Những điển hình xây dựng nông thôn mới

Những điển hình xây dựng nông thôn mới
Là những cựu binh, thương binh đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, tuổi già nhưng chí không già, họ lại tiếp tục góp một phần sức lực, trí tuệ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hôm nay.

 

Ông Ngô Văn Nhặt

Hai vợ chồng cựu chiến binh, thương binh Ngô Văn Nhặt, Lê Thị Chè ở thôn Mỹ Thành (xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa) được nhiều người dân nể phục, gọi là người mở đầu trong phong trào làm đường bê tông nông thôn của địa phương.

 

Năm 1977, ông bà phục viên về sống tại thôn Mỹ Thành. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vợ chồng ông Nhặt vẫn luôn gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các quy định của địa phương. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của con cháu trong gia đình, ông chủ động đề xuất và được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho nhận xi măng và các khoản hỗ trợ theo quy định để làm đường.

 

Trong lúc gia đình không có tiền, ông bà bàn nhau bán 1 con bò được 20 triệu đồng, vay thêm từ quỹ của đồng đội được 6 triệu đồng và huy động sự đóng góp của con cháu gần 10 triệu đồng để mua vật tư, tổ chức thi công, trong 5 ngày đã hoàn thành đoạn đường bê tông dài 161m, rộng 2,5m, dày 16cm với tổng trị giá gần 70 triệu đồng. Ông Nhặt chia sẻ: “Vào mùa mưa, việc đi lại khó khăn, từ lâu tôi có ý định đóng góp để làm đường nhưng do kinh phí quá lớn nên không thể thực hiện. Nay được Nhà nước hỗ trợ xi măng, tôi đã bàn với con cháu trong gia đình và bà con quyết tâm làm đường”.

 

Bên cạnh việc tích cực tham gia công tác hội và các phong trào của xã, ông còn là người làm kinh tế giỏi, tiêu biểu của thôn. Gia đình ông có 4 sào rưỡi đất trồng sắn, trồng cỏ và thuê 3ha đất trồng mía, trồng cây dài ngày giúp cho việc chăn nuôi bò thuận lợi. Hiện gia đình ông Nhặt có trên 10 con bò. Thu nhập từ các nguồn hàng trong 1 năm hơn 100 triệu đồng. Mới đây, ông Ngô Văn Nhặt được nhận bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, UBND huyện Tây Hòa, của Thủ tướng Chính phủ.

 

Ông Nguyễn Hữu Phúc

 

Trong khi đó, sự đóng góp của ông Nguyễn Hữu Phúc ở thôn Phú Vang (xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) là những lần đi vận động nhân dân góp tiền, ngày công, giải tỏa đất đai lấn chiếm để xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, ông là người góp công đầu trong việc hòa giải thành nhiều vụ tranh chấp đất đai, vợ chồng ghen tuông cãi vã, góp phần giúp xã Bình Kiến hoàn thành tiêu chí về văn hóa rất sớm; là xã đầu tiên của tỉnh đạt 19/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

 

Là một cán bộ quân báo đã nghỉ hưu, ông Phúc được tín nhiệm giữ nhiều chức danh như Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ hòa giải thôn… Ở nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành tốt. Ông Phúc tâm sự: Là người lính trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được sống và trở về quê hương là niềm vui không phải ai cũng có được. Vì vậy, hễ còn sức lực là tôi còn cống hiến để tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 

Nhìn đôi dép đã sờn quai, bạc màu bởi mưa nắng của ông, tôi hiểu người cựu binh này đã trải qua dặm dài với hành trình hòa giải của mình như thế nào… Nhiều vụ việc tưởng chừng không thể hòa giải, nhưng với uy tín của mình, ông được bà con tin tưởng và nghe theo. Cụ thể như vụ hòa giải mâu thuẫn của vợ chồng ông bà B sống với nhau gần 30 năm. Bỗng dưng 2 người làm đơn ly dị, chuẩn bị gửi ra tòa. Dù con cháu hai bên cố nài nỉ van xin nhưng họ vẫn nhất quyết chia tay. Lý do ông B nghi vợ dan díu với người đàn ông khác trong xóm. Ngày này qua tháng khác, ông B bắt bà B viết đến hàng chục, hàng trăm lời thề để ông tin, nhưng ông vẫn không thể quên những lời dèm pha. Vì không thể chịu nổi cảnh “tra tấn” như vậy, bà B về ở với người con gái lớn, mong rằng sau một thời gian ông sẽ nghĩ lại. Nhưng khi bà quay về, ông lại cho rằng bà giả vờ ở với con gái để dễ bề “theo trai”. Nghĩ tình vợ chồng mấy chục năm, hơn nữa con cái đã yên bề gia thất, nhiều lần bà giải thích nhưng ông B vẫn nhất quyết không tha.

 

Sau khi nghiên cứu kỹ sự tình, ông Phúc đến gặp ông B phân tích thấu tình đạt lý. Lần đầu gặp, ông B không đồng ý với nhiều lời nói khó nghe. Nhưng với kinh nghiệm của một người làm công tác hòa giải, ông Phúc kiên trì vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” và cuối cùng ông B đã tự nguyện viết cam kết không nhắc chuyện cũ. Sau đó, hai người về ở với nhau trong cảnh đầm ấm, con cháu sum vầy.

 

Ông Phúc cười hiền bảo: Tôi nhớ nhất, trong lần mời đến dự tiệc mừng 80 tuổi do con cháu tổ chức cho ông bà mới đây, ông B cầm tay tôi và nói: “Còn có ngày hôm nay, vui vẻ như vầy là nhờ công lớn của ông”.

 

Bí thư Đảng ủy xã Bình Kiến Nguyễn Hồng Vân nói: Ông Phúc là một đảng viên mẫu mực, bình dị trong cuộc sống đời thường. Ông đảm nhiệm và hoàn thành tốt nhiều việc. Có ông Phúc, chúng tôi cảm thấy rất yên tâm trong công tác, nhất là lãnh đạo điều hành toàn dân thực hiện xây dựng nông thôn mới hôm nay.

Theo: baophuyen.com.vn