Nỗ lực hoàn thành kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2014
- Thứ tư - 17/12/2014 05:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Năm 2014, TP Cần Thơ đã hỗ trợ dạy nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, đặt hàng dạy nghề cho 5.635 lao động nông thôn, trong đó dạy nghề phi nông nghiệp là 3.850 người (tỷ lệ 68,32%), dạy nghề nông nghiệp là 1.785 người (tỷ lệ 31,68%). Trong đó, có 634 lao động thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo, người dân tộc; 148 lao động thuộc hộ cận nghèo và 4.853 lao động thuộc đối tượng khác. Đề án ĐTN tập trung đào tạo 38 nghề, trong đó có 18 nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp và 20 nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, các quận, huyện đều chú trọng xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyềt việc làm tại cơ sở, thu hút nhiều lao động tham gia.
Học viên lớp nghề may gia dụng xã Đông Thuận, huyện Thới Lai đang thực tập may giày thể thao học sinh.
Theo Tổng cục Dạy nghề, năm 2014, toàn vùng ĐBSCL có 93.476 người được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án ĐTN, trong đó có 9.216 người thuộc hộ nghèo (tỷ lệ 10%); 4.813 người thuộc hộ cận nghèo (tỷ lệ 5,1%); 9.550 người dân tộc thiểu số (tỷ lệ 10,2%); 66.982 người thuộc các đối tượng khác (tỷ lệ 71,6%)… đạt 75% kế hoạch năm 2014 của vùng. So với năm 2013, giảm hơn 30% số người được hỗ trợ học nghề. Trong số 93.476 người học nghề có 71.089 người có việc làm sau đào tạo, đạt 79,18% (cao hơn 9,18% so với mục tiêu chung của Đề án ĐTN giai đoạn 2010-2015 là 70%) gồm lao động được doanh nghiệp tuyển dụng và nhận bao tiêu sản phẩm; lao động thành lập tổ, nhóm sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp và tạo việc làm cho người lao động khác. Đa số lao động tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động và thu nhập khá lên.
Thống kê của các địa phương cho thấy, có 2.066 hộ nghèo có người tham gia học nghề trong vùng đã thoát nghèo, chiếm 22,4% số hộ nghèo có người tham gia học nghề; 948 hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, đạt mức thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân tại địa phương.
Bên cạnh kết quả đáng khích lệ, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn khu vực ĐBSCL còn một số khó khăn cần khắc phục. Kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đạt mục tiêu Đề án ĐTN; số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề còn thấp và việc làm sau học nghề chưa bền vững. Nhiều địa phương không hoàn thành mục tiêu, hiệu quả Đề án ĐTN. Việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là danh mục nghề nông nghiệp còn dàn trải, chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến, hiện đại gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sau khi học nghề, hầu hết học viên khó tiếp cận vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm... nên khó có điều kiện phát huy tay nghề.
Theo: baocantho.com.vn