No ấm về với Tường Phong

No ấm về với Tường Phong
“Nhiệm vụ xóa đói nghèo ở vùng cao, đồng bào dân tộc là cả một hành trình không đơn giản. Chúng tôi ý thức được rằng trong hành trình ấy, nội lực của người dân rất quan trọng” - ông Sa Văn Tiêng - Chủ tịch Hội ND xã Tường Phong, huyện Phù Yên, Sơn La tâm sự.
Tường Phong là xã nhiều khó khăn của huyện Phù Yên. Đây là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em: Thái, Mường, Dao, Mông…Tuy là xã thuần nông, nhưng cả xã chỉ vỏn vẹn 9ha lúa nước, 18ha lúa nương, còn lại là đất dốc trồng ngô, sắn.

Ưu tiên vốn mua phân, giống…

Chúng tôi đến bản Vặm những ngày đầu xuân mới, gặp anh Đinh Văn Xuân đang bốc xếp những bao phân bón vào một góc nhà. Anh bảo: Vụ gieo trồng sắp đến rồi. Tôi phải chuẩn bị đủ giống và phân bón cho hơn 1.000m2 ruộng lúa và gần 1ha ngô, sắn. Mình là hộ nghèo, có tiền là phải ưu tiên mua giống và vật tư sản xuất trước thì mới đảm bảo cho thu hoạch vụ sau. Còn tiền chi cho sinh hoạt hàng ngày thì rau xanh trồng xen vụ cũng được kha khá, vừa ăn vừa bán vẫn dư. Tôi còn hơn chục mái gà đẻ, gần 30 con gà, vịt nuôi lấy thịt. Lúc bí thì nhìn vào đấy cũng có khoản tiền kha khá rồi, khỏi lo…

Nông dân xã Tường Phong gieo cấy lúa xuân giống mới, cho năng suất cao hơn 30% so với giống cũ.
Nông dân xã Tường Phong gieo cấy lúa xuân giống mới, cho năng suất cao hơn 30% so với giống cũ.

Gần bên nhà anh Xuân là gia đình chị Hà Thị Phương, hộ cận nghèo của bản. Chị Phương thật thà: “Chúng tôi được cán bộ giúp đỡ nhiều về cách làm ăn, lại cho vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội nữa nên sẽ xóa được nghèo thôi. Cũng cái ruộng này, trước đây giống cũ, không bón phân thì chỉ được 12 bao thóc. Hai vụ gần đây, tôi dùng giống mới, bón phân, được tới 17 bao thóc. Nương ngô cũng thế, năng suất 3 năm nay cao hơn nhiều rồi. Biết cách làm hay, thêm giống tốt, phân bón, chịu khó chăm sóc cây trồng là không sợ đói nữa. Cán bộ bảo đấy là nội lực của dân, còn mình thì bảo đấy là làm theo cán bộ…

Cán bộ và nông dân chung sức

Giờ thì nhà ai cũng có một mảnh vườn rau nhỏ, nhiều hộ còn sản xuất rau số lượng lớn để bán. Thấy cán bộ đào ao thả cá, dân làm theo, năm vừa qua sản lượng cá nuôi thả trong ao của xã tới hơn 15 tấn.

Theo ông Tiêng, người dân Tường Phong rất chịu thương, chịu khó và đoàn kết nên nếu có những cách làm hay, cán bộ xắn tay hướng dẫn là dân sẽ học theo ngay. Nhỏ như cái rau ăn, trước đây phụ thuộc rau rừng-rêu suối là chính. Nhưng khi cán bộ trồng rau, hướng dẫn mọi người cùng làm, ai cũng học theo.

Giờ thì nhà ai cũng có một mảnh vườn rau nhỏ, nhiều hộ còn sản xuất rau số lượng lớn để bán. Thấy cán bộ đào ao thả cá, dân làm theo, năm vừa qua sản lượng cá nuôi thả trong ao của xã tới hơn 15 tấn. Còn chuyện chăn nuôi gia súc, gia cầm, trước đây thường hay bị dịch bệnh, mất sạch. Thấy cán bộ thực hiện nghiêm việc tiêm phòng dịch bệnh, vật nuôi không bị chết, thế là dân cả xã làm theo. Bây giờ mỗi năm tổ chức tiêm phòng 3 đợt. Đàn trâu, bò, dê, lợn, ngựa… tăng nhanh hàng năm cũng là nhờ không bị dịch bệnh làm hại nữa.

Bên bản Hạ Lương có nhiều ngôi nhà mới dựng, có nhà còn thơm mùi vôi vữa. Hỏi chuyện chị Lường Thị Hoan, người dân trong bản, được biết: Đấy là hộ nghèo trong bản được Nhà nước hỗ trợ xóa nhà tạm trong năm vừa qua. Cán bộ bản và dân cùng chung nhau góp công sức, vật tư để giúp hộ nghèo làm cái nhà lớn hơn, vững chãi hơn. Năm vừa qua mấy bản chúng tôi xóa được hơn 30 nhà tạm đấy.

Có cán bộ cùng làm nên ai cũng tích cực, làm nhanh và tốt hơn. Mấy năm nay bản Hạ Lương chúng tôi tiến bộ nhiều rồi, có nhiều hộ đạt SXKD giỏi cấp xã, cấp huyện. Chúng tôi vừa được công nhận là bản văn hóa cấp huyện đấy.
                                                                                                                               Kiều Thiện
                                                                                                                          Theo danviet.vn