Ninh Bình sau 5 năm thực hiện nghị quyết về “tam nông”
- Thứ hai - 05/08/2013 03:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hiện đại hóa nông nghiệp
Muốn nâng cao vị thế của nông dân và thay đổi diện mạo nông thôn thì trước tiên phải có động lực phát triển kinh tế. Ở đây, động lực của kinh tế nông thôn chính là nông nghiệp. Xuất phát từ nhận định trên, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành nhiều Chương trình hành động và các Nghị quyết chuyên đề như: Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển vụ đông, Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển trồng, chế biến cói, thêu ren; Nghị quyết về dạy nghề cho lao động nông thôn... Trên cơ sở đó, các cấp, ngành đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể nhằm xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.
Khái quát những thành tích nổi bật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà tỉnh đã đạt được trong 5 năm qua, ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình, cho biết: “Hiện 100% xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đợt I, và đang triển khai đợt II. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản có nhiều bước tiến mới cả về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Trình độ thâm canh của nông dân ngày càng nâng cao; diện tích, năng suất, chất lượng sản phẩm đều tăng; an ninh lương thực được đảm bảo”.
Những thành tích mà ông Thành đề cập ở trên được Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình Trần Văn Bách, minh chứng bằng những con số cụ thể: năm 2012, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 60,4 tạ/ha. Sản lượng lương thực có hạt đạt 51,1 vạn tấn (tăng 2 vạn tấn so với năm 2008). Đã hình thành được một số vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá nông nghiệp như vùng rau an toàn ở thành phố Ninh Bình; vùng lúa chất lượng cao ở Yên Khánh; vùng cây ăn quả ở Tam Điệp, Nho Quan…
Người dân tích cực tham gia xây dựng giao thông nông thôn
“Các dự án sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao, mô hình Cánh đồng mẫu lớn, liên kết 4 nhà bước đầu có hiệu quả. Diện tích lúa chất lượng cao tăng dần (năm 2012 là 42%) đã góp phần tăng giá trị trên một ha canh tác (năm 2012 là 86 triệu/ha cao hơn so với năm 2008 là 31 triệu đồng)”, ông Bách cho biết.
Cùng với sự phát triển của trồng trọt, nhờ những nỗ lực đưa con giống mới vào sản xuất, cơ cấu vật nuôi đang chuyển dịch theo hướng phát triển mạnh con nuôi có giá trị cao và con nuôi đặc sản. Nâng giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2012 cao hơn năm 2008 là 23,7%. Cơ cấu giá trị chăn nuôi năm 2012 chiếm 32%. Thủy sản phát triển nhanh cả về nuôi trồng và đánh bắt, cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Bước đầu khai thác hiệu quả vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn bằng nuôi tôm sú, cua, ngao…
Vị thế của nông dân được nâng cao
Bàn về vị thế của giai cấp nông dân trong xã hội hiện đại, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Thành ghi nhận: “5 năm qua, phong trào nông dân của tỉnh tiếp tục có bước phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới. Hội Nông dân phát huy vai trò là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng NTM; có nhiều đề xuất trong xây dựng chính sách; góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập; giữ vững vai trò nòng cốt trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội”.
Để người nông dân giữ vững được vị thế này, phải kể đến những kết quả đáng tự hào của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong những năm qua. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã tập trung dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Hằng năm tổ chức dạy nghề cho trên 17.000 người (trong đó lao động nông thôn khoảng 10.000 người); nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 20% năm 2008 lên 34% năm 2012. Tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 75%. Mỗi năm tạo việc làm mới cho trên 18.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động gần 1.000 người.
Đời sống của cư dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Thu nhập của người dân nông thôn từ sản xuất nông nghiệp chiếm 59,3%, tăng từ 10 triệu đồng năm 2008 lên trên 19 triệu đồng/người năm 2012. Tỉ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 17% (năm 2008) xuống còn khoảng 7% năm 2013. Trong đó, tỉ lệ nghèo ở nông thôn từ 28% giảm xuống còn khoảng 13% năm 2013. Có gần 50% số nhà ở nông thôn đạt chuẩn, tăng 15% so với năm 2008.
Nông thôn chuyển biến tích cực
Sau 3 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng nông thôn của tỉnh đã có những thay đổi rõ rệt, mang lại những chuyển biến cực trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Để làm được điều này, trước tiên tỉnh đã chọn 31 xã điểm (trên tổng số 119 xã) để tập trung chỉ đạo hoàn thành 19 tiêu chí vào năm 2015.
Ông Bách nhận xét: Chương trình xây dựng NTM được tập trung thực hiện quyết liệt, có những cách làm sáng tạo, hiệu quả, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đã hình thành được mô hình NTM nói chung và cụ thể ở các xã điểm phù hợp với đặc điểm các vùng sinh thái.
“Bước đầu việc tổ chức thực hiện còn lúng túng, đến nay chúng ta có nhiều bài học cách làm sáng tạo: Hệ thống bộ máy ở cơ sở, kết hợp đồng thời xây dựng quy hoạch và đề án NTM ở xã, lồng ghép các chương trình, dự án, ứng trước xi măng làm đường giao thông nông thôn, lựa chọn tiêu chí thiết thực thực hiện trước, huy động hiến đất và ngày công của nhân dân, sự tham gia của các doanh nghiệp xây dựng NTM…”, ông Bách nói.
Trong 3 năm qua, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng, nâng cấp 1.100 km đường GTNT đạt chuẩn; hoàn thành và đưa vào sử dụng 3.169 tuyến đường thôn, xóm; kiên cố hoá 261,6 km kênh mương; lắp đặt thêm 250,5 km đường điện; nâng cấp được 137 trường học; 121 nhà văn hoá đạt chuẩn quốc gia; xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng 27 công trình nước sạch tập trung, xây dựng mới 5 chợ đạt chuẩn, môi trường khu vực nông thôn được tập trung xử lý… Tổng nguồn lực huy động gần 3 năm thực hiện xây dựng NTM đạt trên 2.876 tỷ đồng.
Những thành quả đạt được như trên là hết sức to lớn. Nhưng, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cũng thẳng thắn thừa nhận rằng: Nông nghiệp của tỉnh có sự chuyển biến nhưng còn chậm, tăng trưởng kém bền vững, khả năng cạnh tranh thấp. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Ô nhiễm môi trường tăng, nhiều tài nguyên bị khai thác quá mức.
Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ chưa phù hợp với thực tế, chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp và người dân đầu tư vào nông nghiệp. Lao động nông thôn dư thừa, một số nơi nông dân chưa thiết tha với đồng ruộng.
Để hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chí xã NTM, tỉnh Ninh Bình tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, sát đúng, kịp thời, phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương, phát huy tính chủ động, sáng tạo, vai trò chủ thể của người dân. Tập trung phát triển sản xuất, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương. Xây dựng mô hình điểm để nhân ra diện rộng; tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp giữ vai trò “đầu kéo” theo chuỗi giá trị, kết nối thị trường.
Bên cạnh đó,triển khai mạnh mẽ chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn và chương trình khuyến nông nhằm tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng chuyển lao động nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường tiếp thị và quảng bá sản phẩm nông nghiệp, khuyến khích phát triển hệ thống dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Đến nay toàn tỉnh Ninh Bình đã có có 7 xã đạt trên 13 tiêu chí; 26 xã đạt từ 9 - 13 tiêu chí, 86 xã đạt dưới 9 tiêu chí. Phấn đấu đến hết năm 2013 sẽ có 15 xã đạt 13 tiêu chí, trong đó có từ 2 - 3 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM. Năm 2014 có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM và năm 2015 toàn tỉnh có 20% số xã đạt NTM. |
Minh Phúc
Nguồn nongnghiep.vn