Những “nữ tướng” tài giỏi

Những “nữ tướng” tài giỏi
TP.HCM có một đặc điểm mà ít địa phương nào có là có rất nhiều “nữ tướng” trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Với những lợi thế của phái đẹp, họ đã góp phần không nhỏ vào thành công chung của TP.HCM trong Chương trình xây dựng NTM.

Người con của nhân dân

Về xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) hỏi thăm đường đến UBND xã thì 2 người chỉ đường cho tôi đều nhắc tên một người: “UBND xã chỗ cô Oanh làm Chủ tịch đó hả?... Mà quên, cổ thăng chức lên huyện làm trưởng phòng kinh tế hơn tháng nay rồi? Kiếm cổ có việc gì hôn?” – một bác xe ôm ân cần hỏi. “Ủa bác biết chị Oanh à?” – tôi hỏi lại. “Trời nó ở đây mà ai không biết. Người địa phương mà, thương dân lắm”.

“Người địa phương mà, thương dân lắm”. Quả thật 7 chữ ấy đã vẽ nên một chân dung khá hoàn chỉnh về người nữ chủ tịch xã một thời của Nhơn Đức, chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh (sinh năm 1976). Sinh ra và lớn lên ngay tại mảnh đất này, từng ngõ ngách, từng gia đình có hoàn cảnh như thế nào chị đều nắm rõ. Như hộ bà Phạm Thị Hùm ở ấp 3, tuổi đã trên 70 mà hàng ngày phải đi bán hàng rong nuôi 2 đứa cháu nội. Hay hộ của 2 ông bà Mai Văn Cảnh ở ấp 5, hộ neo đơn chỉ có 2 ông bà trên 80 tuổi ở trong căn nhà lá xiêu vẹo không người chăm sóc,… Những hình ảnh ấy đã đập vào trí óc lúc chị còn nhỏ đến lúc lớn lên cứ canh cánh mãi trong lòng. Đến khi giữ chức phó chủ tịch (năm 2004) rồi chủ tịch xã (năm 2010), chị Oanh ra sức vận động Mạnh Thường Quân, các quỹ cứu trợ xã hội xây nhà tình thương tặng các cụ. Không những thế, chị còn vận động cán bộ nhân viên trong xã, bớt vài ngày lương của mình để góp tiền hàng tháng trợ cấp cho hơn 50 lượt hộ gia đình nghèo, người già neo đơn như thế với số tiền từ 400.000 – 1.000.000 đồng/hộ để phụ họ trang trải cuộc sống hàng ngày.

Với những hộ nghèo khác có lao động, chị giới thiệu vào làm trong các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn huyện. Hoặc tạo điều kiện cho vay vốn mua máy may, máy xe nhang để kiếm kế sinh nhai tại nhà. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm nhanh chóng. Nếu trước năm 2009 khi chưa làm NTM, GDP trên đầu người ở xã chỉ đạt có 15 triệu đồng thì nay đã hơn 38 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo từ 16,5% năm 2009 giảm còn hơn 4%.

Là nữ nhưng chị Oanh chưa nề hà bất cứ chuyện gì. Khi trong xã có xảy ra vấn đề, biến cố gì như sạt lở đê, cháy nhà, giết người, cướp của… dù là 1 – 2 giờ sáng, chị vẫn ra trực chiến tại hiện trường để kịp thời chỉ đạo giải quyết. Trong xây dựng NTM, khi phải đi vận động bà con hiến đất làm đường, đi một lần không gặp, chị đi lần 2, 3. Ban ngày gặp mặt không được, chiều chị quay lại chờ đến tận 10 giờ tối khi họ đi làm về gặp bằng được mới thôi.

Dịu dàng nhưng đầy quyết đoán

Không như cánh mày râu ào ào, là nữ nên các chị có nhiều lợi thế với sự dịu dàng, kiên nhẫn, cởi mở, thân tình, tỷ tê tâm sự nhưng không kém phần quyết đoán, do đó trong công tác dân vận, thuyết phục người dân hiến đất làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng cho NTM gặp nhiều thuận lợi hơn.

“Thành quả tôi tự hào nhất trong xây dựng NTM khi còn ở cương vị chủ tịch xã Nhơn Đức là có được sự đồng thuận, ủng hộ, hỗ trợ nhiệt tình của người dân và các anh em đồng chí trong ủy ban cũng như các ban ngành khác. Nhờ đó đã mở rộng được thuận lợi 21 tuyến đường hẻm từ 3 lên 6m, 1 tuyến đường liên xã, nâng cấp 2 trường tiểu học lên đạt chuẩn quốc gia, xây mới 1 trường mầm non có sức chứa 800 trẻ, xây dựng trung tâm văn hóa xã...” – chị Oanh cho hay.

Còn với chị Đỗ Thị Lâm Tuyền - Chủ tịch UBND xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn thì với một xã đô thị mới, không chỉ thành công trong công tác dân vận, đền bù giải tỏa, xây dựng giao thông, cơ sở hạ tầng, điều khiến chị tự hào là về tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM. Cùng với xã, chị đã vận động được trên 90% hộ dân tham gia thu gom rác dân lập, thành lập được 1 HTX thu gom rác. Bên cạnh đó xã cũng vận động các hộ chăn nuôi xây dựng các hầm biogas, các bể chứa nước thải để bảo vệ môi trường. Đến nay có khoảng ½ số hộ chăn nuôi đã xây dựng các hầm biogas, các hầm chứa nước thải. Số hộ còn lại cũng cam kết thực hiện các biện pháp không để chất thải chăn nuôi thải ra môi trường.

Trao đổi với chúng tôi, chị Tuyền cho rằng cần phải có sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của người dân thì mới đạt được kết quả tốt trong xây dựng NTM. Nhờ đó nhiều công trình đã hoàn thành trước tiến độ. Đặc biệt cho đến nay các công trình do xã làm chủ đầu tư chưa có trường hợp nào người dân kiện cáo hay khiếu nại. Đó được xem là sự thành công trong công tác dân vận tại xã.

  TP.HCM còn rất nhiều “nữ tướng” có tiếng trong xây dựng NTM, như chị Nguyễn Thị Kim Dung - Bí thư của huyện Cần Giờ; chị Văn Thị Bạch Tuyết - Bí thư kiêm Chủ tịch của huyện Hóc Môn; chị Trần Thị Kim Anh của huyện Bình Chánh (trước là Chủ tịch xã Bình Chánh vừa lên làm Chánh văn phòng Huyện ủy); chị Đoàn Thị Ngọc Cẩm từng là Chủ tịch xã An Thới Đông vừa lên chức Phó Chủ tịch huyện Cần Giờ; chị Nguyễn Bắc Sinh- Chủ tịch xã Trung Lập Hạ, chị Võ Thị Hiên - Chủ tịch xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi)…
 
Theo Danviet.vn