Dồn điền, đổi thửa - bước đột phá mới

Dồn điền, đổi thửa - bước đột phá mới
Với phương châm "Làm từ đồng ruộng về làng, từ nhà ra thôn, xóm...", tỉnh Nam Ðịnh lấy công tác dồn điền, đổi thửa (DÐÐT) nhằm tạo ra bước đột phá để xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Ðến tháng 7-2013, đã có 199/200 xã triển khai công tác DÐÐT; trong đó có 149 xã, 2.622 thôn, xóm hoàn thành, giao đất ổn định cho nông dân yên tâm sản xuất. Trong thực tế đã xuất hiện nhiều mô hình với những cách làm sáng tạo, làm phong phú, sinh động quá trình XDNTM trên mọi miền quê ở Nam Ðịnh.

 

Theo đồng chí Lê Xuân Thủy, Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Ðịnh, mục đích của việc DÐÐT là khắc phục tình trạng đồng ruộng manh mún hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa thông qua xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn (CÐML); quy gọn quỹ đất công vào một vùng, đặc biệt là quỹ đất để thực hiện quy hoạch XDNTM; làm cơ sở cho việc lập hồ sơ cho thuê đất công theo quy định của pháp luật, tăng cường quản lý, sử dụng đất công hợp lý, chặt chẽ, có hiệu quả, tăng thu cho ngân sách xã. Ngoài ra, thông qua DÐÐT để hoàn chỉnh lại hệ thống hồ sơ địa chính nhằm "nắm chắc, quản chặt" toàn bộ quỹ đất nông nghiệp ở từng xã, thị trấn. Theo kế hoạch, năm 2012, Nam Ðịnh hoàn thành DÐÐT ở 70% số xã, thị trấn, trong đó có 96 xã, thị trấn tham gia XDNTM giai đoạn 2011-2015, tiến tới hoàn thành công tác này ở tất cả các xã, thị trấn trong tỉnh vào năm 2013.

Ðể đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Nam Ðịnh yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện nhiều nội dung, bao gồm: Hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất (quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới), trong đó hoạch định từng loại đất theo các nhu cầu sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020; Khoanh vùng và định ra hệ số để đổi ruộng (do nông dân tự bàn bạc và quyết định); Dồn đổi lại quỹ đất công nhỏ lẻ ở các thửa đất trước đây thành từng vùng tập trung; Xây dựng, phê duyệt phương án và tổ chức thực hiện DÐÐT; Hoàn chỉnh hồ sơ địa chính, bảo đảm không để tình trạng ruộng đất không có hồ sơ địa chính hoặc hồ sơ không phù hợp với thực tế sau DÐÐT.

Ðến tháng 7-2013, đã có 199/200 xã (99,5%) triển khai công tác DÐÐT; trong đó 149 xã (74,9%) và 2.622 thôn, xóm (87,5%) hoàn thành việc DÐÐT. Sáu huyện (Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Vụ Bản và Xuân Trường) thực hiện xong việc giao đất ngoài thực địa ở các thôn, xóm. Các địa phương đều quyết tâm, tập trung cao chỉ đạo làm tốt việc tuyên truyền, vận động các hộ dân thực hiện DÐÐT và vận động các hộ dân góp đất (10 - 15m2/sào), hàng chục nghìn ngày công, kinh phí (từ 150 nghìn đến 200 nghìn đồng/sào), huy động hàng trăm máy xúc, đào đắp hệ thống đường "từ đồng về nhà" và thủy lợi nội đồng kết hợp chỉnh trang đồng ruộng. Kết quả DÐÐT ở các xã đã giao đất tại thực địa cơ bản đạt yêu cầu: - Ðã dồn gọn được quỹ đất công; giảm số thửa bình quân (từ 3,27 xuống còn 1,5- 2,5 thửa/hộ); nhiều xã đạt 75 - 80% số hộ chỉ còn một thửa. Trong quá trình DÐÐT, nông dân đã tự nguyện góp hơn 2.361 ha đất (trị giá 4.723 tỷ đồng), hàng trăm nghìn ngày công đào đắp hơn 5.319 km đường giao thông và kênh mương nội đồng, trong đó có gần 700 km được cứng hóa và xây dựng nhiều công trình hạ tầng nông thôn đáp ứng yêu cầu XDNTM. Sau DÐÐT, trên đồng ruộng Nam Ðịnh có khoảng 14 nghìn phương tiện cơ giới từ máy làm đất đến công cụ gieo thẳng. Theo đó, 100% diện tích đất được làm bằng máy; gần 16% diện tích được gieo thẳng... Toàn tỉnh đã xây dựng 136 mô hình CÐML với tổng diện tích gần 3.000 ha, chín mô hình sản xuất khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu; đồng thời xây dựng được 366 trang trại đạt tiêu chí mới của Bộ NN-PTNT, mở ra hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Vụ xuân năm 2013, năng suất lúa đạt gần 70 tạ/ha, tiếp tục là tỉnh trong nhóm đầu về sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng.

Mặt khác, thông qua DÐÐT, các xã đều quy gọn quỹ đất công vào một nơi, tạo nguồn quỹ "đất sạch" để các doanh nghiệp đầu tư về khu vực nông thôn. Ðã có hơn 100 doanh nghiệp đầu tư khoảng 700 tỷ đồng (chiếm 14,3% tổng nguồn vốn XDNTM) để xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng sản xuất, kinh doanh về địa bàn nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bố trí lại cơ cấu lao động, tích tụ ruộng đất và tiêu thụ nông sản.

Trong quá trình DÐÐT đã xuất hiện nhiều mô hình hay với những cách làm sáng tạo, làm phong phú, sinh động quá trình XDNTM trên mọi miền quê ở Nam Ðịnh. Sau khi có quy hoạch XDNTM, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, xã Giao Hà (huyện Giao Thủy) tiến hành làm toàn bộ hệ thống đường ra đồng, thủy lợi nội đồng. Theo đó, các phương tiện cơ giới phục vụ cho sản xuất có thể đến mọi xứ đồng, việc đi lại của người dân thuận tiện nên không còn cảnh "ngại ruộng xa, không muốn trả ruộng gần". Cán bộ, đảng viên đều tự nguyện nhận ruộng xa, nhường ruộng gần và tốt cho bà con. Vì vậy ở Giao Hà không phải dùng đến giải pháp "bốc thăm" để nhận ruộng, sau DÐÐT tình làng, nghĩa xóm càng thêm bền chặt.

Có thể nói, quá trình DÐÐT đã làm thay đổi tư duy và chuyển dần tập quán sản xuất truyền thống sang cơ giới hóa đồng ruộng, sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Ðồng thời tạo ra bước đột phá để nông dân Nam Ðịnh thực hiện thắng lợi Chương trình XDNTM, CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn.
 

BÀI VÀ ẢNH: LAN SƠN

Theo nhandan.org.vn