Những con đường từ sức dân (Kỳ 5): Khơi thông nguồn vốn
- Chủ nhật - 19/07/2015 01:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đa dạng nguồn vốn
Nhắc lại câu chuyện cách đây bốn năm, khi Ban Bí thư giao Chính phủ thực hiện chương trình nông thôn mới, trong đó có xây dựng GTNT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết: “Khi đó chúng tôi thực sự lo lắng bởi các địa phương đều đề nghị kinh phí vài trăm tỷ đồng thực hiện, các huyện, xã thì hy vọng sẽ có nguồn lực khổng lồ từ Trung ương đưa về nhưng trên thực tế không có. Hai năm đầu, Chính phủ chỉ có thể phân bổ từ 1.500-1.700 tỷ đồng, ba năm tiếp bình quân mỗi năm 5.000 tỷ chia cho 9.000 xã, một số vốn ít ỏi so với công việc phải thực hiện”. Vậy nhưng sau 5 năm, chiều dài đường GTNT tăng thêm 217.433 km, phát triển vượt bậc so với thời kỳ trước năm 2010. Hệ thống GTNT có tổng số 54.788 cầu các loại, 528 bến ô-tô khách, 351 bến phà và hàng nghìn đò ngang sông...
Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nhiều địa phương đã có cách làm chủ động, sáng tạo để huy động vốn phát triển GTNT. Nghệ An, một địa phương có địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, kinh tế khó khăn nhưng 5 năm qua đã huy động được 8.378 tỷ đồng xây dựng 3.172 km đường và 242 cầu lớn, nhỏ tại các huyện, xã, thôn, xóm, vượt mức chỉ tiêu đề ra. Đây được coi là một điểm sáng với nhiều cách thức huy động vốn hiệu quả.
Người dân tham gia làm đường nông thôn ở Nghệ An |
Vào xã Yên Khê (Con Cuông, Nghệ An) hôm nay không còn phải đi trên con đường nhỏ hẹp, gồ ghề, mùa mưa lầy lội như trước đây, thay vào đó, đường vào các thôn bản giờ đây đã được đổ bê-tông khang trang. Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khê Nguyễn Trọng Nam phấn khởi cho biết: Xã có chín thôn bản, chủ yếu là bà con dân tộc Thái, đời sống còn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, hiểu rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, nhất là làm đường bê-tông, ai nấy đều phấn khởi. Ngoài xi-măng được hỗ trợ, bà con tự giác góp tiền mua cát, sỏi, huy động các thành viên trong gia đình cùng tham gia ngày công. Đến nay, xã đã đổ bê-tông được trên 5 km đường. Không riêng gì Yên Khê, xã Chi Khê cũng đã làm xong 9,7 km đường GTNT. Chị Kha Thị Tín, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Lam Khê, cho biết: Ở thôn Lam Khê, các công việc như vận chuyển cát sỏi, san gạt bê tông… để làm đường không còn là việc của riêng đàn ông, mà chị em cũng tham gia rất nhiệt tình. Hiện Con Cuông đang đơn vị dẫn đầu của tỉnh Nghệ An về phong trào làm đường GTNT, với 47,19/38 km, vượt chỉ tiêu 9,19 km.
Những con đường bê-tông nối liền thôn xóm đâu đâu cũng có sức dân. Tại xã Sơn Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An), trên tổng chiều dài 25 km đường cần nâng cấp cải tạo, có tới 400 hộ dân thuộc diện phải giải phóng mặt bằng, trong đó có 22 hộ phải di dời nhà cửa, 107 gia đình phải tháo dỡ hàng nghìn mét tường rào, hơn 10 ha đất thổ cư, thổ canh, đốn chặt hàng trăm cây tre, cây lấy gỗ và cây ăn quả... Tổng giá trị ước tính lên đến gần 12 tỷ đồng, nhưng địa phương đã không phải tốn một đồng tiền đền bù nào. Hay như tại huyện bán sơn địa Anh Sơn, đoạn từ năm 2010-2014, tổng kinh phí đầu tư xây dựng trong lĩnh vực GTNT trên địa bàn huyện hơn 850 tỷ đồng nhưng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước từ trung ương đến địa phương chỉ có 283,4 tỷ, còn lại do nhân dân đóng góp.
Với phương châm nhân dân và Nhà nước cùng làm, đã có nhiều hình thức, biện pháp huy động vốn, ngày công theo điều kiện cụ thể của từng địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Đinh Viết Hồng chia sẻ: Để huy động mọi nguồn lực xây dựng GTNT phù hợp với đặc thù riêng, Huyện uỷ và HĐND các huyện trên địa bàn Nghệ An đã có Nghị quyết, chủ trương về công tác phát triển GTNT và đặt công tác xây dựng GTNT thành một trong những nhiệm vụ then chốt. Bên cạnh nguồn vốn huy động trong dân, các địa phương rất chú trọng việc thu hút vốn hỗ trợ từ bên ngoài bằng các dự án đầu tư hạ tầng của các Bộ, ngành Trung ương, của các cá nhân, tổ chức nước ngoài, lồng ghép vào các chương trình, dự án địa phương. Một số huyện đã vận động được doanh nhân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn hỗ trợ vật liệu xây dựng, công vận chuyển hoặc bằng tiền. Chỉ riêng từ năm 2012 đến 2014, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh đã hỗ trợ gần 110 tỷ đồng làm đường GTNT.
Khoan thư sức dân
Thực tế cho thấy 5 năm qua, nhiều tỉnh còn khó khăn về kinh tế nhưng nhờ có cách thức huy động vốn hiệu quả nên GTNT đã có bước phát triển vượt bậc. Đồng Tháp, Cần Thơ là những thí dụ về mô hình các tổ chức xã hội chung tay xây dựng GTNT. Các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang… dung cách thức huy động doanh nghiệp đầu tư xây dựng, nhà nước hỗ trợ ưu đãi sau đầu tư. Còn tại tỉnh đồng bằng đất chật người đông như Nam Định, nhờ đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa đã tạo được phong trào “Hiến đất, góp đất, đóng góp kinh phí làm đường GTNT, giao thông nội đồng” sâu rộng đến khắp thôn, làng, khu phố, hộ gia đình tại các xã, thị trấn. Có hộ dân sẵn sàng hiến 1500 m² đất xây đường giao thông. Nếu quy ra tiền, 5 năm qua người dân Nam Định đã hiến 2.809ha đất nông nghiệp, tương đương 5.618 tỷ đồng và hơn 200 ha đất thổ cư, tương đương 1000 tỷ đồng. Nhờ đó, đến nay 100% số xã, thị trấn tại Nam Định đã có đường ô tô láng nhựa hoặc bê-tông xi măng đến trung tâm.
Theo số liệu tập hợp từ các địa phương, 5 năm qua, trong tổng số vốn 186.194 tỷ đồng, vốn xã hội dân cư đóng góp được 27.027 tỷ, chiếm 25,5%, chưa kể trên 7,8 triệu ngày công lao động, 3.309 ha đất cùng nhiều vật liệu xây dựng... Nếu quy ra tiền thì sức dân chiếm tới tới 50% tổng vốn! Ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân, nhưng vừa qua Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu chính quyền địa phương các cấp chỉ được huy động sức dân vào xây dựng nông thôn mới ở mức hợp lý, tùy thuộc vào điều kiện của người dân. “Không được huy động dân nghèo đóng góp tiền của để xây dựng đường sá, các công trình để đạt các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Nếu huy động người nghèo dùng sức để xây dựng giao thông thì chính quyền phải tạo điều kiện để người nghèo có thêm thu nhập từ đó”, Phó Thủ tướng chỉ đạo. Theo Nghị quyết của Quốc hội, việc phân bổ vốn xây dựng nông thôn mới cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, hải đảo, bãi ngang ven biển được ưu tiên nguồn lực gấp hai lần các xã bình thường. Đối với vùng có đông đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thì ngân sách Nhà nước thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng phải là chủ yếu, có thể chiếm 90-100% vốn.
Về phương hướng đến 2020, Phó Thủ tướng cho rằng, khối lượng công việc vẫn còn rất lớn bởi nếu theo tiêu chí về NTM, phải đạt thêm tỷ lệ 25% số xã đạt tiêu chí về giao thông. Số còn lại chắc chắn sẽ khó khăn hơn vì nguồn lực tại những nơi này còn hạn chế, đi lại khó khăn. Để thực hiện việc này chắc chắn không thể chỉ có nguồn lực từ ngân sách mà còn cần huy động từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn vốn khác như ODA, tài trợ, đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn tới, các bộ cần tính toán làm sao để vốn ODA, các nguồn vốn tài trợ từ nước ngoài tăng gấp đôi giai đoạn trước.
Bộ GTVT đã đưa ra giải pháp, theo đó các tỉnh, thành phố, nhất là các nơi chưa đạt chỉ tiêu cần rà soát, tổng hợp lập kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020, mục tiêu là hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng GTNT. Trên cơ sở đó, các địa phương cân đối phân bổ vốn dành cho GTNT và triển khai các biện pháp thu hút vốn dành cho GTNT như vận động đóng góp của nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, vốn ODA... Lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn, cũng như đa dạng các hình thức BOT, PPP và các hình thức khác để tăng vốn cho GTNT.
(Còn nữa)
Trong giai đoạn 2010-2015, vốn đầu tư phát triển và cải tạo nâng cấp đường tại các tỉnh, thành phố là 186.194 tỷ VND, trong đó: ngân sách trung ương hỗ trợ 49.181 tỷ đồng, chiếm 28%; ngân sách địa phương 75.871 tỷ, chiếm 43,2%; vốn xã hội dân cư đóng góp được 27.027 tỷ, chiếm 25,5%;vốn ODA trực tiếp cho các địa phương 5.571,5 tỷ, chiếm 3,2%; vốn huy động xã hội 4.703 tỷ chiếm 2,7%.