Nỗ lực đạt và giữ chuẩn nông thôn mới

Từ ngày 5-15/9, Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tiến hành giám sát tại một số địa phương trong tỉnh. Qua đợt giám sát này, bên cạnh những mặt đạt được, nhiều địa phương còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế nhất định. Vì thế, trong thời gian tới, toàn tỉnh cần nỗ lực tăng tốc để đạt chuẩn và giữ vững các tiêu chí theo bộ tiêu chí mới của chương trình.
Mô hình trồng lúa nước đã giúp nhiều xã thuộc vùng miền núi đạt các tiêu chí về tổ chức sản xuất, hộ nghèo - Ảnh: HÀ ANH

Những kết quả đáng mừng

 

Theo bộ tiêu chí cũ, giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Qua giám sát, báo cáo của các địa phương cho thấy để đạt các tiêu chí đã có nhiều sáng tạo, cách làm hay trong công tác vận động. Các cơ quan, ban ngành, Mặt trận các cấp ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động về tận cơ sở, cán bộ còn chịu khó tìm tòi học hỏi cái mới, cái hay của các địa phương khác để áp dụng vào thực tiễn của đơn vị mình.

 

Nổi bật nhất trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo, các địa phương xây dựng được nhiều mô hình hay, phù hợp với thực tế, người dân dễ hiểu, dễ làm, thiết thực giúp bà con giảm nghèo bền vững để vươn lên làm giàu chính đáng. Qua quá trình thực hiện, chương trình này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đa số người dân.

 

Toàn tỉnh có hàng ngàn hộ gia đình không tiếc công của, đồng tình hoán đổi đất, hiến đất để cùng Nhà nước xây dựng đường bê tông nông thôn, khoan giếng, xây nhà văn hóa, tường rào trạm y tế... Chỉ riêng xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), người dân đóng góp xây dựng các công trình trên đạt từ 93-100%. Hay như qua các đợt lấy ý kiến cho thấy sự hài lòng của người dân đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới luôn đạt tỉ lệ cao. Theo kết quả khảo sát của Ủy ban MTTQ xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa), xã Xuân Hải (TX Sông Cầu), luôn có từ 90% đến trên 95% người dân hài lòng.

 

Ông Nguyễn Hạ Hoàng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xuân Hải, cho biết: “Là một xã thuộc vùng bãi ngang ven biển, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, đời sống còn chịu ảnh hưởng vào thời tiết rất lớn nhưng khi triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã nhận được sự ủng hộ rất cao của người dân. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, các hộ đã hiến 2.050mđất để hoàn thành sớm 1,7km bê tông nông thôn có chiều rộng từ 3,5-5m, với tổng kinh phí 2,7 tỉ đồng”.

 

Nỗ lực thực hiện để đạt chuẩn mới

 

Qua thực tiễn giám sát ở một số địa phương, đơn vị, không ít xã đã đạt chuẩn từ năm 2015 nhưng từ năm 2016 đến nay lại bị rớt hạng ở các tiêu chí về văn hóa, an ninh trật tự, môi trường, y tế, hệ thống chính trị - tiếp cận pháp luật. Giải thích về vấn đề này, lãnh đạo của các địa phương đều cho biết, sở dĩ có những tiêu chí bị rớt hạng vì khi áp bộ tiêu chí mới vào để xét, đa số các xã đều chưa đáp ứng kịp.

 

Cụ thể như tiêu chí về môi trường, so với bộ tiêu chí cũ, thì bộ tiêu chí mới tăng hơn 4 tiêu chí thành phần. Trong đó, tiêu chí về thực hiện các công trình vệ sinh phải đạt 85% trở lên, so với tiêu chí cũ là 75%. Hay như tiêu chí về hệ thống chính trị - tiếp cận pháp luật, nhiều xã đang khuyết chức danh cán bộ chủ chốt là nữ. Điều này muốn thực hiện theo bộ chuẩn mới cần phải có thời gian. Tại các cuộc họp, lãnh đạo của nhiều xã cho biết đang gấp rút tạo điều kiện để cán bộ nữ được đào tạo, đáp ứng với bộ tiêu chí mới.

 

Đồng thời, một trong những nguyên nhân làm giảm sự tăng tốc trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đó là nguồn kinh phí hỗ trợ của cấp trên giải quyết chậm, vốn ngân sách cấp xã chưa đáp ứng nhu cầu triển khai các công việc. Các nguồn lực hỗ trợ đầu tư từ các tổ chức doanh nghiệp còn hạn chế, nguồn vốn huy động trong nhân dân ở một số xã rất khó khăn đã làm chậm tiến độ trong quá trình thực hiện. Tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo còn khá cao nên việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.

 

Ở một số xã thuộc vùng miền núi có những kiến nghị rất xác đáng như cần sự hỗ trợ về các mô hình trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi để tận dụng tốt quỹ đất đai tại chỗ. “Hiện nay, quỹ đất xã Ea Lâm còn rất lớn. Nếu được hỗ trợ kịp thời về các mô hình để người dân thực hiện, không những giải quyết được vấn đề thoát nghèo mà còn góp phần thực hiện tốt tiêu chí tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí nông thôn mới”, Chủ tịch UBND xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) Nguyễn Văn Thành khẳng định.

 

Đợt này, đoàn đã tiến hành giám sát tại địa bàn 8 xã thuộc 3 huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đông Hòa và TX Sông Cầu. Nhìn chung, việc thực hiện chương trình đã đạt những kết quả nhất định. Tuy vậy, còn bộc lộ những khó khăn, nhất là khi thực hiện theo bộ tiêu chí mới. Nhiều xã đã đạt chuẩn từ năm 2015 nhưng nay lại rớt hạng. Nhiều xã được tỉnh, huyện chọn làm điểm nhưng vẫn chưa có chương trình hành động cụ thể để vừa giữ vững các tiêu chí và tăng tốc tốt hơn trong thời gian tới. Ban Thường trực Mặt trận tỉnh sẽ có các kiến nghị lên các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành để có những giải pháp thiết thực thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

 

Phó Chủ tịch thường trực, Phó Trưởng Đoàn giám sát

Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Hồng Thái

 

Theo HÀ ANH/baophuyen.com.vn