Những điển hình nông thôn mới - Bài 2: Chuyển dịch cơ cấu lao động

Cùng với những đột phá trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương triển khai thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

 

Chú trọng đào tạo nghề

Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương là yếu tố quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng NTM, những năm qua chính quyền xã Đại Hiệp (Đại Lộc) đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề cho người dân. Đồng thời quán triệt các chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách hỗ trợ đối với lao động nông thôn, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo. Ông Nguyễn Văn Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp nói: “Qua gần 4 năm xây dựng NTM, địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng mở nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, qua đó giải quyết việc làm mới cho 300 lao động. Kết quả khảo sát mới đây cho thấy: toàn xã có 4.728 người trong độ tuổi lao động; trong đó hơn 93% có việc làm thường xuyên, với mức thu nhập bình quân 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 21%, giảm 3,2% so với năm 2010”.

Nhờ làm hương, mỗi tháng chị Ngụy Thị Lời ở thôn Phú Trung (Đại Hiệp, Đại Lộc) lãi hơn 12 triệu đồng. Ảnh: N.S
Nhờ làm hương, mỗi tháng chị Ngụy Thị Lời ở thôn Phú Trung (Đại Hiệp, Đại Lộc) lãi hơn 12 triệu đồng. Ảnh: N.S

Ông Phạm Đức Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Phước (Phú Ninh) cho biết, mấy năm gần đây công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được địa phương chú trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, từ năm 2011 đến nay xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan ở huyện và tỉnh mở 30 lớp đào tạo nghề cho khoảng 1.000 lao động nông thôn, chủ yếu là nghề chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học, nuôi bò thâm canh, trồng các loại rau sạch, sửa chữa máy nông cụ, mây tre đan, may công nghiệp… Nhìn chung, đại đa số lao động này đều áp dụng hiệu quả các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất hoặc có việc làm ổn định sau khi học nghề. “Tính đến giữa tháng 10.2014, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của Tam Phước chiếm khoảng 98%, thu nhập bình quân đầu người đạt 23,5 triệu đồng/người/năm. Dự kiến, cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,2%, đảm bảo đạt chuẩn xã NTM” - ông Toàn nói.

Tập trung giải quyết việc làm

Dẫn chúng tôi đi tham quan phân xưởng, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Công ty TNHH MTV May mặc Phong Sơn cho biết, sau thời gian dài làm việc trong các công ty, xí nghiệp ở các thành phố lớn, năm 2009, ông trở về quê Điện Phong (Điện Bàn) thuê đất rồi đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng phân xưởng, mua sắm máy móc và tuyển dụng lao động. “Ngoài việc thu nhận lao động có tay nghề, mỗi năm tôi còn trực tiếp đào tạo nghề cho khoảng 50 người. Sau khi người lao động làm ra được sản phẩm, tôi bố trí việc làm ngay. Hiện tại, công ty đang tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động ở địa phương, với mức lương 3 - 5 triệu đồng/người/tháng” - ông Sơn chia sẻ. Ông Trần Văn Mỹ - Chủ tịch UBND xã Điện Phong cho hay, hiện trên địa bàn xã có gần 10 cơ sở sản xuất, đáng chú ý là 4 cơ sở gỗ mỹ nghệ giải quyết việc làm cho 150 lao động với mức thu nhập 4 - 12 triệu đồng/người/tháng. Hiện tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của địa phương này chiếm 39%, giảm 33% so với năm 2010 trở về trước.

Ông Huỳnh Tấn Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay toàn tỉnh đã tổ chức được 33 lớp dạy nghề với 1.164 người tham gia, gồm các nghề chính như sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, trồng hồ tiêu, rau an toàn, nuôi tôm thẻ chân trắng, trồng nấm, nuôi gà thả vườn an toàn dịch bệnh… tổng kinh phí thực hiện hơn 2,7 tỷ đồng. Trong đó, đặc biệt ưu tiên cho các xã điểm NTM nhằm tạo bước chuyển dịch về cơ cấu lao động. Bên cạnh đó, những ngành liên quan của tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề ở các địa phương Nam Trà My, Tiên Phước, Nông Sơn, Bắc Trà My, Thăng Bình, Hiệp Đức, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang…

Tập trung giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân cũng là hướng đi của nhiều địa phương xây dựng thí điểm mô hình NTM. Tại xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc), những năm qua địa phương cũng tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống. Bà Nguyễn Thị Hồng - Chủ tịch UBND xã cho biết, đến nay Đại Hiệp có gần 20 doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả như Công ty May DHF Đại Hiệp, Công ty Sản xuất – thương mại – dịch vụ Đại Hiệp, Công ty CP Đất Quảng…, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động trong và ngoài xã. Còn ở xã Điện Quang (Điện Bàn), theo ông Hà Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã, ngoài Công ty Seo Nam 100% vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất hàng thủy sản xuất khẩu hoạt động từ năm 2006 đến nay thì năm 2012 chính quyền địa phương tiếp tục kêu gọi Công ty Song Châu vào đầu tư sản xuất hàng may mặc với tổng nguồn vốn 20 tỷ đồng. Hiện 2 công ty này đang giải quyết việc làm ổn định cho hơn 600 lao động với mức lương 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ vậy, các ngành nghề thủ công truyền thống ở Điện Quang, chủ yếu là nghề mộc cũng đang trên đà phát triển mạnh. Ông Minh nói: “Thời điểm phát động xây dựng NTM, tỷ lệ lao động nông nghiệp của xã chiếm gần 50%, đến nay đã giảm xuống còn 38,5%”.

NGUYỄN SỰ
Bài cuối: Đầu tư hạ tầng thiết yếu

Theo: baoquangnam.com.vn