Những người "thích" khổ vì dân: "Thầy cãi" của làng

Những người "thích" khổ vì dân: "Thầy cãi" của làng
Dân làng Đông Sàng, xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) vẫn thường gọi bà Trịnh Thị Thuần (49 tuổi) là “thầy cãi” bởi việc lớn việc nhỏ trong thôn đều không thể lọt qua đôi mắt của bà.
 
Những người thích khổ vì dân: Thầy cãi của làng
Bà Thuần chỉ cho PV vị trí những ngôi mộ giả bị phá dỡ tại nghĩa địa Đồng Mai


Dẹp 71 ngôi mộ giả

Bà Thuần chỉ là một công dân bình thường ở làng cổ Đường Lâm, thế mà bao nhiêu việc làm khuất tất, bao nhiêu ngang trái nảy sinh ở địa phương đều bị bà đưa ra để chính quyền xử lý.

Đầu tiên phải kể đến chiến tích dẹp hơn 70 ngôi mộ giả ở nghĩa địa Đồng Mai (thuộc quản lý của làng Đông Sàng). Từ khi được phong danh làng cổ năm 2005, “cơn lốc” bất động sản ùa về Đường Lâm. Đầu tiên, người ta tranh nhau mua đất ở. Khi đất ở cạn kiệt thì chuyển sang đất nghĩa địa. Khu ruộng ven đê sông Hồng của bà Thuần nằm gần nghĩa địa Đồng Mai.

Năm 2010, đột nhiên bà Thuần thấy xe tải chở vật liệu xây dựng ồ ạt tiến vào nghĩa địa làng. Chỉ trong vòng 1-2 tháng, mấy chục ngôi mộ vô chủ mới toanh mọc lên trên các khu đất trống. Bà Thuần tự hỏi: Quái, đây là nghĩa địa của làng. Trong dân có nhà nào sang cát đâu mà xây mộ?

Bà dạo một vòng nhẩm đếm sơ sơ đã được hơn 70 ngôi mộ vô danh. Năm 2011, bà gửi đơn kiến nghị lên chính quyền thôn Đông Sàng và UBND xã Đường Lâm yêu cầu các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ sự việc.

Ngay sau đó, Đảng uỷ, UBND xã Đường Lâm đã chỉ đạo thôn Đông Sàng kiểm tra và vận động tháo dỡ các mả xây lấn chiếm tại nghĩa địa Đồng Mai. Ngày 19/1/2012, Ban lãnh đạo thôn đã tổ chức phá dỡ, trả lại không gian rộng rãi cho nghĩa địa.

Ông Nguyễn Văn Khải, trưởng thôn Đông Sàng, cho biết: “Từ thông tin bà Thuần cung cấp, đầu năm 2012, chúng tôi đã đi kiểm tra và phát hiện ở khu I có gia đình ông Lê Văn Bính tự ý xây 31 ngôi mộ. Còn tại khu 2, nhiều hộ cũng tự ý xây dựng mà không xin phép chính quyền. Về cơ bản, số mộ trên đã được phá dỡ”.

Mấy năm trở lại đây, xe tải chở hàng hoá, vật liệu xây dựng đi lại trong thôn tấp nập. Đường thì hẹp, hai xe tránh nhau kiểu gì cũng “ăn” bánh vào tấm đan cống thoát nước. Trên địa bàn xóm Phan có một đoạn cống sát mép đường từ cổng nhà ông Quý đến cổng nhà ông Thi bị vỡ nát, mùi thối của rác thải bốc lên nồng nặc.

Từ năm 2008 đến năm 2011, nhiều trẻ em đã ngã xuống, nguy hiểm đến tính mạng. Nhân dân Đông Sàng nhiều lần phản ánh lên chính quyền thôn và xã nhưng vẫn chưa được sửa chữa vì không có kinh phí.

Bà Thuần trực tiếp gặp Chủ tịch UBND xã Phan Văn Hoà đưa ra điều kiện: “Nếu như thôn, xã không có kinh phí sửa chữa đoạn cống ấy thì tôi và nhân dân sẽ tự góp tiền để thi công với một điều kiện: UBND xã phải đồng ý bằng văn bản cho nhân dân xóm tôi tự quản đoạn đường đó và không cho xe tải trọng 5 tấn đi qua”. Thấy bà con có tinh thần tự chủ, ông Hòa ủng hộ cả hai tay.

“Người dân quê giỏi cấy lúa nuôi gà nhưng khoản giao tiếp nhiều khi không biết diễn đạt đầu cuối. Có gì thắc mắc, tôi và mọi người vẫn chia sẻ với bà Thuần. Tại cuộc họp thôn hoặc tiếp xúc cử tri, bà ấy như người phát ngôn của xóm, đứng ra trao đổi với chính quyền để cùng nhau giải quyết các vấn đề bức xúc”, ông Kiều Văn Hùng, hàng xóm của bà Thuần, chia sẻ.

Từ đó, bà Thuần bỏ tiền ra tu sửa đoạn cống và trực tiếp quản lý cả tuyến đường. “Vừa rồi có cái xe lu to đi qua bị lún mất một đoạn đường, tôi bắt cạy lên làm lại. Xe nào va vào dây điện, tôi yêu cầu nối xong cho dân mới được đi. Ai lấn chiếm lòng đường buôn bán tôi dẹp thẳng, rác thải không còn, đường làng sạch sẽ, khác hẳn thời điểm trước”.

Phá “con quỷ” trước lăng Ngô Quyền

Vào ngày lễ Tết, bà Thuần thường đến lăng Ngô Quyền (thôn Cao Lâm) thắp hương cầu nguyện. Đầu xuân 2014, cụ thủ từ của lăng kéo bà Thuần đến trước cửa lăng Ngô Quyền bức xúc: "Chẳng biết người ta trùng tu, tôn tạo di tích kiểu gì mà dựng chềnh ềnh cái bức bình phong to tướng có hình “con quỷ” chắn mặt lăng. Từ trước tới nay, nơi đây làm gì có cái thứ quái đản ấy. Khách đến tham quan họ phản ứng dữ lắm".

Bà Thuần lập tức mua hàng chục đầu báo xem số điện thoại đường dây nóng, rồi liên hệ phản ánh tình hình. Sau khi báo chí lên tiếng, các chuyên gia nghiên cứu lịch sử vào cuộc và lên án mạnh mẽ. Chiều 13/3/2014, đơn vị thi công phải phá dỡ bức bình phong có gắn “quái thú”, trả lại không gian vốn có của lăng.

Việc nhân đức gắng sức làm

Hơn 10 năm qua, ngày ngày bà Thuần vẫn lên chùa bồng bế, lo cơm nước, tắm giặt cho 8 cháu nhỏ bất hạnh được sư trụ trì chùa Mía Thích Đàm Cẩn nhận nuôi đưỡng.

10-34-01_nh-3
Bé Bình Nhi nay đã 12 tuổi

Một sớm cuối thu năm 2002, một bé gái sơ sinh mới được 21 ngày tuổi khóc oe oe trước cổng chùa. Bé chỉ nặng 1,8 kg, da dẻ xanh xao, vàng vọt. Sư trụ trì Thích Đàm Cẩn bế cháu bé vào chùa và đặt tên là Bình Nhi. Hôm sau bé mắc bệnh tiêu chảy, phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện 18 ngày liền.

Thời ấy, chùa neo người, bà Thuần không thể bỏ con thơ, bố mẹ già ngày này qua ngày khác để đi chăm Bình Nhi được nên xin phép gia đình và nhà chùa được làm mẹ đỡ đầu của bé để có điều kiện chăm sóc bé tại nhà.

Thiếu sữa cho con uống, bà Thuần thấy trong làng có sản phụ nào mới sinh con là đến xin sữa. Thấm thoắt đã 12 năm trôi qua, Bình Nhi giờ đã học lớp 6, khuôn mặt xinh như hoa và thông minh học giỏi.

Bà Thuần bảo: “Người giàu bận rộn, họ thường góp tiền làm từ thiện. Tôi chỉ là một người dân quê, chẳng có của nả thì lấy công góp đức”.

Theo: nongnghiep.vn