Những người công giáo giúp nhau làm kinh tế giỏi

Những người công giáo giúp nhau làm kinh tế giỏi
Bà con công giáo huyện Lương Tài, đứng đầu là ông Tằng Văn Huynh, Uỷ viên Ban đoàn kết Công giáo Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Bắc Ninh, đã giúp người dân nơi đây sống tốt đời, đẹp đạo.
2.JPG
Đoàn công tác Hội Nông nghiệp PTNT; Liên minh HTX Bắc Ninh, thăm vườn cà chua của ông Huynh.

Nhờ đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và địa phương, bà con công giáo huyện Lương Tài (Bắc Ninh), đứng đầu là ông Tằng Văn Huynh, Uỷ viên Ban đoàn kết Công giáo Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết (UBĐK) Công giáo Bắc Ninh, đã giúp người dân nơi đây sống tốt đời, đẹp đạo. Đặc biệt là, ông luôn năng nổ, nhiệt tình trong lao động sản xuất, làm giàu cho gia đình và quê hương, theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh.

Người lãnh đạo đủ tâm - tài

Ở Bắc Ninh, ít ai không biết đến ông Tằng Văn Huynh, Uỷ viên Ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Chủ tịch UBĐK Công giáo Bắc Ninh, vì trước hết ông là giáo dân sản xuất giỏi, năng nổ trên vùng đồng chiêm trũng Lương Tài, hàng chục năm về trước.

Ông Huynh cho biết, Lương Tài là huyện trũng nhất của Bắc Ninh, vào năm 1987 - 1988, cả vùng đất rộng lớn ở xã Trung Chính (nơi gia đình ông đang ở ngày nay), chưa có ai canh tác. Chỉ một mình ông ra đây, dựng một túp lều con, trồng cây, nuôi gà, thả cá. Không có ai để học hỏi kinh nghiệm làm VAC, ông sang các huyện Gia Bình, Quế Võ để xem bà con làm như thế nào, và áp dụng vào gia đình mình. Nhờ đó, ông đã biết trồng sen, chăn nuôi lợn, gà và thả cá, trên bờ ao trồng cây ăn quả: đu đủ, mít, hồng xiêm, vải thiều.

Song, do chất đất không phù hợp, chỉ vài năm phải chặt bỏ, thay mít bằng cây nhãn, bưởi Diễn. Rất may, bưởi Diễn ưa đất Lương Tài, vị ngọt đậm, thơm và dễ trồng. Hiện, đại gia đình ông ở khu đồng trũng, có 5 trang trại, ngoài vợ chồng ông, còn có trang trại của 2 con trai và 2 con gái.

Khu vườn của vợ chồng ông rộng 3 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), có 1 ao cá, trên bờ trồng chuối, bưởi Diễn và rau,  củ, quả, đủ cho 2 ông bà sử dụng; vườn, ao cũng là nơi để ông bà lao động, vui tuổi già và rèn luyện sức khoẻ. Các con ở xung quanh, cùng chăm sóc bố mẹ.     

Tuy nhiên, không chỉ chăm lo cho gia đình, vào những năm 1970 - 1972, khi còn là thanh niên, ông đã giúp dân xây dựng, sửa chữa nhà thờ, nhà văn hoá thôn. Xoá bao cấp, người dân nơi đây rất nghèo khó, bà con tin tưởng, giao hết ruộng trũng cho ông, để ông cho đấu thầu, lấy tiền kéo đường điện, đổ đường bê tông. Kết quả, đã đấu thầu được 3ha, đốt gạch, xây dựng trường, trạm cho thôn xóm. Những năm sau, lại tiếp tục cùng bà con phát động phong trào chăn nuôi lợn, gà, làm trang trại, đào ao thả cá như ngày nay.

Đặc biệt, năm  2017, ông được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban ĐKCG Bắc Ninh; năm 2018 là Uỷ viên Ban đoàn kết Công giáo Việt Nam. Mặc dù công việc nhiều và bận rộn, song ông vẫn kết hợp với Liên minh HTX Bắc Ninh, thành lập 17 HTX kiểu mới, thu hút bà con công giáo huyện Lương Tài tham gia.

“Từ năm 2012 đến nay, các thành viên được vay vốn ưu đãi của Quỹ Liên minh HTX Bắc Ninh với lãi suất 5,5%/năm.  Đặc biệt, cũng từ năm 2012 đến nay, Noel năm nào cũng có quà tặng cho nhà thờ, cho các cụ già. Ngoài ra, còn tặng 20 con bò, 7 nhà đại đoàn kết cho huyện Lương Tài; 300 cái chăn ấm; 300 chiếc  xe lăn cho các cụ già trong toàn tỉnh”, ông Huynh chia sẻ

Bà con giáo dân theo gương làm kinh tế

Hợp tác xã VAC Trung Nghĩa (thôn Nghĩa La, xã Trung Chính) thành lập năm 2014 với 7 thành viên. Giám đốc HTX, bà Nguyễn Thị Hoán, cho biết, gia đình bà có 3ha, các thành viên còn lại cũng tương đương như vậy, người thấp nhất  canh tác 1 mẫu. Trang trại của bà chủ  yếu chăn nuôi lợn, gà, cá, và vườn cây ăn quả, cây lấy gỗ, đã được huyện Lương Tài chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi khép kín.

Do đang có dịch nên bà và nhiều thành viên đang nghỉ nuôi lợn. Hiện, diện tích nuôi cá của bà Hoán rộng 4 mẫu (1 mẫu = 3.600m2), bao gồm 3 ao cá trắm, chép. Trong đó,  1 ao cá chép (7 sào); 1 ao cá trắm và 1 ao nuôi cá gối đầu. Bình quân, cá trắm 2 tháng tuổi bán với giá 150.000 đồng/kg; gần 3 tháng tuổi, 200.000 đồng/kg; cá chép 2.000 đồng/con gần 3 tháng tuổi. Cá trắm thương phẩm 50.000 đồng/kg; chép 38.000 – 40.000 đồng/kg. Hiện, cung chưa đủ cầu, do nguồn thịt lợn trong vùng khan hiếm, người dân chuyển sang ăn cá nhiều hơn.                           

Trên  bờ ao trồng bưởi Diễn, 2. 000 cây sưa 2 năm tuổi, 150 cây mít, 100 cây bơ. Chăn nuôi gà Hồ lai 1.000 con/2 lứa/năm, bình quân  3,5 - 4kg/con, giá bán 105.000 đồng/kg; đến kỳ thu hoạch, thương lái Hưng Yên đến thu mua tại nhà.

Để quản lý trang trại 3ha nói trên, bà Hoán phải thuê 1 công nhân, trả lương quanh năm, với mức 4,5 triệu đồng/tháng. Còn lại thuê thời vụ, chủ yếu làm cỏ 3 - 4 người, trả thù lao 150.000 đồng/người/ngày; cắt tỉa cây 300.000 đồng/người/ngày, mỗi năm phải thuê 2 đợt, mỗi đợt 1 tuần.  

“Hiện, Giám đốc HTX có thu nhập trên 400 triệu đồng/năm; các thành viên khác 300 - 350 triệu đồng/năm, người thấp nhất (canh tác 1 mẫu), khoảng 260 triệu đồng/năm. Không thành viên nào của HTX phải lo đầu ra, chỉ chăm lo canh tác, đến kỳ thu hoạch, thương lái đến lấy tại vườn. Các thành viên được Liên minh HTX Bắc Ninh hỗ trợ vay vốn, cùng chia sẻ và giúp nhau kinh nghiệm trong chăn nuôi, sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm.  Trong cuộc sống đời thường, bảo ban nhau sống tốt đời, đẹp đạo”, bà Hoán cho biết thêm.  

Phối hợp của địa phương 

Được biết, Bắc Ninh có 652 HTX, trong đó 523 HTX nông nghiệp, 310 HTX dịch vụ nông nghiệp, 213 HTX chuyên ngành nông nghiệp (tăng 31 HTX so năm 2018). 103 HTX phi nông nghiệp, 26 Quỹ TDND với 93.295  thành viên. Năm 2019, thành lập mới 40 HTX, trong đó có 31 HTX nông nghiệp; 1 Liên hiệp HTX tại huyện Lương Tài, với 18 thành viên và 56 lao động thường xuyên.

Toàn tỉnh có 2.290 thành viên, tăng  242 thành viên so năm 2018; 1.805 lao động làm việc thường xuyên, bình quân có 11 thành viên, 10 lao động/HTX. Trong đó, giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân là những đóng góp tích cực của các HTX; nhất là HTX liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm. 

Tuy nhiên, năm 2019, những HTX chăn nuôi lợn bị dịch tả lợn châu Phi hoành hành, gây thiệt hại nghiêm trọng. Có HTX không còn vốn tái đàn, gặp khó trong thanh quyết toán, trả nợ tín dụng, thức ăn chăn nuôi. Nhiều HTX phải chuyển sang nuôi gia súc, gia cầm. Hiện, các HTX chăn nuôi lợn, vay vốn tại Quỹ hỗ trợ của tỉnh, đã được gia hạn nợ.

Chủ tịch Liên minh HTX Bắc Ninh, ông Đặng Đức Thính, cho biết: “Năm 2019, các HTX dịch vụ nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, do thiên tai, dịch bệnh kéo dài, làm giảm doanh thu, lợi nhuận. Thu nhập bình quân đạt 920 triệu đồng/HTX, giảm 180 triệu đồng so với năm 2018. Lợi nhuận bình quân đạt 146 triệu đồng/HTX nông nghiệp, giảm 10 triệu đồng, so với năm 2018. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 54 triệu đồng/năm”.

Ngoài ra, ông Thính còn cho biết, toàn tỉnh có 26 Quỹ tín dụng /20.619 thành viên, giảm 865 thành viên so năm 2018. Tổng nguồn vốn  của các quỹ đạt 3.112.000 triệu đồng, trong đó vốn huy động 2.614.000 triệu đồng. Vốn chủ sở hữu 194.000 triệu đồng; vốn vay Ngân hàng HTX, các tổ chức tín dụng và vốn khác 34.000 triệu đồng.

Do vấn đề an toàn thực phẩm, năm 2019, nhiều HTX đăng ký sản xuất chuẩn VietGAP như: HTX Nông nghiệp sạch Gia Lương  (Lương Tài); HTX Nông nghiệp tổng hợp Quang Minh; HTX thủy sản Sông Đuống  (Thuận Thành).  Đây là những HTX có sản phẩm thân thiện môi trường, khẳng định vị thế của mình.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh, ông Nguyễn Nhân Chiến, cho biết: “Năm 2020, Tỉnh uỷ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, nhất là các chính sách về phát triển kinh tế. Tuyên truyền trong cán bộ, hội viên, các chủ trang trại, HTX thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, hạ tầng nông thôn giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn Bắc Ninh.

Đặc biệt là Nghị quyết 15 – NQ/TƯ ngày 27/4/2018 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khoá XIX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực HTX và kinh tế hợp tác; phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh”.

Theo ông Chiến, Bắc Ninh là tỉnh công nghiệp, khu vực công nghiệp - xây dựng -  dịch vụ chiếm 97%, nông nghiệp chỉ còn 3%. Song, dân số khu vực này vẫn còn 70%, thanh niên trong độ tuổi lao động có việc làm thuận lợi tại các khu công nghiệp khá nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn một lượng lớn lao động (ngoài 45 tuổi) vẫn sống bằng nông nghiệp. Đáng ghi nhận là, hàng năm bà con đã tạo ra một lượng sản phẩm lớn, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp chung của Bắc Ninh.

Theo Dương An Như/kinhtenongthon.vn