Những điều đáng mừng ở Mường Tè-huyện nghèo nhất nước
- Thứ tư - 18/12/2019 05:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vượt khó xây dựng nông thôn mới
Mường Tè là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 120 km, có diện tích tự nhiên đứng đầu tỉnh. Toàn huyện có 1 thị trấn và 13 xã; trên 130 km đường biên giới (6 xã) tiếp giáp với Trung Quốc nên Mường Tè có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội ở Mường Tè.
Trên địa bàn có đa dân tộc anh em, gồm: Thái, Mông, Kinh, Dao, Giáy, La Hủ, Hà Nhì, Cống, Si La, Hoa… cùng chung sống; hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn của huyện còn thấp so với bình quân chung của tỉnh; đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức của một số cán bộ, đảng viên còn hạn chế; một bộ phận người dân còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Người dân chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây sa nhân tím cho hiệu quả kinh tế cao.
Cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan trên đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện.
Xác định xây dựng NTM là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ khi triển khai, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Tè đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, chương trình hành động cùng với nhân dân trong huyện vượt khó để thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM”.
Đột phá trong phát triển sản xuất
Tâm sự với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, ông Tống Văn Thi – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Tè, bảo: “Khó khăn là vậy nên ngay từ ban đầu, huyện đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều cách thức, phương pháp hợp lý tới người dân. Chỉ đạo cán bộ, đảng viên của huyện, xã hướng về thôn bản trực tiếp giải thích, cầm tay chỉ việc cho bà con. Qua đó, đã tạo được chuyển biến trong nhận thức của người dân nên những khó khăn trong xây dựng NTM cũng dần dần được tháo gỡ.
Diện mạo nông thôn nơi đây đang khởi sắc từng ngày.
Theo đó, những năm qua, huyện Mường Tè đã sử dụng hài hòa các nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Trung ương và các nguồn vốn lồng ghép ở địa phương trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất trên tất cả các xã.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, toàn huyện đã cứng hóa được 73% đường giao thông các loại trong tổng số 957,64 km; tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã được đầu tư làm mới, nâng cấp, sửa chữa là 490,4 km, đạt tỷ lệ cứng hóa trên 99%. Song song với đường giao thông, hệ thống điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư… được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống – dân sinh.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào người dân tộc thiểu số.
Về phát triển sản xuất sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã có bước chuyển biến cực tích. Nhiều giống lúa năng suất thấp, kém chất lượng được thay thế bằng giống lúa mới năng suất cao, chất lượng tốt, như: Giống PC6, DS1, Thiên Ưu 8…
Từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đến nay, toàn huyện đã trồng được hàng trăm ha quế, mắc ca, cây sa mu, sa nhân tím... Hiện, huyện Mường Tè có 3 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm: Dự án xoài Đoài Loan 9,1 ha tại xã Bum Nưa; 2 dự án sa nhân tím 160,7 ha tại xã Thu Lũm.
Bằng nhiều cách làm thiết thực, từ một huyện nghèo nói không với xã NTM, đến nay, Mường Tè đã có 3 xã đạt chuẩn NTM: Mường Tè, Bum Nưa, Thu Lũm; thu nhập của bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng từ 5 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 17,22 triệu đồng/người/năm (năm 2019). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 64,1% năm 2011 xuống còn 42% năm 2019. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn không ngừng được nâng lên.
Theo Thiên Ngân - A Lữ/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây