Nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường, chung sức xây dựng nông thôn mới
- Thứ tư - 24/01/2018 11:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chi hội phụ nữ Quảng Xá, xã Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh) phát động vệ sinh các trục đường trên địa bàn
Để hoạt động có hiệu quả, Hội LHPN huyện Vĩnh Linh từ huyện đến cơ sở đã tích cực tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ về nông thôn mới; tập trung nâng cao nhận thức cho phụ nữ về vai trò, tầm quan trọng xây dựng nông thôn mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giúp chị em hiểu rõ, hiểu đúng và tự giác thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước nói chung, của từng địa phương nói riêng về xây dựng nông thôn mới, trong đó đặc biệt chú trọng tiêu chí 17 về “môi trường”.
Gắn với tiêu chí “nhà sạch, bếp sạch, ngõ sạch” của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, kiến thức về bảo vệ môi trường được chuyển tải đến hội viên, phụ nữ bằng nhiều hình thức như: tập huấn, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông lồng ghép trong các buổi sinh hoạt Hội, sinh hoạt CLB, nhóm “Phụ nữ tiết kiệm – Tín dụng”, nhóm “Tương hỗ”…
Để làm phong phú thêm hình thức tuyên truyền, chị em cũng đã chuyển thể các nội dung truyền thông bằng các làn điệu dân ca, sân khấu hóa các buổi truyền thông, hội thi “Phụ nữ với công tác bảo vệ môi trường”. Nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của Hội, của quê hương, đất nước và định kỳ ngày chủ nhật cuối tháng, 100% cơ sở Hội phát động hội viên, phụ nữ làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải quanh nhà, ngoài đồng, giữ vệ sinh nguồn nước, trồng cây xanh góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường “xanh – sạch – đẹp”. Vận động chị em sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, chế biến thực phẩm, thực hiện “nhà sạch, vườn đẹp”, quy hoạch chuồng trại chăn nuôi hợp lý, xử lý nước thải sinh hoạt gia đình hợp vệ sinh…
Không chỉ chú trọng công tác tuyên truyền, các cấp Hội từ huyện đến cơ sở đã đầu tư xây dựng nhiều mô hình mới: thu gom rác thải tại hộ gia đình, thu gom rác ngoài đồng, nuôi giun quế, ủ phân hữu cơ… Hoạt động của các mô hình này không những góp phần bảo vệ môi trường mà còn giải quyết được việc làm cho được lao động nữ nông thôn. Mô hình thu gom rác thải được thực hiện tại các thôn. Mỗi tổ thu gom rác có từ 4 -5 chị có đủ sức khỏe, tự nguyện tham gia. Để duy trì hoạt động của tổ, mỗi hội viên trong thôn đóng góp từ 5.000 – 10.000 đồng/tháng, vừa chi trả thù lao cho chị em, vừa để làm quỹ hoạt động. Tổng số quỹ xây dựng qua mô hình thu gom rác hơn 50 triệu đồng. Với hiệu quả thiết thực của các tổ thu gom rác trong việc thực hiện vệ sinh môi trường, Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện, Hợp tác xã đã hỗ trợ 86 xe chở rác cho các tổ hoạt động.
Mô hình thu gom rác thải tại gia đình và cộng đồng ở xã vĩnh Lâm (Vĩnh Linh)
Bên cạnh việc tổ chức thu gom rác thải tại hộ gia đình, chị em còn tiến hành thu gom dụng cụ đựng thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng trên đồng ruộng, điển hình là 2 xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Long, vùng trọng điểm lúa của huyện Vĩnh Linh. Để phục vụ sản xuất, các đơn vị này mỗi năm sử dụng khoảng 10 tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại. Số bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng bị vất bừa bãi trên các bờ ruộng, mương nước, không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước mà còn có thể gây ra tại nạn cho người dân khi đi làm đồng. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, Hội phụ nữ 2 xã vừa tổ chức thu gom các loại vỏ, chai lọ, bao đựng thuốc bảo vệ thực vật tại hơn 30 điểm ngoài đồng chuyển về bãi tập kết cộng đồng để tiêu hủy; đồng thời vừa tuyên truyền vận động người dân không vất bừa bãi các chất thải sau khi sử dụng, vừa ảnh hưởng môi trường, vừa có thể gây tai nạn cho người lao động; đến nay, tình trạng này đã được cải thiện rõ rệt.
Ngoài ra, để bảo vệ môi trường từ hoạt động chăn nuôi, Hội đã vận động chị em hội viên, phụ nữ xử lý chất thải bằng cách xây hầm biogas; mời kỹ sư hướng dẫn chị em kỹ thuật nuôi giun quế để tận dụng nguồn phân, tạo nguồn thức ăn tại chỗ cho gà, vịt, ngan, cá.
Hội đã đẩy mạnh việc hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây nhà tiêu hợp vệ sinh, đã ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách -Xã hội huyện cho hơn 1000 hộ phụ nữ vay 10 tỷ đồng vốn Nước sạch, vệ sinh môi trường để xây dựng hệ thống nước sạch. Đến nay, toàn huyện có hơn 80 % gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, 95 % hộ sử dụng nước sạch. Thông qua hoạt tuyên truyền, ý thức của người dân ngày một nâng cao, đời sống dần dần cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống, sản xuất ở nông thôn.
Từ việc tuyên truyền vận động đến hướng dẫn, hỗ trợ hội viên phụ nữ tham gia xây dựng các mô hình mới, hoạt động chung sức bảo vệ môi trường của Hội phụ nữ Vĩnh Linh đã thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, song hành cùng với những hoạt động khác của Hội đã đẩy mạnh phong trào “Phụ nữ Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt tiêu chí về môi trường.
Theo Phương Thiện/moitruong.net.vn