Ninh Thuận: Kết quả qua 2 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới
- Thứ hai - 11/03/2013 12:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đã chọn 3 xã điểm cấp tỉnh và 8 xã điểm cấp huyện để chỉ đạo thực hiện và rút kinh nghiệm nhân rộng. Có thể nói bước đầu các xã điểm đã tạo khí thế thi đua xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đạt các tiêu chí NTM theo chương trình, kế hoạch đề ra. Năm 2012, bằng sự nổ lực của ngành Xây dựng, Nông nghiệp - PTNT, và các địa phương đã hoàn thành quy hoạch chung cho 45/47 xã, làm tiền đề, định hướng trong Đề án Xây dựng NTM của các xã. Một số công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất từng bước được hoàn thiện; các mô hình sản xuất mới phát huy hiệu quả và ngày càng được nhân rộng.
Có thể nói, phong trào xây dựng NTM đã lan tỏa rộng khắp trong tỉnh, nhân dân nhiều địa phương phấn khởi, tin tưởng và tích cực hưởng ứng tham gia phong trào như: hiến đất, góp công, góp của xây dựng NTM; vai trò chủ thể của cộng đồng cư dân nông thôn đã được nâng lên, bộ mặt nông thôn một số địa phương bắt đầu khởi sắc hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Nhận thức của nhiều người dân về xây dựng NTM chưa đầy đủ, công tác chỉ đạo ở một số ngành, địa phương còn lúng túng. Chưa có hướng dẫn cụ thể của Trung ương về mô hình tổ chức bộ máy giúp việc để thống nhất trên phạm vi toàn quốc; đội ngũ giúp việc BCĐ các cấp còn thiếu và hầu hết kiêm nhiệm nên hiệu quả công việc chưa cao. Các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình chậm ban hành gây lúng túng cho địa phương như: cơ chế tài chính về qui định tỷ lệ cụ thể mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước nói chung và ngân sách Trung ương nói riêng cho các công trình cơ sở hạ tầng; cơ chế đầu tư, lồng ghép; cơ chế hỗ trợ; phối hợp; báo cáo; công tác lập quy hoạch... văn bản hướng dẫn chồng chéo, chậm ban hành. Công tác tuyên truyền còn hạn chế về nội dung và hình thức; chậm hình thành đội ngũ tuyên truyền viên có kỹ năng và am hiểu chương trình để tuyên truyền, vận động nhân dân; đội ngũ cán bộ các ngành, các cấp còn hạn chế về trình độ chuyên môn, kiến thức cũng như kinh nghiệm hướng dẫn; nguồn lực thực hiện chương trình còn ít; việc huy động các DN; HTX và nhân dân tham gia không đáng kể. Đời sống cư dân nông thôn còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp. Các chương trình, dự án thực hiện theo tiêu chí, đối tượng riêng và không chỉ đầu tư tập trung cho khu vực nông thôn nên việc lồng ghép còn phân tán, chưa tập trung vào các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2015; việc huy động, sử dụng nguồn vốn tín dụng theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP và tín dụng cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách chưa thực sự rộng khắp và sử dụng có hiệu quả; nhiều mô hình phát triển sản xuất chậm được nhân rộng .
Từ kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm: Nơi nào cấp uỷ Đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể tích cực quan tâm chỉ đạo, cán bộ, đảng viên tâm huyết và gương mẫu thực hiện thì nơi đó phong trào xây dựng NTM đạt kết quả cao. Khó khăn nhất trong xây dựng NTM là nhận thức cuả người dân, vì vậy công tác tuyên truyền phải thực hiện thường xuyên, liên tục với tần suất cao, đặc biệt là chú trọng đến nội dung tuyên truyền để thay đổi nhận thức cơ bản trong đại đa số quần chúng nhân dân, để người dân ý thức việc xây dựng NTM là “việc phải làm”, “đã làm là làm được” và “tất cả đều có thể làm được” nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, thi đua xây dựng NTM. Tuỳ theo tình hình thực tế của từng địa phương mà huy động các nguồn lực để vừa đảm bảo được mục tiêu, vừa huy động được sức dân và nguồn lực khác. Đề cao trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng, chủ động lồng ghép các chương trình, lựa chọn những dự án ưu tiên, phù hợp với điều kiện thực tế, có như vậy, nguồn kinh phí để thực hiện chương trình sẽ có tính thực tiễn và hiệu quả hơn, người dân thể hiện vai trò chủ thể nhiều hơn. Cần quan tâm đến các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn và phải vận động DN, HTX tham gia làm nòng cốt, hỗ trợ nông dân trong quá trình tổ chức sản xuất; chuyển giao khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, tăng thu nhập cho người dân để người dân có nguồn lực tham gia lại vào quá trình xây dựng NTM. Mục tiêu cơ bản, chủ yếu của xây dựng NTM nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, do vậy cần nhận thức và hành động đúng về xây dựng NTM. Trong xây dựng NTM vai trò cán bộ rất quan trọng do vậy cần tăng cường xây dựng, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, năng lực để tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM.
Trong năm 2013, các ngành, các cấp, các địa phương cần tập trung vào những mục tiêu cơ bản sau: Nhóm xã phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2015 phấn đấu vào nhóm 3 (từ 9 -13 tiêu chí). Trong đó 1 trong 3 xã điểm của tỉnh phấn đấu vào nhóm 2 (từ 14 -18 tiêu chí). Nhóm xã phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2020 phấn đấu vào nhóm 3, 4 (từ 5 - 8 tiêu chí). Số xã thuộc nhóm 5 phấn đấu đạt được mức cao nhất của nhóm (4 tiêu chí).
Để đạt được những mục tiêu trên, đề nghị tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm: Tập trung xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên có kỹ năng và am hiểu về chương trình; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM, trân trọng sự đóng góp của nhân dân và tài trợ của các tổ chức, cá nhân; của con em quê hương thành đạt… đề xuất khen thưởng kịp thời nhằm động viên tinh thần của họ. Tiếp tục triển khai tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp về công tác xây dựng NTM, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Ưu tiên đầu tư và lồng ghép các chương trình, dự án khác để đầu tư công trình phục vụ sản xuất, cơ sở hạ tầng cho 11 xã phấn đấu đạt chuẩn giai đoạn 2011-2015. Đề nghị Sở Xây dựng sớm xây dựng bộ thiết kế mẫu áp dụng cho các công trình có quy mô nhỏ, yêu cầu kỹ thuật đơn giản trình UBND tỉnh ban hành để áp dụng. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các ngành và theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu cơ chế lồng ghép, cơ chế đầu tư đặc thù trình UBND tỉnh ban hành. Văn phòng Điều phối chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương nghiên cứu hỗ trợ vật tư chính (xi măng, sắt thép) cho các xã theo hình thức ứng trước, trả chậm theo nhu cầu, kế hoạch của các xã. Trước mắt tập trung cho 3 xã điểm của tỉnh và các xã đạt chuẩn vào năm 2015 và tập trung vào các tiêu chí gần đạt của các xã. Tập trung nguồn lực xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa có hiệu quả; phát huy lợi thế của từng xã, vùng, liên xã để hình thành các vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc thù của địa phương để tiếp cận thị trường, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Ban chỉ đạo các huyện, xã cần có sự phân công trách nhiệm cụ thể và có kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên. Tiếp tục duy trì các tiêu chí đã đạt và phấn đấu nâng cao mức độ đạt về các tiêu chí giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội, hệ thống chính trị, an ninh trật tự.
Năm 2013, sẽ là năm còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt cuả Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện, xã, và chính quyền các điạ phương, và sự đồng lòng của toàn thể nhân dân, chương trình Xây dựng NTM cuả tỉnh sẽ đạt được những yêu cầu mà Nghị quyết 02 cuả Tỉnh uỷ đã đề ra.
Lê Kim Hiếu
Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM
http://baoninhthuan.com.vn