Những vùng quê đáng sống hiện nay
- Thứ sáu - 02/09/2016 22:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hà Nội đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều các vùng quê đáng sống. Ở đó có hạ tầng khang trang, không gian thoáng mát, trong lành và rất giàu tình làng nghĩa xóm…
Không gian làng quê xã Hoa Sơn (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Thái Hiền |
Hà Nội vừa tiến hành đợt đánh giá, chấm điểm các địa phương đạt chuẩn NTM đầu tiên trong năm 2015. Theo đoàn công tác qua các ngả đường, từng ngõ xóm, thăm những gia đình nông dân các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh… cảm nhận đầu tiên là diện mạo nông thôn đổi mới với những gam màu sáng. Đến xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, hình ảnh đáng nhớ nhất là “con đầm” uốn lượn từ đầu đến cuối làng rộng hàng chục hécta, được kè bờ, có lan can bảo vệ.Chiều oi ả, người lớn, trẻ em ào xuống đầm vùng vẫy. Không gian làng quê êm đềm, thơ mộng, phong quang đẹp ngỡ ngàng trong cảm giác vừa quen, vừa lạ. Có người trong đoàn công tác nhận xét: Đây đúng là vùng quê đáng sống! Chủ tịch UBND xã Lại Yên – Lê Văn Hường cho biết: Cách đây hơn 20 năm (năm 1992), bằng nguồn vốn ngân sách xã và nhân dân đóng góp đã bê tông hóa được toàn bộ đường làng, ngõ xóm. 20 năm rồi mà những tuyến đường này vẫn còn rất chắc chắn, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. “Xây dựng NTM, không phải cứ đập đi xây lại cho mới. Quan điểm của xã là giữ lại tất cả vẻ đẹp vốn có của làng quê như bờ ao, bến nước, sân đình và cả những ngôi nhà mái ngói mộc mạc”. Ông Hường nói.
Người dân Lại Yên rất năng động với những mô hình phát triển kinh tế. Là xã ven đô, đất nông nghiệp không nhiều, chỉ còn trên 100ha. Tuy xen kẹt nhưng xã vẫn chỉ đạo bà con gieo cấy hết 100% diện tích, xây dựng kế hoạch cho từng vùng, từng thời vụ với mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, nuôi cá chuối sinh học, nuôi gà lai Đông Tảo. Ruộng ít, bà con phát triển mạnh ngành nghề. Thanh niên được học hành, thoát ly nông nghiệp. Trên địa bàn có 245 hộ sản xuất kinh doanh; 40 công ty, doanh nghiệp. Năm vừa qua, giá trị sản xuất CNXD – DVTM của xã đạt 237 tỷ đồng, chiếm 86% cơ cấu giá trị sản xuất. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của đạt gần 30 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 1%. Xã Lại Yên là một trong rất nhiều “vùng quê đáng sống” trên địa bàn thành phố.
Tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, ngoài khu vui chơi của cả thôn, mỗi xóm lại có một khu vui chơi riêng được xây dựng bởi 100% vốn xã hội hóa. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Bí thư Chi bộ thôn Ngọc Chi khẳng định: Dù cơ chế thị trường, đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ nhưng tình làng nghĩa xóm vẫn rất đậm đà, người dân sống “tối lửa, tắt đèn” có nhau. Nhiều người, kể cả người trẻ trong thôn học hành thành đạt, làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong nội đô nhưng vẫn nhất quyết không chịu mua nhà sinh sống nơi phố thị. Đó cũng là bởi cơ sở hạ tầng ở nông thôn rất tốt, lại ấm áp, thanh bình…
Nhiều vùng nông thôn đã và đang xây dựng kế hoạch cho từng khu vực, từng thời vụ nên đã có những đổi thay rõ rệt. Ảnh: bảo lâm |
Thay đổi được nếp nghĩ của người dân, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nông thôn cũng là vấn đề hết sức quan trọng trong xây dựng NTM. Nhiều hủ tục nặng nề, những đám cưới làm cỗ linh đình, ăn uống kéo dài vài ba ngày; những đám tang khi người vừa nằm xuống, tang gia còn rối bời đã phải lo gà, lợn, rượu để làm cỗ… tưởng như đã ăn sâu bám rễ bền chặt ở các làng quê Việt Nam sẽ chẳng bao giờ thay đổi được, vậy mà gần 4 năm triển khai xây dựng NTM, những tập tục rườm rà, lạc hậu đã được đẩy lùi. Cách đây vài năm, mỗi khi nhắc đến xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây người ta thường nghĩ đến mấy “cái nhất” là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, tổ chức đám tang linh đình nhất, có nhiều đơn thư vượt cấp nhất… Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Sơn Đông chỉ có 2/19 tiêu chí đạt chuẩn.Đây cũng là xã được phê duyệt đề án xây dựng NTM muộn nhất thành phố, đúng vào thời điểm nền kinh tế suy thoái nặng nề, nên khi thực hiện xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, bộ mặt làng quê Sơn Đông đã thay đổi rõ nét. Những “cái nhất” trước đây cơ bản được đẩy lùi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi được đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Người dân đã thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 02 tại một số huyện như Phú Xuyên, Đan Phượng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn của huyện hoàn thành đề án xây dựng Quy ước xã NTM, xin ý kiến cơ quan chức năng của thành phố trước khi triển khai. Nhiều xã đã làm tốt công tác vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, đám cưới, lễ hội, đẩy lùi tệ nạn rượu chè, cờ bạc, mại dâm… như: Liên Hà (Đông Anh), Yên Sở (Hoài Đức). Hiện nay hầu hết đám cưới được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ theo đúng tinh thần Chỉ thị 11 của Thành ủy; 75-85% người quá cố được đưa đi hỏa táng, hầu hết đám tang không tổ chức ăn uống linh đình…
Những vùng nông thôn đã và đang khoác trên mình tấm áo mới với những đổi thay rõ rệt. Điều đáng phấn khởi là NTM không chỉ có nhà cửa, đường sá, công trình mới mà điều quan trọng là có con người mới, suy nghĩ mới, cách thức sản xuất mới, cung cách ứng xử mới, tầm nhìn mới và lối sống mới. Đây mới là mục tiêu xây dựng NTM ở nước ta. Sẽ chẳng thể nào kể hết những đổi thay của làng quê trong đó có sự góp sức của chính những người nông dân, chủ thể xây dựng NTM. Vẫn còn không ít khó khăn, thách thức nhưng mô hình NTM đã và đang hiện hữu ngày một nhiều ở các vùng quê. Nó bắt đầu từ những thứ giản đơn như công tác vệ sinh môi trường, phong trào khuyến học, phong trào thể dục thể thao… đến những điều lớn lao hơn như nông thôn phát triển có quy hoạch và theo quy hoạch, có hạ tầng khang trang với điện, đường, trường, trạm đạt chuẩn… Điều đó cho thấy một nông thôn thay áo mới.
Theo hanoimoi.com.vn