Những tấm gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới
- Thứ sáu - 21/11/2014 01:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nói đến tấm gương điển hình trong việc hiến đất để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới phải kể đến hộ ông Lê Hải Thanh, dân tộc Dao, thôn Đá Bàn 1, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn). Gia đình ông đã hiến trên 600 m2 đất để làm nhà văn hóa thôn và trên 200 m2 đất để xây dựng đường bê tông nông thôn. Nói về việc hiến đất của gia đình, ông Lê Hải Thanh bảo, ông cũng như bao người dân ở đây đều mong muốn có nhà văn hóa để tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, để bà con có nơi hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao khang trang, sạch đẹp. Trước đây, đường ở đây vất vả lắm. Nếu trời mưa thì chỉ có cách là ngồi trong nhà chứ ra khỏi nhà thì cũng khó có thể làm được việc gì bởi đường trơn, độ dốc cao, khá nguy hiểm cho người và phương tiện đi lại. Ông Tướng Văn Vi, Bí thư Chi bộ thôn Đá Bàn 1, xã Mỹ Bằng nói thêm, chủ trương làm nhà văn hóa sau khi được triển khai đều được bà con trong thôn đồng loạt hưởng ứng. Tuy nhiên, khó khăn hơn cả là việc tìm quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa. Chia sẻ khó khăn với bà con, gia đình ông Lê Hải Thanh đã tình nguyện hiến đất. Hành động này khiến bà con trong thôn hết sức cảm kích nên bà con nhanh chóng đóng góp tiền, ngày công để làm nhà văn hóa. Đến nay, nhà văn hóa thôn Đá Bàn 1 với kiểu dáng nhà sàn đã cơ bản hoàn thành.
Trong phong trào làm đường bê tông đã xuất hiện nhiều tấm gương dân tộc thiểu số điển hình trong việc hiến đất, làm đường như hộ ông Ma Văn Khuynh, dân tộc Tày, thôn Phai Tre B, xã Lăng Can (Lâm Bình) hiến trên 200 m2 đất; hộ bà Nông Thị Tháy, dân tộc Tày, thôn Nà Vai, xã Năng Khả (Nà Hang) hiến trên 250 m2 đất... Việc đóng góp sức người, sức của của đồng bào dân tộc thiểu số đã thúc đẩy phong trào làm đường bê tông đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến nay, nhiều xã trong tỉnh đã vượt kế hoạch làm đường bê tông như Mỹ Bằng, Hoàng Khai (Yên Sơn), An Khang (thành phố Tuyên Quang), Thái Hòa (Hàm Yên)...
Nhiều người, với cương vị là người đứng đầu các xã, thị trấn đã làm tốt vai trò vận động đồng bào dân tộc thiểu số chung sức xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu là ông Ma Hoa Tàm, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu (Hàm Yên) tích cực vận động nhân dân xây dựng vùng cam sành hàng hóa, có giá trị kinh tế cao. Ông Ma Hoa Tàm cho biết, Phù Lưu có 2.123 hộ gồm 8 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 86%. Đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào còn nhiều khó khăn. Với trách nhiệm là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, ông cùng với tập thể Đảng ủy, UBND xã xác định việc phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhân dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo làm giàu chính đáng trên cơ sở phát huy thế mạnh của địa phương là nhiệm vụ chính yếu. Nhận thấy cây cam là cây trồng chủ lực, hứa hẹn sẽ đem lại sự đổi thay cho diện mạo kinh tế của địa phương nên bản thân ông cùng chính quyền xã đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng đặc biệt tập trung vào phát triển cây cam sành. Đến nay, xã Phù Lưu đã có hơn 1.000 hộ trồng cam, với diện tích trên 1.600 ha, sản lượng trung bình hằng năm đạt 15.700 tấn. Năm 2013, tổng thu nhập từ cam của xã đạt gần 1.100 tỷ đồng, nhiều hộ thu nhập 1 - 2 tỷ đồng/năm. Và nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu từ cây cam như hộ gia đình ông Hoàng Văn Việt, dân tộc Tày, thôn Mường; ông Ma Văn Hải, dân tộc Tày, thôn Mường; ông Ma Văn Tài dân tộc Tày, thôn Mường; ông Triệu Văn Cầu, dân tộc Dao, thôn Táu… Tỷ lệ hộ nghèo từ đầu nhiệm kỳ năm 2011 là 39,9% đến nay đã giảm xuống còn 18,45%.
Sự chung sức, đồng lòng của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đã góp phần thực hiện các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới. Đến nay toàn tỉnh có 15/129 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên; có 95/129 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, có 19/129 xã đạt 5 tiêu chí; phấn đấu đến hết năm 2014 toàn tỉnh có 3 xã đạt 19/19 tiêu chí.
Bài, ảnh: Hải Yến
Theo: baotuyenquang.com.vn