Niềm tự hào của nông dân Nà Ớt

Niềm tự hào của nông dân Nà Ớt
Đó là nhận xét của ông Hoàng Mạnh Phúc - Bí thư Đảng ủy xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn (Sơn La) về lão nông Lù A Dạng – một cán bộ hưu không chỉ giỏi xóa nghèo mà còn là trụ cột của tinh thần đoàn kết, dìu nhau cùng tiến của người Mông ở xã Nà Ớt.

Một con người năng nổ, đi đầu

Lão Dạng thật ra cũng không nhớ rõ tuổi của mình. Bởi trước khi biết đọc, biết viết thành thạo tiếng phổ thông thì tuổi của lão chỉ được đếm trên những vết chém cột nhà. Mỗi năm mới, bố của lão vẫn dùng con dao mèo to bản khắc thêm một vết chém lên đó. “Nhưng người Mông trước đây hay di cư nên những vết chém trên cái cột nhà khắc tuổi ấy cũng không còn chính xác. Nhà tôi cũng di cư từ huyện Bắc Yên sang đây đầu những năm 70 vừa qua. Bây giờ tuổi của tôi được xác định trên sổ bảo hiểm xã hội sau 37 năm công tác là sinh năm 1952. Đây là cái tết đầu tiên tôi nghỉ làm cán bộ xã đấy” – lão Dạng bảo vậy.

 

Vườn cà phê của lão nông Lù A Dạng luôn xanh tốt và cho trái nhiều nhất so với những hộ khác trong vùng. 
Vốn là người thông minh, năng nổ, nhiệt huyết với công việc xã hội nên tham gia cán bộ xã, bản một thời gian thì lão Dạng thành cán bộ chủ chốt của xã, sau đó chuyển sang làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Nà Ớt cho đến ngày nghỉ hưu. “Làm Chủ tịch Mặt trận không dễ đâu. Bà con vùng cao có nhiều dân tộc, hiểu biết lại hạn chế nên nhiều mâu thuẫn lắm. Mâu thuẫn của mỗi bản thân, trong gia đình, trong dòng họ, ngoài dòng họ, bản này với bản khác… Nếu cán bộ Mặt trận không nhiệt tình thì không đến được với dân, không giỏi thì đến với dân cũng không giúp dân được. Mình làm mãi rồi thành quen, bà con quý lắm”.

Cái sự thông minh, năng nổ, nhiệt tình và xông xáo, nói tiếng phổ thông thành thạo và biết việc của lão Dạng có khi lại gây cho lão những khó khăn. Ngoài việc được tín nhiệm cử đi “làm một số nhiệm vụ quan trọng ở những bản đặc biệt khó khăn” thì ngay trong nhà lão với gần 100 bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành cũng có những sự chưa công bằng với lão Dạng. Đấy là khi viết tên lão trên những bằng khen, giấy khen này, một số cán bộ cứ ước chừng tên tuổi lão trên cơ sở khả năng hoạt động, có thể là người Kinh, người Thái, người Mường (những dân tộc có sự tham gia chính quyền nhiều nhất ở vùng cao Sơn La trước đây) để ghi vào. Vì thế lão Dạng có cả họ Nguyễn, họ Lò, họ Vừ… trên những bằng khen, giấy khen, hay chứng nhận người cao tuổi đang được treo trang trọng trong nhà.

Ngay trong những ngày còn làm cán bộ xã, lão Dạng đã chứng tỏ năng lực đa dạng của mình. Ngoài việc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao, lão còn tổ chức tốt những hoạt động sản xuất của gia đình mình và những người xung quanh để đảm bảo cuộc sống tốt nhất. Chỉ vào vườn cà phê xanh mướt quanh nhà, lão Dạng bảo: “Lụng Cuông là bản vùng cao, lạnh lắm nên việc nuôi con gì, trồng cây gì cho thu nhập cao cũng không dễ đâu. Để có hơn 1ha cà phê này, tôi cũng phải tìm tòi, thử nghiệm mãi đấy. Ngay như mấy chục con gà, con lợn giống mới này cũng phải học nhiều, trả giá rồi nên mới thành công. Bây giờ thì nhiều người Mông ở đây đang làm theo tôi rồi”.

Người dân các xã lân cận biết đến lão Dạng không chỉ bởi lão làm cán bộ xã lâu năm, hay ngôi nhà của lão nằm ngay bên đường liên xã, mà cái chính là bởi lão làm ăn giỏi. Khi dân ở đây chỉ biết loay hoay kiếm rau rừng thì lão Dạng đã mua lưới quây đất sau nhà làm thành một vườn rau xanh tốt. Khi nhiều người lúng túng với cây lúa nương năng suất thấp thì lão đã hướng dẫn vợ, con trồng xen cây ý dĩ, bớt lúa nương để lấy đất trồng cà phê và cây ăn quả. Mùa đông đến, ở bản vùng cao này, nhà ai giỏi lắm mới giữ được 1-2 con gà già để mổ tết, nhưng lão Dạng vẫn có cả trăm con, bởi lão biết quây chuồng tránh rét cho gia súc, gia cầm; biết lấy hơi lửa để sưởi ấm cho vật nuôi… Chính nhờ vậy nên kinh tế nhà lão luôn thuộc hàng khá giả, sắm được nhiều xe máy, tivi, máy chế biến thức ăn gia súc, máy xay xát lương thực…

“Một cây tốt lỏi thì không nên rừng đâu”

Đó là tâm sự của lão Dạng khi nói về việc giúp đỡ những người khác trong bản, trong xã cùng xóa nghèo, làm giàu. Thấy lão cứ sểnh việc nhà là đi giúp đỡ hộ khác cách làm ăn, cho người này con vật nuôi, người kia ít con giống; vợ con lão thắc mắc, lão bảo: “Người ta sống với nhau trên một mảnh đất như nhiều cái cây sống trên một vạt rừng. Nếu chỉ mình mình lớn khôn sẽ chẳng thành rừng đâu”. Hiểu chuyện, vợ con lão cũng hợp tác cùng lão để giúp đỡ mọi người xóa nghèo.

 

Quan điểm
 
Lão nông Lù A Dạng
  Người ta sống với nhau trên một mảnh đất như nhiều cái cây sống trên một vạt rừng. Nếu chỉ mình mình lớn khôn thì sẽ chẳng thành rừng đâu”.  
Cùng trạc tuổi lão Dạng, nhưng ông Vàng A Vơ ở bản Lụng Cuông có cuộc sống nhiều khó khăn hơn. Nói về lão Dạng, ông Vơ kể: Những lúc làm ăn phát đạt nhất, lão Dạng từng có tới hơn 50 con trâu, bò; gần 100 con dê và nhiều gia súc, gia cầm khác. Thóc lúa trong nhà lão ấy luôn đủ ăn và sẵn sàng sẻ chia giúp những hộ khó khăn khi giáp hạt. Dân ở mấy bản quanh đây, khó khăn gì là cứ tìm đến nhà lão ấy để vay, mượn, học hỏi. Lão ấy không tiếc công sức, thời gian để giúp người khác đâu. Vì thế nhà lão ấy chẳng mấy khi vắng bóng khách. Những cách làm ăn hay, có hiệu quả cao ở vùng này đều là học theo cách làm của lão Dạng. Vì thế nhiều năm liên tục lão ấy là nông dân giỏi của xã, của huyện, của tỉnh. Nhưng lão ấy còn giỏi cả việc hòa giải những mâu thuẫn gia đình, dòng tộc và các hộ dân trong và ngoài bản.

 

“Vì thế lâu nay ở Lụng Cuông này không còn tranh chấp đất đai, tảo hôn cũng chấm dứt, người nghiện hút không còn phát triển mới… Dân bản nhiều người được hưởng cái tốt từ lão Dạng đấy” – ông Vơ nhận định.

Kiều Thiện 
Theo danviet.vn