những con đường “khai sáng” làng quê

Những con đường “khai sáng” làng quê
Từ nhiều năm trước, họ di cư vào Tây Nguyên, len lỏi lối mòn vào cánh rừng hoang để khai thôn, lập xã. Đến nay, những lối mòn đã thành đại lộ, làng xã nghèo vươn lên thành xã nông thôn mới.
8

Con đường liên thôn xã Ninh Loan rộng đẹp hơn cả QL28

Đường làng lớn hơn quốc lộ

QL28 kết nối với QL20 qua Lâm Đồng, vốn là đường công vụ cho thủy điện, nhỏ hẹp. Thế nhưng, giờ đây khi đi trên QL28, chúng tôi như lạc vào một con đường nhựa khang trang. Hỏi ra mới biết, đó chỉ là con đường liên thôn của xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Đây là xã trước kia một số người vốn quê ở Nam Định vào lập nghiệp từ hơn 30 năm trước. Một người dân bên đường khoe: “Đường xã tôi đẹp hơn đường quốc lộ anh ạ, anh muốn hỏi kỹ về con đường và đời sống người dân nơi đây, hãy gặp những cụ lão thành thì rõ”.

Chúng tôi gặp cụ Nguyễn Quang Hòa năm nay đã 93 tuổi nhưng vẫn rất tinh anh, minh mẫn. Vừa mân mê điếu thuốc, cụ vừa kể về câu chuyện đời cụ lên Tây Nguyên lập nghiệp. Cụ nói: “Năm 1980, tôi đi thăm người nhà trên vùng Tây Nguyên tại huyện Di Linh, thấy nơi đây đất rộng người thưa, người lao động tha hồ mà khai phá nên rất ưng cái bụng”.

Riêng mạng lưới đường giao thông nông thôn dài tới 6.546km, có đến 4.185km được cứng hóa, đạt tỉ lệ 64%. Năm 2015, Lâm Đồng là một trong 15 tỉnh được Chính phủ tặng Bằng khen về phát triển giao thông nông thôn. 

Theo cụ Hòa, những năm ấy, phong trào di dân đi khai phá vùng kinh tế mới rất rầm rộ, nên khi về quê huyện Hải Hậu, tôi đã động viên bà con tình nguyện lên đây. Tôi đến làm việc với chính quyền huyện, tỉnh Hà Nam Ninh (cũ), đặt vấn đề để cho người dân Hải Hậu cùng Trực Ninh lên đây (xã Ninh Loan, huyện Đơn Dương trước đây, nay là xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng - P/V) để lập nghiệp. Từ lời kêu gọi đó, riêng năm 1981 có đến gần 50 gia đình đồng ý theo lên đây lập nghiệp.

Còn ông Nguyễn Ngọc Vang, nguyên Bí thư xã Ninh Loan tâm sự. “Ngày ấy, tôi đang là Hiệu phó Trường cấp 1, 2 ở quê, thấy cụ Hòa hăng say động viên bà con lên vùng kinh tế mới, tôi hỏi cụ: “Cụ vận động bà con lên rừng để các cháu thất học hết à?”. Cụ Hòa nói: “Anh là giáo viên, nếu anh yêu nghề, thương bà con quê hương, anh đừng ngồi đó mà trách móc ai. Nhà nước đang kêu gọi, anh cũng phải xung phong lên đường, để dạy các cháu cái chữ ở vùng cao chứ”. Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông Vang liền xin ngành Giáo dục cho đi tiên phong. 

Cũng theo cụ Hòa, khi bà con đến đây, rất nhiều người ngao ngán bởi rừng sâu nước độc, chỉ muốn trở về lại quê hương. Thậm chí, có người như bà Tiếp, nhà đầu chợ nói với tôi: “Sao lại đưa tôi lên nơi khổ ải thế này anh Hòa ơi! Đường đi không có, đau yếu mà chạy bộ ra được đến huyện chắc chết mất”.

“Lời bà Tiếp nói cứ như tiên đoán. Ngay năm sau, chính tôi bị chảy máu dạ dày, mọi người cáng bộ, vượt đèo lội suối 15km đưa tôi ra tới QL20, nhưng cũng chẳng có xe cộ nào qua, lại phải cáng tiếp 15km nữa đến bệnh viện huyện. “Ngày đó đi lại vất vả quá chú ạ. Nhưng  mừng là cuối cùng không ai bỏ về hết. Chúng tôi đã cùng nhau xây dựng mảnh đất này”, cụ Hòa kể.

Khi hỏi về giao thông của xã, một lãnh đạo xã cho biết: “QL28 đã thỏa niềm ước ao mấy chục năm của người dân chúng tôi được kết nối làng quê heo hút với QL20. Đường liên thôn của xã chúng tôi còn lớn hơn cả QL20. Chúng tôi có đến 4,4km đường nhựa rộng hơn 10m, hơn 1,5km đường bê tông liên thôn. Năm 2015, xã Ninh Loan đã được công nhận danh hiệu xã nông thôn mới. Con đường đẹp qua xã là do sự đóng góp của bà con, đặc biệt có sự tài trợ của hội đồng hương Nam Định”.

Giao thông đổi thay từng ngày

Từ những năm 80, mạng lưới giao thông còn rất đơn sơ, toàn tỉnh Lâm Đồng chỉ có 2 tuyến giao thông huyết mạch là QL20 nối với TP HCM và QL27 nối với tỉnh Ninh Thuận. Theo Sở GTVT Lâm Đồng, thời kỳ 1982 - 1997, vùng đất Lâm Đồng còn rất hoang sơ, nhiều nơi chưa có đường đi như: vùng Nam Ban (Lâm Hà), Đạ Tẻh, Cát Tiên… Sở GTVT đánh giá rất cao những con đường do người dân khai mở. Từ đó, công cuộc mở đường được vạch ra, huy động lực lượng tại chỗ và thanh niên xung phong với sức người và công cụ thi công chủ yếu thủ công tiến hành khai mở những cung đường, góp phần đảm bảo vận chuyển lương thực, thực phẩm xây dựng những vùng kinh tế mới.

Hệ thống giao thông được xây dựng từ cầu gỗ, đường đất đến cầu sắt, đường cấp phối, đá dăm và đến nay là hệ thống cầu bê tông cốt thép “nối những bờ vui”, mặt đường thảm bê tông nhựa nóng đến hầu hết các trung tâm các xã đảm bảo lưu thông cả hai mùa mưa, nắng như hôm nay ít ai có thể hình dung ra. Cùng đó là biết bao tuyến đường mới được mở, tạo nên huyết mạch giao thông đối ngoại, đối nội thuận lợi trong giao thương, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đổi thay đời sống xã hội cả những vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. 

Ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng cho chúng tôi biết, từ những ngày đầu khiêm tốn, đến nay hệ thống giao thông của Lâm Đồng thay da đổi thịt từng ngày với nhiều loại hình, từ hàng không, đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa. Trong đó, vận tải đường bộ phát triển nhanh và là phương thức vận tải chủ đạo với tổng chiều dài 7.369km. 

Theo Văn Tư - Ngọc Hùng/ baogiaothong.vn