Những làng quê trù phú bên bờ Hiền Lương

Những làng quê trù phú bên bờ Hiền Lương
Sau 42 năm thống nhất đất nước, hôm nay, bên 2 bờ Hiền Lương là những làng quê trù phú, yên bình.

 

Vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải, cầu Hiền Lương trong chiến tranh là vùng đất ác liệt, bom cày đạn xới. Sau 42 năm thống nhất đất nước, đi qua vùng giới tuyến, dòng Bến Hải trong xanh hiền hòa chở phù sa nuôi dưỡng những cánh đồng lúa, vườn hồ tiêu, vườn cao su xanh bạt ngàn.

Đất nước bị chia cắt, thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị nằm bên bờ bắc giới tuyến, gánh chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn địch. Ngôi làng không một bụi tre, không một nếp nhà.

42 năm trôi qua, làng Hiền Lương hôm nay đã hồi sinh kỳ diệu, cuộc sống ấm no hạnh phúc, trở thành ngôi làng tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

nhung lang que tru phu ben bo hien luong quang tri hinh 1
Đôi bờ Hiền Lương năm xưa (Ảnh tư liệu

Ông Đinh Như Quang, 74 tuổi kể rằng, trong chiến tranh, ông tham gia lực lượng dân quân tự vệ quyết bám đất giữ làng. Hòa bình thống nhất, ông cùng bà con xây dựng lại cuộc sống mới: “Sau chiến tranh, bà con về nhìn thấy quê hương không còn một ngôi nhà, không còn một bóng cây che nắng. Về chỉ còn hai bàn tay trắng. Bà con về tích cực để xây dựng lại làng”.

Nép bên bờ sông Bến Hải là những vườn tiêu xanh mướt của anh Lê Vĩnh Tiến, ở thôn Liêm Công Đông, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh. Năm 2010, Tiến tốt nghiệp Đại học ngành Tài chính Kế toán, không tìm được việc làm ổn định nên anh trở về quê lập nghiệp.

Tại quê nhà, Tiến cùng cha mẹ phát triển mô hình trồng tiêu kết hợp chăn nuôi. Nhờ hay lam, hay làm lại siêng năng học hỏi, gia đình anh đã biến mảnh đất chết năm nào thành một vườn tiêu  xanh tươi, trĩu hạt. Ngoài trồng tiêu, anh Tiến còn đầu tư nuôi vài chục con bò.

Anh Lê Vĩnh Tiến khoe, từ vườn tiêu hơn 2.500 gốc và trang trại bò, mỗi năm gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng: “Giờ người dân đi đúng hướng là phát triển cây công nghiệp. Cũng mong làm ăn phát triển kinh tế cho gia đình mình, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, đất nước đi lên”.

nhung lang que tru phu ben bo hien luong quang tri hinh 2
Vườn tiêu hơn 2.500 gốc của anh Lê Vĩnh Tiến ở xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh.

Bây giờ, cuộc sống của người dân huyện Vĩnh Linh đã có nhiều thay đổi. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 37 triệu đồng/năm. Đến nay, cả huyện đã có 14/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2020 cả huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị vui mừng khi thấy trên quê hương mình ngày càng có nhiều bạn trẻ biết cách làm giàu: “Đối với dân Vĩnh Linh, sau chiến tranh vô cùng vất vả. Ngoài môi trường sống ra, môi trường sản xuất cũng rất khó khăn. Nhưng nhờ tinh thần cần cù, vượt khó và sáng tạo nên người dân Vĩnh Linh đã vượt khó đi lên. Đặc biệt là thế hệ trẻ cũng đã biết cách làm giàu trên quê hương mình. Nhiều trang trại, nhiều cách làm ăn mới của thanh niên đã đem lại hiệu quả kinh tế cao”.

Đứng trên cầu Hiền Lương lịch sử, nhìn về bờ Nam sông Bến Hải, là thôn Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh. Nơi đây trong chiến tranh dày đặc lô cốt, nồng nặc mùi thuốc súng. Hôm nay, trên mảnh đất này, những ruộng lúa, vườn cao su, hồ tiêu trải một màu xanh ngát; những hồ nuôi tôm mang lại nguồn lợi đáng kể cho người dân.

Ông Trương Chí Trung, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết: “Từ khi hòa bình lập lại, người dân Gio Linh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai hoạt động sản xuất trên những hố bom năm xưa để từ đó mọc lên những vườn cao su xanh ngát, những hồ tôm bội thu đem lại thu nhập đáng kể cho người dân”.

Những ngày này, đi trên cầu Hiền Lương rợp bóng cờ hoa, mọi người không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi  diệu kỳ trên vùng đất chết năm xưa./.

Theo Thanh Hiếu/vov.vn