Ninh Bình: Những bức đi vững chắc trong xây dựng nông thôn mới

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cùng với những chủ trương, nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, Ninh Bình đang tạo nên những bước đi vững chắc trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu sự phát triển trong giai đoạn mới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Thành phố Tâm Điệp đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2017

Vùng quê chuyển mình

Những năm qua, nhờ có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhiều vùng quê ở Ninh Bình như Yên Khánh, Kim Sơn, Tam Điệp.. đã có nhiều con đường bê tông hóa khang trang, trải dài nối liền các thôn xóm. Đi trên con đường làng mới đổ bê tông rộng thênh thang, ông Phạm Văn Thí (xóm 13, xã Khánh Thành, Yên Khánh) hồ hởi: “Xây dựng NTM thực sự là một chương trình hay. NTM đã mang lại cho quê hương chúng tôi nhiều đổi thay tích cực, đời sống người dân không còn vất vả như trước nữa; cơ sở hạ tầng được đầu tư với trường học mới, sân chơi thể thao và những trạm y tế chất lượng... không ngoài mục đích phục vụ cho chính người dân nên chúng tôi ủng hộ tuyệt đối”.

Cùng chung niềm vui, ông Nguyễn Văn Liêm (xã Khánh Tiên, Yên Khánh) hồ hởi: Được hỗ trợ vốn để sản xuất từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, gia đình ông cùng 6 hộ khác đã bàn bạc và quyết định chuyển đổi 14ha trồng lúa sang nuôi cá trắm đen. Tuy khoản đầu tư ban đầu khá lớn, song thu nhập lại cao hơn rất nhiều. Năm 2016, doanh thu từ bán cá của gia đình đạt gần 500 triệu đồng, gấp 40 lần so với trồng lúa. Giờ đây gia đình ông đã có cuộc sống sung túc, không còn cảnh lo từng bữa cơm như trước.

Trao đổi về quá trình triển khai xây dựng NTM, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh Đinh Văn Vọng cho biết, một trong những thành công lớn nhất trong xây dựng NTM của huyện chính là sự đồng thuận của người dân. Nhớ lại ngày đầu khi thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn, do mới triển khai nên gặp không ít khó khăn. Huyện xác định, người dân là chủ thể trong xây dựng NTM. Theo đó, các tuyến đường khi triển khai đều được lập dự toán công khai, đưa ra bàn bạc trước dân và người dân được tham gia giám sát. Huyện cũng làm điểm một số tuyến đường để bà con thấy được hiệu quả từ việc thực hiện nghiêm quy chế dân chủ trong xây dựng NTM. Qua đó, phong trào hiến đất làm đường nông thôn được lan tỏa trên toàn huyện.

Đua nhau về đích nông thôn mới

Sau 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngày 17/12, Thành phố Tam Điệp là đơn vị cấp huyện thứ 43 của cả nước và là Thành phố đầu tiên của khu vực miền Bắc được Thủ tướng Chính phủ công nhận đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2017. Thành công này đánh dấu một bước phát triển mới, là tiền đề, cơ sở cho sự phát triển của thành phố trong tương lai. 

 Được đánh giá là tỉnh trong Top đầu toàn quốc trong phong trào xây dựng nông thôn mới, với 2 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Hoa Lư  và TP. Tam Điệp). Tiếp tục thành công này, trong năm 2018, Ninh Bình phần đấu có thêm 10 xã và huyện Yên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 17,5 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 9 tiêu chí; tiếp tục tập trung nguồn lực và chỉ đạo 7 xã đăng ký kiểu mẫu (mỗi huyện 01 xã) đạt kết quả để tổng kết nhân diện rộng

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối XD NTM tỉnh, năm 2017, toàn tỉnh có 20 xã đăng ký về đích nông thôn mới. Đợt 1, Ban chỉ đạo XD NTM tỉnh đã xét duyệt và công nhận cho 4 xã là: Khánh Thịnh, Yên Lâm (Yên Mô); Yên Sơn, Đông Sơn (TP Tam Điệp). Đợt 2, Ban chỉ đạo xét duyệt cho 16 xã gồm: Văn Hải, Lưu Phương, Hùng Tiến, Kim Chính (Kim Sơn); Khánh Vân, Khánh Lợi, Khánh Công, Khánh Tiên (Yên Khánh); Gia Hòa, Gia Thịnh, Gia Vượng, Gia Phong (Gia Viễn); Đức Long, Gia Tường, Gia Sơn, Xích Thổ (Nho Quan).

"Qua thẩm tra xác nhận của các ngành chức năng của tỉnh, đến nay về cơ bản cả 16 xã đều đã đạt 20/20 tiêu chí (1 tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia và 1 tiêu chí của tỉnh về sự hài lòng của người dân). Các xã trên đã huy động được 3.609 tỷ đồng vào thực hiện Chương trình XD NTM, trong đó: Vốn ngân sách 740,2 tỷ đồng, tín dụng 1.088,2 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 310,3 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp 1.467,6 tỷ đồng (có 1.235,1 tỷ đồng nhân dân tự bỏ vốn chỉnh trang nhà cửa, công trình gia đình)"- báo cáo nhấn mạnh 

 

NGUYỄN THU HUẾ/baodansinh.vn